Tết miền Trung dân dã nhưng chu toàn
Nếu như người Nam ăn tết giản dị, nhẹ nhàng cũng như chính tính cách của người dân nơi đây thì người Miền Trung lại khá kỹ lưỡng và cầu kỳ trong ngày xuân mới. Ngày xuân muôn hoa đua nhau khoe sắc rực rỡ cả trong nhà ngoài cổng, nào cúc, vạn thọ, hoa giấy... nở rộ chào năm mới hạnh phúc, vui tươi. Hương xuân rộn ràng quyến rũ khắp mọi nhà.
Miền Trung là dải đất giao thoa giữa hai miền đất nước cho nên phong tục tập quán có nhiều điểm tương đồng với cả Bắc lẫn phương Nam. Cũng là những ngày tàn đông, nhưng rét ở miền Trung hiếm khi là rét ngọt và mưa xuân dịu nhẹ, mưa Trung với gió biển thổi vào thời tiết của miền Trung thêm khắc nghiệt.
Thế nhưng cũng rất kỳ lạ khi có năm nắng lại đến sớm làm đường phố khô và sạch. Dù chỉ ở một nơi nhưng có khi cứ như rằng ăn Tết mấy nơi, có khi lại trải đủ xuân hạ thu đông. Cũng bởi là nơi Bắc - Nam bắt tay hoà hợp nên tết ở Trung thú vị và hấp dẫn vậy đấy.
Chợ Trung mộc mạc mà phong phú.
Dù ở đâu trên dải đất hình chữ S, dù ở nông thôn hay phố thị thì cứ mỗi khi Xuân đến Tết về, các gia đình lại tất bật sắm sửa chuẩn bị vui xuân đón tết. Là mảnh đất ở giữa, miền Trung gần như có tất cả những gì của chợ Tết Hà Nội và Sài Gòn. Nhưng hương vị dân dã, thôn quê chất phát như người chính miền Trung thì còn mãi và không trộn lẫn vào đâu được.
Chợ tết tấp nập, ngập tràn hương thơm của những hàng bán hương trầm. Người bán chở thùng hương to kèm theo những cây hương đại, to như ống tay trẻ con ở phía sau xe, vừa đi vừa đốt thơm lừng để mời gọi khách mua hàng. Thay vì họp ở các nơi quen thuộc, chợ tết lại họp ở đình làng, bên mé sông hay ngã ba đường, gọi là “chợ mua may – chợ cầu lộc”. Chợ Tết thôn quê gần gũi với những loại rau củ, trái cây vườn nhà,…
Nhắc đến tết là không thể nhắc đến chợ hoa, một chợ hoa xuân ở miền Trung có thể sưu tập đầy đủ bất kỳ loài hoa nào từ Bắc chí Nam. Chợ hoa không thiếu sắc hồng của đào, không thiếu quất từ Hà Nội hay sắc vàng của mai Nam Bộ đưa về. Tuy nhiên cũng giống phương Nam, người miền Trung hay chơi hoa mai trong ngày Tết.
Mâm ngũ quả.
Khúc ruột miền Trung quanh năm bão lũ, hạn hán, đất đai vốn cằn cỗi, ít hoa trái, thêm vào đó Tết thường rơi vào mùa đông khắc nghiệt, và cả những hậu quả mà thiên tai để lại trước đó chưa dứt thế nên cây trái đặc sản địa phương rất hiếm.
Người dân quê một nắng hai sương chất phát vì thế mà cũng không quá câu nệ hình thức ý nghĩa của mâm ngũ quả, chủ yếu là có gì cúng nấy, thành tâm dâng kính tổ tiên. Ngoài ra, vì ảnh hưởng của sự giao thoa văn hóa 2 miền Bắc – Nam nên mâm ngũ quả vẫn bày biện đủ: chuối, mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài…
Người Trung không hay dùng các loại chuối, trái cây có vị đắng, cay, mà chỉ chọn loại có vị ngọt, tròn, thơm và lâu hư úng để chưng mâm ngũ quả cho đẹp mắt, độc đáo, mong cầu an vui, hạnh phúc cho gia đình trong năm mới. Thường thì người Trung cũng không chưng trái cam, trái quýt vì theo quan niệm của người dân nơi đây rằng “cam đành quýt đoạn”.
Giao thừa đoàn viên.
Dù là Bắc hay Nam, tất cả mọi nơi đều coi phút giao thừa là thời khắc điều thiêng liêng và người Trung cũng thế. Khi giao thừa, những gì xui xẻo của năm cũ sẽ được đẩy đi để đón một năm mới tràn đầy hạnh phúc và hy vọng thế nên nhà nào cũng hương trầm ngào ngạt, không gian thờ phượng đoan nghiêm, mọi người trong gia đình đứng xếp hàng theo thứ tự trước án thờ dâng hương cúng giao thừa.
Đúng 12h đêm các gia đình người Trung làm lễ cúng giao thừa để cầu mong năm mới mạnh khỏe, con cái ăn nên làm ra, học hành tiến tới… Mâm cúng giao thừa cũng khá đơn giản, chỉ là ít bánh trái, mứt và xôi chè. Theo quan niệm của người Trung thì đầu năm nên đón nhận những điều thanh sạch ngọt ngào vì thế những món trên là những vật phẩm được nthưởng thức trong sáng mồng một. Từ lúc giao thừa bắt đầu, trên bàn thờ luôn luôn được hương chong đèn rạng, nghi ngút trầm hương.
Đặc sắc ẩm thực Xuân.
Trong không khí rộn ràng của xuân mới, người miền Trung náo nức chào xuân với hương thơm của bánh tét, của dưa món, của nem chua, của tré, của thịt giầm bên cành mai vàng sắc nắng. Lát bánh tét dẻo mềm, được ăn kèm với những lát dưa món giòn giòn, đậm đà đem đến cho người ăn cảm giác ngon miệng rất khó quên, khiến bao người con xa xứ nhớ nhung mỗi độ xuân về.
Nhà ai cũng thế, dù mâm cao cỗ đầy, cao lương mỹ vị thì vẫn không thể thiều những món ăn truyền thống, dân dã của quê hương này. Đó đã trở thành một hương vị rất riêng, rất Trung mà chẳng đâu có được. Bên cạnh đĩa bánh tết, dưa món, nắm tré, bò ngâm màu trầm, thường có chén (bát nhỏ) tôm chua, xinh như một bông hoa, chói chang đỏ như vầng mặt trời mùa xuân ấm áp.
Đĩa bánh tét dẻo thơm, thịt giầm đậm đà hương vị quê hương... trên bàn thờ gia tổ hay trong mâm cổ đầu xuân bày tỏ hồn quê, là nhịp cầu gắn kết con với tổ tiên, là sợ tình kéo người với người thêm bên chặt. Chính vì lẽ đó mà người dân quen tằn tiện nơi mưa lắm, nắng nhiều ít tìm đến sự no nê khi ăn Tết; chỉ để cảm nhận cái hồn dân tộc. Dù nghèo nhưng vẫn gắng ra chợ mua lạng thịt, cân gạo, ít củ quả, lo cho được mấy món truyền thống; trước để dâng cúng tổ tiên, sau để đàn con líu ríu, quây quần quanh mâm cơm tràn đầy hương Tết.
Mâm cỗ cúng tết của người Trung nấu rất khéo, ở đó chúng ta có thể nhìn thấy cả sự chắt chiu, san sẻ. Những món chính như: Rau sống, chả ram, canh bún, cơm trắng, đồ xào, thịt kho và đôi khi có cả cá kho hoặc thêm cà ri, con gà luộc… được cho vào từng đĩa nhỏ không dồn vào một đĩa lớn.
Tuyệt nhiên, người Trung sẽ không nếm mà dựa vào kinh nghiệm của mình để nêm thức ăn. Người Trung cũng không để bàn thờ ông bà thiếu hương khói trong thời gian lễ Tết, và đặc biệt ngày mồng một nhất định phải cúng chay. Ngoài các món dành để cúng, những món còn lại sẽ dùng đãi khách và ăn trong suốt dịp Tết. Vì ở Trung thời tiết khắc nghiệt, có năm nắng nóng có năm lại lạnh nên các món ăn chủ yếu là chịu thời tiết.
Cũng như những vùng miền khác, món ăn tết ở miền Trung cũng có các món thịt bò kho, cá kho, một nồi thịt nấu đông và vài cây giò thủ và kèm thêm một nồi canh măng nấu với xương và hũ hành, cà rốt, su hào muối sẵn. Tuy nhiên, các món ăn được chế biến có phần mặn, đặc biệt là rất cay. Nếu có khách phương xa đến không quen với khẩu vị ăn, ngay cả sáng mùng hai Tết thì cũng có thể mua được món mới, thậm chí mua được cả rau xanh để chế một nồi lẩu nóng hổi vì bây giờ, chợ miền Trung họp rất sớm.
Phong tục truyền thống Tết cổ truyền
Những ngày áp tết, từ khoảng 20 tháng Chạp Âm lịch, đường phố, làng xóm bắt đầu rực rỡ sắc màu với hoa cúc, hoa vạn thọ, hoa giấy, nhà nhà chuẩn bị lau dọn bàn thờ tổ tiên, thay bình cát trắng để đón ông bà tổ tiên về sum họp gia đình. Nhà nào có đồ đồng sắt thì mang đến thợ đánh bóng cho sạch đẹp. Các mẹ, các cô đi chợ mua dần các vật dụng dùng trong ba ngày Tết. Dưa món, dưa kiệu, dưa hành, các loại mứt Tết đựng đầy hũ to hũ nhỏ trong bếp.
Sáng sớm 23 tháng Chạp, mọi nhà sửa soạn mâm cúng tiễn ông Táo về trời. Với người Bắc thì đây là một nghi lễ quan trọng để bắt đầu đón Tết nên tổ chức rất chu đáo, còn người Trung cúng ông Táo lại đơn giản hơn chỉ có một dĩa xôi, miếng thịt heo luộc, ít hoa quả. 30 tháng Chạp được xem là ngày đoàn tụ gia đình, con cái dù ở xa đến mấy cũng về thăm ông bà, cha mẹ.
Sau khi cúng Tất niên, cả gia đình thường quây quần bên nhau trong không khí ấm ấp, rộn ràng bên nồi bánh chưng, bánh tét. Sáng 30 Tết, đàn ông trụ cột của gia đình đi mộ thắp hương cho ông bà tổ tiên, mời ông bà cùng về ăn Tết với con cháu. Các mẹ, các gì đi sắm sửa vật dụng cuối năm, nấu nướng chuẩn cúng Tất niên. Nếu ai còn nợ nần gì cũng lo trả hết hoặc phải khất nợ cho rõ ràng, nếu không chủ nợ đòi lúc đầu năm thì xem như mắc nợ cả năm.
Ở miền Trung cũng có tục “xông đất “ như người Bắc vào sáng mồng một. Thường gia đình sẽ nhờ người lớn tuổi, còn mạnh khỏe, có vai vế và uy tín trong xã hội hoặc những đứa trẻ thông minh, hoạt bát, vui vẻ đến “xông đất” đầu năm.
Sáng mùng một, cả nhà phải dậy sớm dọn dẹp, bày biện bánh kẹo để đón người xông đất. Ngày đầu tiên của năm mới, mọi người thường đến thăm và chúc Tết bà con họ hàng. Từ đó, hàng xóm, láng giềng khắp nơi sẽ đến chúc Tết nhà mình. Nếu không bận chủ nhà tiếp tục hòa vào toán bạn bè đó; đến nhà nào cũng nhấp một vài chén rượu, ăn cái kẹo, miếng bánh.
Ngày mồng một Tết, Trung còn đi thăm mộ, lên chùa khấn vái, cầu nguyện ông bà hoặc các vị thần linh phù hộ cho mọi thành viên trong gia tộc. Sang mồng 2, mồng 3 Tết, mới bắt đầu đi thăm láng giềng, bà con xa hoặc bạn bè thân cận.
Kiêng kị đầu năm.
Ngày Tết người dân miền Trung sẽ kiêng ăn trứng vịt lộn, thịt vịt trong ngày Tết và cả tháng đầu năm. Người ta cho rằng ăn thịt vịt sẽ gặp xui xẻo. Một số vùng không ăn tôm vì sợ sẽ đi giật lùi như tôm. Nếu ăn trong ngày Tết, công việc sang năm sẽ lùi chứ không thể tiến tới. Kiêng mua quần áo màu trắng, vải trắng suốt tháng Giêng Âm lịch.
Còn tiếp
Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3
Theo Chu Du 24
Du lịch, GO!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét