Pages

Thứ Ba, 21 tháng 1, 2014

Bánh tét cốm dẹp ngày tết

(TTO) - Ăn hoài mà không biết ngán, đối với bà con người Khmer ở Cầu Kè (Trà Vinh), ngoài việc lễ cúng, đãi khách bánh tét cốm dẹp còn là thức ăn trang trí để tăng thêm phần long trọng ngày tết.

Huyện Cầu Kè (Trà Vinh) có nhiều đặc sản hấp dẫn đã quyến rũ du khách các nơi như dừa sáp, chuối quá tạ, trái quách… Riêng về ẩm thực thì món bún nước lèo, xá pấu vốn làm nên danh phận xứ Cầu kè. Nhưng có một món ăn dân dã mà ngon ít người biết đến là bánh tét cốm dẹp đặc biệt của người Khmer làm trong những ngày lễ, tết.

Để có nguyên liệu làm bánh tét cốm dẹp, năm nào người Khmer ở Cầu Kè (Trà Vinh) cũng tận dụng sự hào phóng của thiên nhiên để dành lại một khoảnh đất để cấy nếp làm cốm dẹp, làm giàu thêm văn hóa ẩm thực của dân tộc mình. Khi ngọn gió chướng thổi mạnh, những hạt lúa nếp ngoài đồng vừa đỏ đuôi là lúc bà con ra đồng gặt một ít đem vào đập cho rớt hạt, rồi vút lúa cho thật sạch, đem phơi một nắng vừa khô.

Công đoạn kế tiếp cho vào nồi đất đặt lên bếp, dùng cọng lưng lá chuối làm đũa khuấy đều tay để những hạt lúa nếp chín. Khi nếp nóng nổ lốp bốp thì nhanh tay đổ nếp vào cối giã đều, cho ra những cốm dẹp màu trắng, thơm phức. Sau đó sàng sảy cho hết trấu càng lấy phần cốm dẹp.

Dừa cứng cạy đem nạo, lấy nước dừa thắng nước cốt dừa, cho cốm dẹp vào nước cốt dừa trộn đều, để cốm vài ba phút cho nếp mềm.

Nhân bánh tét cốm dẹp thường là đậu xanh, cà làm hai đem nấu tán thật nhuyễn. Theo kinh nghiệm thì 1 kg đậu xanh, 1 kg đường, một ít va ni để tạo mùi thơm đem lên bếp xào, trộn đều cho thật khô. Đổ vào mâm, người thợ dùng tay bao bọc ni lông để vò cục nhân vừa bằng nửa cổ tay, tránh gói bằng tay trần, sau này ăn có mùi.

Trải lá chuối bỏ cốm dẹp vào, sau đó bỏ nhân lên gói lại như đòn bánh tét nhưng nhỏ hơn, dùng dây lát hay dây lùng cột lại, chứ không cột bằng dây ni lông. Nước nấu thật sôi mới bỏ bánh vào nấu khoảng 1 giờ rưỡi đến 2 giờ là bánh chín.

Mở đòn bánh thơm ngào ngạt của nếp, vị béo của nước cốt dừa, ngọt của đường, bùi và rất thơm nhờ mùi thơm của đậu xanh và vani quyện lại. Vừa tinh tế vừa giản dị chân chất, bánh tét cốm dẹp dân dã ăn hoài không biết ngán.

Đối với bà con Khmer ngoài việc lễ cúng, đãi khách bánh tét cốm dẹp còn là thức ăn trang trí để tăng thêm phần long trọng ngày tết, một nét văn hóa ẩm thực rất riêng của bà con dân tộc miền Tây Nam bộ.

Theo Hưng Phú (báo Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 

Sample text

Sample Text

Sample Text

 
Blogger Templates