(Tiếp theo) - Tà Tổng là một xã thuộc huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, Việt Nam. Xã Tà Tổng có diện tích 510,82 km², dân số năm 1999 là 3954 người, mật độ dân số đạt 8 người/km².
< Tiếp lục lên đường.
Tà Tổng nằm trên độ cao khoảng 1500m so với mặt nước biển với giao thông đi lại vùng cao thuộc hàng khó bậc nhất của huyện Mường Tè. Dân số khoảng 700 hộ với khoảng 5640 khẩu với 4 dân tộc anh em sinh sống là người Mông (95%), Hà Nhì (5%) còn lại là người Kinh và người Mường, sống tập trung ở 10 bản.
< Con đường xuyên giữa cây cối um tùm tuyệt đẹp, nhiều đoạn đường như có vẻ vừa mới được san gạt lại.
Đường lên Tà Tổng bây giờ vẫn có thể làm nản lòng bất cứ ai, nhất là những người không quen đường núi. Thế nhưng so với vài năm trước (trước năm 2009): Tà Tổng gần như là ốc đảo bởi giao thông chia cắt, muốn vào đến trung tâm xã, phải đi bộ 18 km đường núi...
< Đi một đoạn thì quả nhiên có một chiếc máy ủi đang chạy phía trước. Chiếc máy ủi phải nép sát vào vệ đường để tránh thì chúng tôi mới lách qua được.
Lúc ấy, mỗi lần cán bộ xã muốn xuống huyện họp phải đi bộ mất cả ngày đường. Thầy cô giáo lên cắm bản, hoặc là rất ít khi về thăm nhà, hoặc là không chịu nổi về là về luôn. Hàng hóa lên đến Tà Tổng phải gùi, phải cõng, phải dùng ngựa thồ nên trở thành 'của một đồng công một nén'.
< Thi thoảng mới nhìn thấy có người đi trên con đường này. Cũng thi thoảng lại thấy một đoạn đường trơn nhảy.
< Đến đoạn đường này, mấy tay kia đang lao ầm ầm phía trước sao lại đi chầm chậm thong dong thế này?
Xưa phải đi từ thị trấn Mường Tè xuôi về, tới cảng Bô lếch thì đi vào, xe máy đi được thêm 5km nữa, từ đó đi bộ 18 – 20km đường dốc lên đây. Ngoài cung đường này, bao năm trời bà con người Mông, Hà Nhì ở Tà Tổng cũng chỉ biết thêm mỗi cách vòng qua Mường Nhé, Điện Biên, đường cực dốc, trơn và nguy hiểm, đến mùa mưa thì chỉ có thể đi bộ. Do vậy, suốt cả một thời gian dài, người Tà Tổng gần như sống hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài.
< Hóa ra phía trước lại có một chiếc xe tải IFA đang chạy choán hết cả đường, không hiểu là nếu hai xe đi ngược chiều nhau thì làm thế nào?
Về sau, để phát triển kinh tế - xã hội cho Tà Tổng, Nhà nước cho mở đường từ tỉnh lộ 127 lên Tà Tổng. Giờ đây, đó là huyết mạch giao thông từ thị trấn Mường Tè và các xã thấp lên xã núi Tà Tổng, từ tỉnh lộ 127 đi qua cầu treo khá đẹp là Nậm Khao, ngược vào con đường nhỏ rải đá cấp phối giữa lau lách ngược lên trên đỉnh núi (cũng là con đường mà các bạn đang xem trong loạt bài này).
< Mãi đến một đoạn đường rộng hơn chúng tôi mới vượt qua được chiếc xe tải kia. Đến một đoạn đường quang đãng, phía dưới là vực sâu hun hút, có thể nhìn thấy con sông Đà phía dưới và tỉnh lộ 127 tít phía xa.
< Con đường tiếp tục đi lên cao mãi, lên đến trên 1000m trời bắt đầu lạnh, không còn không khí oi bức như ở dưới chân núi.
Đường từ cầu treo Nậm Khao xong từ năm 2006, nhưng đến tận 2008 thì đường lên Tà Tổng, gồm thêm khoảng 6 km gần xã, mới được thông thực sự. Thời điểm thông đường đánh dấu việc chấm dứt thời gian bị biệt lập của Tà Tổng với bên ngoài.
< Lại đến một ngã ba đường, chúng tôi phải dừng lại để hỏi đường nhưng đợi mãi chẳng thấy ai đi qua cả.
Giờ đây, dù con đường chỉ đủ 1 ô tô đi rất thận trọng, một bên núi cao một bên vực sâu hun hút phía dưới là dòng sông Đà, nhưng dẫu sau xe ô tô cũng đã có thể đi từ thị trấn Mường Tè lên tận trung tâm xã Tà Tổng, giải phóng sức người sức ngựa, giúp cho cuộc sống của người dân nơi đây đã được cải thiện rất nhiều (so với mươi năm trước thôi nhé, Tà Tổng như bạn sẽ thấy 'vẫn còn rất khó khăn').
< Mãi một lúc sau thì chúng tôi mới gặp một cặp vợ chồng người Mông đang chở nhau trên một chiếc xe máy. Chúng tôi gọi họ lại và hỏi đường nào đi lên Tà Tổng, họ chỉ đường cho chúng tôi rồi đứng lại nói chuyện một lúc rất vui vẻ. Thấy chúng tôi hỏi là liệu có đi qua Tà Tổng sang Mường Nhé được không thì họ bảo được chứ làm cả bọn cứ mừng khấp khởi.
< Chia tay cặp vợ chồng Mông dễ thương, chúng tôi lại tiếp tục lên đường. Xa xa có một sườn núi vàng óng rất đẹp.
< Thoạt trông như một tấm lưng thiếu nữ đang nằm sấp nhưng chạy tới gần thì hóa ra đó là lúa chín.
Thông thường thì ở vùng cao, người ta phải xẻ núi ra thành những thửa ruộng bậc thang rồi đắp bờ, dẫn nước về để gieo trồng lúa nước. Ở đây thì không có ruộng bậc thang, hóa ra loại lúa này chính là lúa nương nổi tiếng đây. Ngày xưa, người dân tộc họ thường phát rừng, đốt nương sau đó lấy gậy chọc lỗ và gieo hạt thẳng trên đất rồi thu hoạch. Gạo nương này dẻo, thơm và ngọt như gạo nếp ăn rất ngon và khá hiếm vì chẳng còn mấy nơi trồng.
< Đã lên tới đỉnh núi, gần tới Tà Tổng rồi.
< Đi một lúc nữa thì trung tâm xã Tà Tổng đã hiện ra trước mắt chúng tôi.
Thực ra thì trên đường đi, tôi đã hình dung là khi đi vào Tà Tổng sẽ có thể gặp nhiều rủi ro, nhất là với chính quyền. Tôi còn lo rất có khả năng không cẩn thận còn bị lục soát và thu máy ảnh thì toi nên tôi cẩn thận tháo thẻ nhớ ra cất đi rồi lắp một chiếc thẻ khác vào để đề phòng.
< Một cửa hàng tạp hóa khá phong phú, nhìn lũ trẻ người Mông khá kháu khỉnh và sạch sẽ đứng ngó chúng tôi như người hành tinh khác.
Bước chân vào trung tâm xã, tôi khá lo lắng và căng thẳng, không biết là điều gì sẽ chờ mình phía trước.
< Chụp trộm một kiểu ảnh với cô gái Mông, phụ nữ Mông ở đây có kiểu trang phục khá là lạ, đặc biệt là kiểu quấn khăn trên đầu.
< Cả trung tâm xã chắc được đôi ba chục nóc nhà lợp tôn hoen rỉ lụp xụp, duy có ủy ban và trường học là nhìn có vẻ khang trang.
Còn tiếp kỳ cuối
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13.
Theo Bát Trảm Đao blogspot
Thứ Tư, 5 tháng 2, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét