(Danviet) - Làng văn hóa dân tộc thiểu số Bhơ Hôồng 1, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang (Quảng Nam) được biết đến như một điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn, không thể bỏ qua trong mỗi chuyến về miền Tây đất Quảng.
Nối Quốc lộ 14A từ Hoà Cầm, Quận Cẩm Lệ (thành phố Đà Nẵng) lên theo trục lộ ĐT 610 khoảng 87 km và cách Tam Kỳ (thành phố tỉnh lỵ Quảng Nam) khoảng 155 km về phía Tây Bắc là đến BhơHôồng 1. Càng lên cao, một Bhơ Hôồng 1 hoang sơ hiện dần trong mắt du khách bởi cánh rừng nguyên sinh nằm dọc bên bờ con suối Ma tua với những mái nhà sàn, mái Gươl và Moong ẩn mình trên dãy núi cao nép vào những tầng mây.
< Đường dẫn vào làng Cơ Tu BhơHôồng 1, xã Sông Kôn - nơi chứa đựng nhiều nét văn hoá cần được khám phá.
Con đường dẫn vào làng BhơHôồng 1 qua con suối Ma Tua từ bao đời nay hoang sơ càng thêm ruyến rủ hơn. Thế giới đằng sau cánh cổng làng, sau những chặng đường cheo leo, ngược dốc là những ngôi nhà gươl, nhà sàn truyền thống lấp ló bóng dáng những thiếu nữ trong những chiếc váy thổ cẩm tự làm. Từ chổ không có thu nhập ngoài nghề làm nương, rẫy những cô gái Cơtu của làng giờ đã thành những người thợ dệt, thợ đan gùi, xà-lét, những tấm vải hay những vật dụng trong gia đình, để tặng hoặc bán cho du khách.
< Dệt thổ cẩm, đan lát và ẩm thực luôn được người làng Cơ Tu BhơHôồng 1 gìn giữ.
Ngày trước, phụ nữ tại đây chỉ biết làm rẫy, thỉnh thoảng dệt vải trong lúc rỗi rảnh nhưng chỉ đan cho mình dùng thôi.
Bây giờ thì được các chị phụ nữ ở huyện hướng dẫn, đi học tập kinh nghiệm ở huyện Nam Giang, hôm nay các chị có thể dệt những tấm vải như thế này để bán cho du khách, tăng thêm thu nhập, bình quân từ 2,5 đến 3 triệu đồng/tháng đủ trang trải đời sống trong gia đình.
Những vị khách nước ngoài đến, ăn ở và hoà đồng với người dân làng, bà con rất quý mến, dân không chỉ vui mà còn rất tự hào khi được đón khách và biểu diễn hoặc bày cho du khách múa những điệu múa truyền thống của làng hay các hoạt động văn hóa của đồng báo Cơtu mình như lễ hội đâm trâu, điệu múa tân tung da dá, tìm hiểu về những nghề truyền thống…
< Người Cơ Tu BhơHôồng 1 vui trong lễ ăn mừng lúa mới của làng vào tháng 9.
Không những rộn ràng bởi tiếng cồng, tiếng chiêng, trong những tiếng khèn, tiếng sáo a lướt rộn rã và điệu múa tung tung da dá truyền thống bất chợp bắt gặp những em bé được mẹ điệu bởi tấm choàng sau lưng đi về phía làng hoà cùng với màu vàng của lúa.
Sau chuyến dạo quanh làng, lội suối băng rừng là bữa trưa đủ món đặc sản, bày biện đẹp mắt giữa nụ cười hồn nhiên chân chất của dân làng Cơ Tu BhơHôồng 1 với măng rừng xào, rau dớn, cá suối, gà kho, thịt lợn thả rông… ăn cùng cơm lam với gạo nếp nương hạt to, tròn, dẻo lấy từ những mảnh rẫy sau làng nấu trong ống tre.
Với một chút rượu Tà vạt đắng nhẹ, tê tê đầu lưỡi mà người Cơ Tu đã phải băng rừng tìm cây lấy nước ăn kèm với món zơrá vào loại đặc sản của núi rừng làm khách đã thấy lòng lâng lâng.
Lần theo cung bậc của cồng chiêng, điệu khèn, tiếng sáo đến điệu múa tung tung da dá rộn rã ấy, chúng tôi lần đường về để khám phá BhơHôồng 1. Khi mặt trời khuất núi, đêm xuống bầu trời ở BhơHôồng 1 như dài và tỉnh lặng hơn. Xa xa, từ những căn nhà ẩn mình đâu đó trên cánh rừng đã thấy phụ nữ lục đục rủ nhau ra Gươl làng để dệt thổ cẩm.
Trong ánh sáng lung linh, những thanh niên Cơ Tu trong chiếc khố vai trần cất lên những bài hát dân ca Cơ Tu gọi nhau để tìm bạn tình. Người Cơ Tu ở làng BhơHôồng 1 còn được biết đến như là một kho tàng văn nghệ dân gian của dân tộc Cơ Tu với nhiều bài hát dao duyên, điệu múa, truyện kể được truyền khẩu từ thế hệ này sang thế hệ khác mang nhiều ý nghĩa văn hóa tộc người.
< Trẻ em Cơ Tu BhơHôồng 1 chuẩn bị hòa vào chương trình Làng Việt do Đài Truyền hình Việt Nam(VTV3) thực hiện.
Được biết từ năm 2008, ngành Du lịch Quảng Nam, UBND huyện Đông Giang đã chọn làng văn hóa BhơHôồng là điểm du lịch cộng đồng và đón khách du lịch tham quan. Làng BhơHôồng 1 hứa hẹn đây là tour du lịch độc đáo, bởi nó góp thêm phần đa dạng hóa dịch vụ giải trí du lịch của tỉnh Quảng Nam trong thời hội nhập.
< Du khách đến BhơHôồng 1 khám phá nghề dệt và đan lát truyền thống.
Khi tour du lịch này đi vào hoạt động, sẽ góp phần giải quyết rất nhiều công ăn việc làm, tạo thu nhập cao cho người dân bản địa, cũng như bảo tồn và giữ gìn những giá trị bản sắc văn hóa bền vững của người dân tộc Cơ Tu.
Giã từ làng Cơ Tu Bhơ Hôồng 1 vào sáng sớm tinh mơ, bầu trời vẫn còn đầy sương giăng và tôi lại về xuôi, để lại một BhơHôồng 1 hoang sơ bên con suối Ma tua trên miền Tây Quảng Nam mà còn nhiều người chưa biết đến.
Theo Nguyễn Văn Sơn (báo Dân Việt)
Du lịch, GO!
Thứ Ba, 21 tháng 1, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét