(iHay) - Tôi thích ăn na. Bạn thích ăn hồng. Và chẳng khó khăn để chúng tôi chốt lịch một chuyến phượt Lạng Sơn bằng xe máy đúng vào mùa trái chín ở xứ “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa”.
< Những sọt na hấp dẫn, trái nào mắt tròn căng.
Thời điểm này (tháng 9), cây trái ở Lạng Sơn đang mùa thu hoạch. Na chín vào cuối vụ. Hồng thì đang ở những ngày thu quả đầu tiên. Tiếp sau hai thứ quả trứ danh xứ Lạng này là đến mùa mắc coọc, táo mèo, thảo quả. Đến đâu cũng nghe trong gió hương thơm trái chín.
Ăn na đu dây và nghe chuyện hai sương một nắng
< Hình ảnh quen thuộc dưới chân các ngọn núi đá tai mèo tại huyện Chi Lăng, Lạng Sơn.
Phóng xe một mạch từ Hà Nội theo quốc lộ 1, hơn 2 tiếng sau, chúng tôi có mặt ở huyện Chi Lăng, thủ phủ của na xứ Lạng. Na Chi Lăng nổi tiếng vì độ ngon và sự kỳ lạ trong cách thu hoạch.
Người dân kể cây na chỉ cần cắm được xuống chỗ trống giữa các lớp đá tai mèo là có thể lớn lên. Nhưng để cho quả sai và ngon ngọt, người trồng na phải đều đặn bón phân, tỉa cành, thụ phấn nhân tạo cho na.
< Na đang "đu dây" xuống núi.
Công đoạn thụ phấn nhân tạo cũng thật kỳ công: lấy phấn của bông hoa nhỏ, cho vào đầu một ống nhựa để chấm đều vào đầu nhụy của các bông hoa lớn.
Ngồi dưới những tán na um tùm, được tặng một quả chín cây thơm phưng phức, tôi nghe người đàn ông dân tộc Nùng kể: “Bón phân cho na một năm bốn lần, tỉa cành, cắt ngọn thì phải làm từ sau tết, thụ phấn từ tháng 3 Âm lịch".
< Mùa na, dọc đường lên Lạng Sơn người ta thường bắt gặp những chòi bán hàng ven đường như thế này.
Anh kể tiếp: "Nhà trồng ít nhất là 500 cây na, nhiều có khi đến 2.000 cây na. Để chăm sóc hết vườn na, chúng tôi phải leo núi ròng rã. Với sức của một thanh niên, một ngày chỉ có thể tỉa cành được 10 cây na và thụ phấn được 80 bông hoa là nhiều nhất”.
Đúng mùa na, tới Lạng Sơn, bạn sẽ thấy mát mắt bởi những chòi bán na dựng ven đường. Na khắp các xã huyện Hữu Lũng, huyện Chi Lăng được “đu dây” cáp xuống chân núi.
< Chợ na Đồng Bành, một địa điểm du lịch thú vị của Lạng Sơn những ngày này.
Dây cáp để tời na xuống núi là hai đoạn dây song song móc vào vành xe đạp. Hai sọt na được đu xuống, dây cáp lại kéo hai sọt rỗng lên. Cứ thế na được vận chuyển nhanh chóng, an toàn xuống tận chân núi cách đỉnh hàng trăm met thẳng đứng.
Tại chợ na Đồng Bành, điểm trung chuyển na lớn nhất Chi Lăng, những sọt na quả nào cũng mắt căng tròn, xanh như ngọc, chưa ăn đã thấy ngọt lịm lan tỏa theo đầu lưỡi.
Mảnh đất của hồng Nhân Hậu, mắc coọc và hoa hồi
Mùa hồng Lạng Sơn gần như cùng với mùa na. Cùng với hồng giòn không hạt Bảo Lâm, hồng Vành Khuyên, hồng Nhân Hậu tại đây cũng là một đặc sản.
< Trái hồng Nhân Hậu còn xanh trên cây.
Hồng được trồng tại bất cứ khoảnh đất trống nào trong vườn nhà, xen với những gốc na hay ngay ven các lối đi. Mùa trái chín, khắp những vòm lá xanh đỏ rực màu quả chín, tiếng chim ăn quả lích chích chuyền cành, Lạng Sơn ngưng đọng trong khoảnh khắc đẹp đến lạ lùng.
Sớm sớm, dọc đường tới thị trấn, những chiếc xe gắn máy của đôi vợ chồng người Nùng chở theo những sọt hồng vàng ruộm trở thành một hình ảnh quen thuộc với bà con nơi đây.
Xa Chi Lăng, lùi vào sâu bên trong khoảng 50km nữa, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi một Lạng Sơn đẹp như trong tranh với những sườn đồi trải đầy những cây mắc coọc (ăn như quả lê, nhưng quả tròn hơn, vỏ màu nâu). Cây mắc coọc trồng nhiều trên các sườn đồi hoặc ngay trong vườn nhà mỗi người dân trong thành phố Lạng Sơn. Những chùm hoa trắng nhỏ li ti mọc xen trên những cành cây lúc lỉu quả trông vô cùng thích mắt.
< Phụ nữ người Nùng thu mua trái hồng Nhân Hậu ở chợ Đồng Bành.
Khách du lịch đến chợ Đông Kinh, chợ Kỳ Lừa, chợ Giếng Vuông (thành phố Lạng Sơn), trước những sạp hàng bày bạt ngàn mắc coọc , táo mèo xứ Lạng đều hào hứng chọn đầy những giỏ quả tươi ngon mang về làm quà cho bè bạn.
Sau hành trình khám phá ga Đồng Đăng, khi đi qua một khúc quanh từ huyện Đồng Đăng về thành phố Lạng Sơn, người dẫn đường cho đoàn bỗng nhiên chỉ tay lên không trung rồi đố chúng tôi tìm ra mùi thơm gì bí mật cứ len vào không khí.
Tôi nhận ra mùi thơm này trong phở Hà Nội nhưng không thể gọi tên. Người dẫn đường “bật mí”, đó là hoa hồi. Chúng tôi ngỡ ngàng khi biết rằng mình đang phóng xe máy qua một vạt đồi trồng hồi xứ Lạng.
Trở lại thành phố Lạng Sơn, chúng tôi không quên nếm thử quả trám chấm muối bùi bùi, mằn mặn. Quà trở lại Hà Nội là lỉnh kỉnh túi hoa hồi khô, giỏ mắc cọoc, túi táo mèo.
Qua chợ Đồng Bành, người bán hàng bày cách chọn lấy một sọt na ngon. Những phụ nữ Nùng cười tươi như hoa khi thấy bán được hết hàng, trong lúc chờ chồng đóng gói na vào hộp cho khách họ chọn lấy mấy trái chín đưa chúng tôi ăn thử...
“Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh
Ai lên xứ Lạng cùng anh
Hỏi thăm bác mẹ sinh thành ra em...”
< Hình ảnh cây trái xứ Lạng theo chúng tôi suốt chặng đường về Hà Nội.
Tôi đã nghe câu hát ấy từ khi mới sinh ra. Nhưng sức hút của Lạng Sơn không chỉ nằm ở phố phường sầm uất với những khu chợ bán buôn lớn hàng đầu miền Bắc, không chỉ nằm ở những cung đường uốn lượn, vòng vèo bạt ngàn đồi núi.
Chúng tôi tìm thấy ở Lạng Sơn nhiều cây trái ngọt ngào. Chính ở đây, chúng tôi tìm thấy con người xứ Lạng thân tình, mến khách...
Phượt ký của Trần Nguyễn Như Minh (iHay.Thanhnien)
Du lịch, GO!
Thứ Năm, 6 tháng 2, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét