Pages

Thứ Tư, 29 tháng 1, 2014

Du xuân đón tết 3 miền - Kỳ 3

Tết Bắc cầu kỳ tinh tế

Những ngày cuối năm, phương Bắc lành lạnh trong những hạt mưa xuân nhè nhẹ. Hương xuân rạo rực phủ đầy trên khắp mọi nẻo đường, ngõ hẻm. Xuân về, mọi người hân hoan trong niềm vui sum họp ngập tràn tiếng cười và những lời chào, lời chúc tốt đẹp.

Mùa xuân trên đất Bắc rực rỡ trong sắc hồng của hoa đào tươi thắm và luôn đậm đà bản sắc với hình ảnh truyền thống “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ – Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”.
Trải dọc dải đất hình chứ S, dù là ở đâu cũng thế, cứ trước Tết là các bà các cô lại nô nức đi chợ, sắm sửa cho gia đình, người người đua nhau sắm Tết chả thế mà người ta vẫn hay gọi là “ăn Tết” nhiều hơn là “chơi Tết”.

Rộn ràng chuẩn bị đón xuân

Chợ ngập tràn hàng hóa, bày bán đủ thứ đồ, chợ Tết miền Bắc bao giờ cũng sẽ có đủ những thứ trái, quả để chuẩn bị cho mâm ngũ quả thật tươm tất. Cái không khí háo hức lúc giáp Xuân luôn khiến cho lòng người rạo rực.

Năm mới đến, ai ai cũng mong muốn mọi thứ đều mới mẻ và thật sạch sẽ như vậy sẽ có được may mắn trong năm sau. Nhà nhà tất tả dọn dẹp ngay từ đầu tháng Chạp, nhà cửa được dọn dẹp ngăn nắp và trang hoàng thật đẹp có nhiều nhà còn sơn mới. Các đồ dùng trong nhà đều được lau chùi cẩn thận. Trên tường treo, dán những loại tranh tết. Trong nhà hoặc ở sân trước được chưng các loại hoa có màu sắc rực rỡ tươi sáng hoặc cây quất (tắc) với những chum trái vàng tươi.

Ngày Tết không chỉ nhà được thay quần áo đẹp mà cả con người cũng được làm đẹp. Ngày Xuân mới ai ai cũng xúng xính quần áo mới để tiếp khách hay đi ra đường.

Đặc trưng của Tết Bắc bộ còn là những cây nêu cao lêu nghêu làm từ tre, cắt hết lá và chỉ để lại một số ít lá trên đầu ngọn, trồng ngoài sân vườn. Khi ối xuân nhè nhẹ thổi qua, những là cờ Tổ Quốc treo trên cây nêu đung đưa, phất phới trên nền trời dậy lên cảm giác yêu đất nớc da diết và nghe không khí xuân thêm rộn ràng.

Hoa đào - loài hoa xuân của xứ Bắc

Nếu như mai vàng tươi tắn kiêu hãnh khoe mình giữa nắng xuân ấm áp ở mảnh đất phương Nam xa xôi thì hoa đào lại xua tan cái rét lạnh của mùa đông đất Bắc và cũng là tín hiệu của một năm mới sắp đến. Theo như ông bà ta quan niệm, đào là loài hoa tượng trưng cho sự may mắn thế nên, mỗi khi Tết đến ai ai cũng đều chọn một cành đào thật ưng ý cắm trên bàn thờ hoặc trang trí trong nhà với mong ước mang lại sự an lành, hạnh phúc cho gia đình mình.

Hoa đào là loài hoa đặc biệt của Tết Nguyên Đán và cũng chỉ trồng được ở miền Bắc. Người ta chuộng chơi đào Tết cũng bởi sắc đỏ thắm rực rỡ may mắn của loài hoa này. Sắc đào sẽ sưởi ấm lòng người và vạn vật sau những ngày đông giá lạnh, dưới làn mưa xuân, đào bích, đào phai càng thêm quyến rũ. Nếu Tết Bắc mà thiếu đào là thiếu luôn cái hương sắc của nàng xuân.
Mùa xuân hoa đào nở rộ như nhắc nhở con cái phải nghĩ về gia đình, về một năm cũ đã trôi qua...

Mâm ngũ quả rực rỡ

Đối với người Bắc, mâm ngũ quả không nhất thiết phải chuẩn bị đầy đủ các loại quả để đọc lái thành một câu trọn vẹn ý nghĩa như trong Nam nhưng trước hết là phải đẹp. Thường trên mâm ngũ quả có 5 loại trái cây chính là chuối, bưởi, đào, hồng, quýt. Cách bài trí cũng khá đơn giản, nải chuối được đặt ở dưới cùng đỡ lấy toàn bộ các cây trái khác. Nải chuối to cầu con cháu đầy đủ, trái bưởi với lá những lá xanh như trụ cột gia đình, đan xen vào đó là quả quất vàng ươm, quá táo đỏ rực hay có khi là chùm sung để cầu sung túc, có khi thêm cả quả khế 5 múi cầu bình an tài lộc.

Mâm ngủ quả đẹp luôn luôn phải đầy đủ sắc màu rực rỡ. So với trong Nam thì mâm ngũ quả ở ngoài Bắc nhỏ hơn, mâm ngũ quả làm cho quang cảnh Tết và không gian thời cúng thêm phần rực rỡ, hài hòa và ấm áp. Qua đó còn thể hiện ý nghĩa triết học – tín ngưỡng – thẩm mỹ cũng như những ước vọng lạc quan mà mỗi gia đình Việt mang theo khi bước vào năm mới.

Ngoài mâm ngũ quả, tủ thờ còn có bát đũa, những gói bánh nhiều màu, những gói kẹo lớn và 2 cây mía ở 2 bên để cho ông bà, ông vải chống gậy lên trời cầu bình an cho con cháu. Vì là nơi đầu tiên khách nhìn thấy khi bước chân vào nhà nên tủ thờ sẽ là nơi bày biện đẹp mắt nhất. Người Bức khá coi trọng hình thức vì thế họ luôn thể hiện khả năng kinh tế của mình cho khách khứa biết thôing qua các loại hàng hóa bày trên tủ thờ. Bây giờ, thói quen để rượu gạo lên tủ thờ đã thưa dần thay vào là rượu ngoại đắt tiền và bắt mắt.

Cỗ tết cầu kì

Chắc hẳn ai cũng đã từng nghe câu: “Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ - Cây nêu ngày Tết bánh chưng xanh”, chỉ nghe thôi cũng đủ thấy ngay và luôn hương vị Tết Bắc thật đậm đà.

Không chỉ riêng Bắc Bộ mà trên toàn đất nước Việt Nam, người Việt đều dành tất cả những gì tinh túy, hoàn hảo nhất cho ngàyTết mà thể hiện rõ rệt nhất qua mâm cỗ – một mâm cơm đặc biệt nhất trong năm, một mâm cơm đoàn viên, sum vầy cả gia đình.

Đã ăn Tết Bắc không thể nào bỏ qua món bánh chưng ăn kèm dưa hành, trên mâm cỗ của nhiều nhà còn bày cả đĩa bánh chưng xanh. Bởi thời tiết mùa đông đặc trưng của xứ Bắc là rét lạnh nên những món ăn như giò xào, thịt nấu đông trở thành những món gắn đặc biệt liền với Tết. Món chè kho từ lâu đã trở thành món ăn thân thiết, luôn hiện diện trong mâm cỗ cúng gia tiên mỗi đêm giao thừa ở một số địa phương.

Vốn thói quen coi trọng hình thức đã ăn sâu vào tiềm thức của người Bắc nên việc trình bày mâm cỗ ngày Tết càng chăm chút, tinh tế và không thể qua loa, tất cả các món ăn đều được bày biện khéo léo, đẹp mắt thể hiện được sự tinh tế và văn hóa ddặc trưng của vùng miền.

Mâm cỗ truyền thống là bốn bát, bốn đĩa, cỗ lớn thì 6 bát, 6 đĩa hoặc 8 bát, 8 đĩa… đĩa xôi gấc đỏ tươi như thể hiện mong ước được nhiều may mắn trong năm mới, các món nấu, các món canh sẽ được rắc những cọng hành lá xanh để điểm thêm màu sắc. Thịt gà dùng trong ngày năm mới phải là thịt gà trống thiến được làm sẵn từ chiều 30... Tthức ăn ngon chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng trên mâm cỗ là thể hiện sự no ấm, hạnh phúc của mỗi gia đình, cũng như ước mong một năm mới đầy đủ, thịnh vượng và phát đạt.

Phong tục truyền thống những ngày xuân

23 tháng Chạp tiễn ông Táo về trời, ngoài lễ vật người Bắc còn cúng một con cá chép còn sống thả trong chậu nước, ngụ ý cá sẽ biến thành Rồng đưa ông Táo về trời. Con cá chép này sẽ được "phóng sinh" (thả ra ao hồ hay ra sông) sau khi cúng.

Trước khi chia tay năm cũ để chào đón năm mới thì bao giờ cũng sẽ bắt đầu từ những bữa cơm tất niên bên gia đình ngày hội ngộ. Mâm cơm Tết lúc nào cũng đầy đủ đồ ăn thức uống, vừa để dâng lên tổ tiên vừa là nơi để cả nhà quây quần. Dường Tết luôn là “cái cớ hợp lý nhất để người Việt nhích lại gần nhau hơn.

Giao thừa luôn là khoảnh khắc thiêng liêng và ý nghĩa nhất, mọi người trong gia đình sẽ tề tựu bên nhau, cùng nhau đi hái lộc đầu năm. Lễ vật cúng giao thừa ngoài hương hoa quả phẩm còn có thêm mâm xôi đậu xanh, con gà luộc hoặc đầu heo, bánh chưng, cau trầu rượu. Ngày xưa cúng giao thừa xong, người miền Bắc còn có cổ tục đeo xâu bủa nêu ở trước cửa nhà.

Người Bắc thường coi trọng tục lệ xông nhà nên buổi sáng mùng Một sẽ ra đường chơi hoặc ở nhà ăn Tết sáng mà không vào nhà ai cả. Kiêng kị như thế là vì có những người “nặng vía” sẽ làm cho gia chủ năm đó làm ăn thất bát, xảy ra cơ sự… Vì thế, có những gia đình sẽ mời người “nhẹ vía” hoặc hợp tuổi với gia chủ để xông đất. Trước Tết hay trong Tết, người ta cũng chúc nhau năm mới may mắn, bình an. Cả 3 miền đều thế, người trong gia đình sẽ lì xì cho nhau chúc nhau khỏe mạnh, may mắn.

Kiêng kị đầu năm

Người miền Bắc có khá nhiều tục kiêng trong ngày Tết bởi họ vẫn tuân theo một luật đơn giản có thờ có thiêng, có kiêng có lành.

Kiêng quét nhà: Trong 3 ngày Tết, kiêng quét nhà vì sợ quét hết vận đỏ đi. Vì thế, ai cũng quét dọn nhà cửa, vườn tược trước lúc giao thừa. Hoặc trong 3 ngày tết thì quét rác vào góc nhà, rồi qua ngày mồng Ba mới hót rác đổ đi.

Kiêng không treo những tranh xui xẻo như: đánh ghen, kiện tụng… mà phải tìm treo tranh mang ý tài lộc như lợn, gà, cậu bé…

Kiêng cho lửa ngày tết: Ngày mùng Một tết người ta rất kỵ người khác đến xin lửa nhà mình. Vì quan niệm lửa là đỏ là may mắn. Cho người khác cái đỏ trong ngày mùng Một tết thì cả năm đó trong nhà sẽ gặp nhiều điều không may như làm ăn thua lỗ, trong nhà lủng củng, ra đường hay gặp tai bay vạ gió.

Kiêng cho nước đầu năm: Vì nước được ví như nguồn tài lộc trong câu chúc tiền vào như nước, nếu cho nước thì coi như mất lộc.

Rắc vôi bột ở 4 góc vườn: Ở nông thôn, nhà nào cũng rắc vôi bột ở 4 góc vườn rồi vẽ hướng ra phía cổng để xua đuổi ma quỷ. Vì thế, dân gian có câu: “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”. Đầu năm bạn mua muối tặng cho mọi người cũng chính là lời chúc năm mới làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn.

Xông nhà: Những người “nặng vía”, không hợp tuổi với gia chủ đừng nên đến xông nhà ngày đầu năm. Người có tang không nên xông đất nhà người khác để tránh xui xẻo.

Tránh nói giông: Ngày đầu năm, ta phải hết sức tránh những ngôn ngữ, hành động có thể đem lại sự không may, còn gọi là nói giông hoặc nói xui như: chết rồi, tiêu rồi…

Kiêng làm vỡ bát, đĩa: Bát, đĩa tượng trưng cho gia đình, vì thế, trong ngày này không được đánh vỡ bát đĩa, ấm chén, cãi nhau, chửi nhau, kiêng những điều không vui xảy ra với gia đình.

Kỵ mai táng: Ngày tết Nguyên đán là ngày vui của toàn dân tộc, ngày mở đầu cho vận hội hanh thông của cả một năm, có ý nghĩa rất thiêng liêng. Gia đình phải tạm gác mối sầu riêng để hòa chung với niềm vui toàn dân tộc. Vì vậy có tục lệ cất khăn tang trong ba ngày tết. Nhà nào có đại tang kiêng đi chúc tết, mừng tuổi bà con, xóm giềng, ngược lại bà con xóm giềng lại cần đến chúc tết và an ủi gia đình bất hạnh.

Còn tiếp
Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3

Theo Chu Du 24
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 

Sample text

Sample Text

Sample Text

 
Blogger Templates