(ANTĐ) - Thật tự hào khi được đặt chân lên vùng đất thiêng địa đầu Tổ quốc, nơi đặt cột cờ Lũng Cú cùng với thế rồng thiêng đánh dấu chủ quyền lãnh thổ quốc gia hàng nghìn năm qua. Xúc động hơn khi được chính người dân làng Lô Lô kể cho nghe về câu chuyện rồng thiêng xuất hiện như một niềm tự hào dân tộc.
Theo các cụ cao niên trong làng thì vị trí cột cờ hiện nay chính là núi Rồng, hai hồ nước lớn đối xứng nhau hai bên núi là mắt rồng đã tạo nên cảnh sơn thủy hữu tình, cuộc sống trù phú, ấm no và yên bình của bao thế hệ người dân nơi đây.
Nơi rồng tiên xuất hiện
Sau 2 ngày xuất phát từ Thủ đô Hà Nội, chúng tôi đã có mặt tại chân cột cờ Lũng Cú nơi địa đầu Tổ quốc. Ông Sình Dỉ Pai, 70 tuổi, một vị cao niên trong làng Lô Lô (Lô Lô Trải) kể lại câu chuyện cho con cháu và các vị khách nghe về truyền thuyết rồng thiêng, đã gắn với đời sống tinh thần và sản xuất nông nghiệp từ nghìn đời nay của đồng bào nơi đây.
Ngày xưa, người dân tộc Lô Lô từ nơi khác di cư đến thì nơi đây vẫn còn là vùng rừng núi âm u, quanh năm mây mù che phủ với thung lũng rộng mênh mông và tương đối bằng phẳng so với những vùng khác trên cao nguyên đá Đồng Văn.
Những ngày đầu tổ tiên của người Lô Lô khi đến đây sinh sống nhưng đã không có nguồn nước để sinh hoạt và trồng trọt. Những thanh niên trai tráng đã đi khắp các đỉnh núi, những thung lũng quanh vùng, bới từng khe đá vẫn không thể tìm thấy một giọt nước nào. Một ngày nọ già làng đêm nằm mơ thấy một vị thần xuất hiện nói với già làng lập đàn cầu trời cho con nước.
Ngày hôm sau, người dân trong làng đã lập đàn cầu mưa lễ vật gồm một con dê, 1 con gà và 9 hũ rượu trắng. Tập tục đó còn tồn tại cho đến ngày nay, vào mùa xuân, người làng Lô Lô vẫn tổ chức lễ cầu con nước, cầu cho mùa màng tươi tốt, bội thu. Sau khi làm lễ thì trên đỉnh núi cao Rồng thiêng xuất hiện. Rồng thiêng đã hiến đôi mắt thành hai hồ nước lớn để người dân trong làng lấy nước. Cũng từ đó, nơi Rồng thiêng xuất hiện được gọi là núi Rồng, hai hồ nước hai bên chính là “Long nhãn”.
Kỳ lạ thay, từ khi xuất hiện hai hồ nước, cho dù vào những năm hạn hán nhưng không khi nào trong hồ cạn nước. Bởi điều kiện tự nhiên ở những vùng giáp biên huyện Đồng Văn là vô cùng khắc nghiệt người dân địa phương thường chỉ sản xuất nông nghiệp được 1 vụ. Vào mùa khô (từ tháng 10 đến tháng 4 âm lịch) hầu như không có trận mưa nào. Vì thế nguồn nước cho sản xuất, sinh hoạt của người dân vô cùng khan hiếm. Nhưng người làng Lô Lô đã được núi rồng che chở, được hồ nước cung cấp, từ vài ba chục người nay đã trở thành ngôi làng trù phú gần 100 nóc nhà với trên 500 nhân khẩu.
Theo dòng chảy lịch sử
Theo lịch sử thì chính tại nơi này, Thái úy Lý Thường Kiệt vào nửa cuối thế kỷ thứ XI, sau khi đánh bại quân xâm lược nhà Tống ông đã cho treo một lá cờ trấn ải biên thùy, và từ đó, nơi đây được người dân coi như cột mốc cao nhất đánh dấu biên cương lãnh thổ. Các cụ truyền lại cho con cháu: Sau khi treo cờ, Lý Thường Kiệt cho chôn một hòn đá tảng để đánh dấu. Sau này, Quang Trung - Nguyễn Huệ cũng theo vị trí đó mà đặt trống báo cầm canh.
Chuyện kể rằng vào thời kỳ Tây Sơn, sau khi đại thắng quân xâm lược nhà Thanh, hoàng đế Quang Trung đã cho đặt một chiếc trống rất to ở trạm gác vùng biên ải hiểm trở này. Cứ mỗi canh, tiếng trống lại vang lên ba hồi đĩnh đạc, vang xa mấy dặm, như một sự khẳng định chủ quyền đất nước.
Thời kỳ đó, tiếng trống như một phương tiện thông tin nhanh nhất. Chính vì thế, Lũng Cú khi đọc chệch âm sang âm tiếng địa phương có nghĩa là Long Cổ (tức là trống của vua). Theo người dân, nơi đặt chiếc trống của nhà vua Quang Trung chính là trạm biên phòng tiền tiêu hiện nay (ngay phía dưới chân cột cờ Lũng Cú). Chiếc trống đó tuy không còn nhưng trong làng Lô Lô vẫn còn 2 chiếc trống đồng.
Tộc trưởng của mỗi họ là người được giữ trống, thường dùng trong các dịp lễ hội. Quan niệm về âm dương, sự sinh sôi nảy nở có lẽ còn được bảo tồn rõ ràng với lối hoà tấu hai chiếc trống đực và cái cùng một lúc. Chỉ những người đàn ông chưa vợ hoặc có vợ không ở trong thời kỳ thai nghén mới được đánh trống.
Các nhà nghiên cứu khẳng định trống đồng của đồng bào Lô Lô có nguồn gốc từ trống đồng Đông Sơn. Chính vì thế, khi xây dựng cột cờ trên đỉnh núi Rồng, Nhà nước ta đã cho làm phù điêu trên chân và bệ cột cờ mang nét hoa văn của trống đồng Đông Sơn.
Ông Sình Dỉ Pai kể tiếp, vào năm 1887, khi Thực dân Pháp và triều đình Mãn Thanh tiến hành phân giới cắm mốc đã có ý định cắt phần đất này cho phía Trung Quốc. Nhờ sự đấu tranh bảo vệ kiên cường của đồng bào các dân tộc vùng biên nên mảnh đất biên cương được giữ vững mốc giới như ngày nay:
“Khi thực dân Pháp cho quân lên chiếm đóng phía cực Bắc chúng đã chọn vị trí núi Lũng Cú ngay cạnh núi Rồng để xây dựng đồn bốt. Nhưng lạ thay mỗi lần chúng có ý định xây dựng trên ngọn núi đều không thể thực hiện được, nếu không mưa to, gió lớn thì cũng trời long, đá lở. Cuối cùng chúng phải cho nổ mìn để san phẳng phía trên đỉnh núi, rồi bắt dân làng vận chuyển nguyên vật liệu lên xây bốt.
Khi đó, có một đôi vịt trắng từ ngọn núi bay đi. Cũng chính là thời kỳ người làng Lô Lô chìm trong sự áp bức, bóc lột của thực dân Pháp...”, ông Pai kể. Việc làm của lũ giặc đã chạm đến sự linh thiêng của núi rừng bởi mỗi ngọn núi, hồ nước và cây cổ thụ đều như một báu vật linh thiêng của đồng bào dân tộc vùng cao bao đời nay. Vì vậy, lũ giặc kia đã phải đền tội, năm 1954, quân Pháp thất bại, đôi vịt trắng lại bay về đậu trên ngọn núi. Người dân Lô Lô được sống trong thanh bình, tự do và no ấm.
Trong thời kỳ chiến tranh biên giới (1979-1980), người dân Lô Lô, theo chỉ thị phải đi tản cư, bỏ lại ruộng vườn, nhà cửa sau bao thế hệ gây dựng để đi xuống vùng Yên Minh (Hà Giang) lánh nạn. Chiến tranh kết thúc mọi người lại trở về quê cũ nhưng có điều kỳ lạ là những ngôi nhà của họ đều được núi Rồng che chở nên đều không hề hấn gì cho dù đạn pháo của địch cày nát những thửa ruộng bậc thang.
Ngày nay, về làng Lô Lô ta vẫn còn bắt gặp những nếp nhà cổ đã có hàng trăm năm tuổi với những bức tường trình được làm bằng đất nện, mái ngói vút mang màu của thời gian. Và đây cũng chính là những nét truyền thống độc đáo của người dân Lô Lô ở Lũng Cú mà Trung tâm Văn hóa, thể thao và du lịch Hà Giang đang đưa vào việc bảo tồn phát triển khu làng văn hóa du lịch trong quần thể khu du lịch cột cờ quốc gia Lũng Cú.
Ngày 8-3-2010, được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, UBND huyện Đồng Văn đã cho tiến hành khởi công trùng tu, nâng cấp cột cờ quốc gia Lũng Cú mới ngay tại vị trí cũ. Sau 196 ngày thi công, cột cờ quốc gia Lũng Cú đã hoàn thành vào ngày 25.9.2010, cột cờ mới cao 34,85 m (hơn cột cờ cũ 10m), từ chân núi lên đến đỉnh cột cờ là 839 bậc. Cột cờ được xây dựng theo mô hình cột cờ Hà Nội, nhưng kích thước nhỏ hơn.
Về kiến trúc, cột cờ được thiết kế theo hình bát giác, chân cột cờ được gắn 8 tấm phù điêu đá xanh minh họa cho các giai đoạn thời kỳ lịch sử của đất nước và các phong tục tập quán của nhân dân tỉnh Hà Giang. Chân, bệ có 6 mặt phù điêu mang nét hoa văn của trống đồng Đông Sơn. Tiếng trống của cha ông từ thuở xưa và sắc đỏ lá cờ Tổ quốc 54m² (đại diện cho 54 dân tộc trên cả nước) bay hiên ngang trên bầu trời biên giới là một lời nhắc nhở với thế hệ hôm nay và mai sau về chủ quyền đất nước.
Theo Nam Hà (An Ninh Thủ Đô)
Du lịch, GO!
Thiêng liêng cột cờ Lũng Cú
Lũng cú: Mảnh đất địa đầu tổ quốc
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét