(TBKTSG) - Có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên vì sao ông bà chủ một cái chợ lại được lập đền thờ. Ấy vậy mà ở thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp) có một ngôi đền như thế. Đó là đền thờ ông bà Đỗ Công Tường hay còn gọi ông bà chủ chợ Cao Lãnh. Ngôi đền rất cổ kính, trang nghiêm, nằm ngay khu trung tâm, trên đường Lê Lợi thuộc phường 2, thành phố Cao Lãnh.
< Tam quan của ngôi đền thờ Ông Bà Chủ Chợ.
Ông Đỗ Công Tường tục danh là Lãnh. Người sinh quán ở miền Trung đến lập nghiệp tại làng Mỹ Trà dưới triều Gia Long vào năm Đinh Sửu (1817). Với đức tính cần cù, chịu khó, ông bà đã khai khẩn đất hoang, trồng được một vườn quít khá lớn, cây trái sum suê.
Nơi đây thuận tiện cả đường sông, đường bộ nên dân làng thường tụ tập để trao đổi, mua bán cây trái và hàng hóa ngày. Lâu ngày, chợ đông dần, và trở thành nơi trao đổi, mua bán hàng hóa. Từ đó, gia đình ông bà khá giả dần lên. Với đức tính cương trực, thẳng thắn nên được dân làng chọn giữ chức Câu đương, phân xử những vụ tố tụng trong làng.
< Điện thờ chính trong ngôi đền Ông Bà Chủ Chợ.
Năm 1820 đất trời biến động, bệnh dịch tả phát lên dữ dội làm chết rất nhiều người trong làng, chợ vườn quít trở nên thưa vắng, không khí trong làng bao trùm cảnh tang tóc, lo âu. Với tấm lòng nhân từ, bác ái, động lòng trắc ẩn, thương cảm dân tình trong làng lâm vào đại nạn, ông bà đã lập bàn hương án, cầu nguyện phật trời xin chết thay cho dân chúng. Qua ba ngày cầu khẩn, chay lạt thì bà chết, ngày sau ông cũng chết theo vì dịch bệnh.
An táng cho ông bà xong, bịnh dịch lần hồi cũng dứt luôn. Do vậy, dân làng nghĩ rằng lòng thành của ông bà thấu đến Trời Phật, chính ông bà chết thay cho họ, nhờ đó mà họ thoát chết. Nên cùng nhau kẻ ít người nhiều, chung đậu dựng ngôi đền thờ ông bà bên rạch Thầy Khâm (nay là đại lộ Lê Lợi), ngày đêm khói hương không dứt để tưởng nhớ công lao hai người, gọi là đền Ông Bà Chủ Chợ. Hàng năm cúng bái long trọng.
< Mộ Ông và mộ Bà.
Từ đó, chợ Ông Câu, được gọi là chợ Câu Lãnh, lâu ngày nói trại thành Cao Lãnh. Lần hồi Cao Lãnh trở thành một địa danh cho đến ngày nay.
Năm 1936, đại hương cả làng Mỹ Trà là Huỳnh Kim Sanh, đệ đơn nhờ Chủ quận Cao Lãnh xin triều đình sắc phong. Cuối năm, vua Bảo Đại phong sắc cho ông bà Dực bảo trung hưng linh phù chi thần. Từ đó miếu ngày càng được trùng tu, cúng tế mỗi năm 2 lần: Ngày vía ông bà: 09 -10 tháng 6 âm lịch; Ngày sanh ông bà: 16 -17 tháng 3 âm lịch.
Do ngôi đền nằm ở trung tâm thành phố, lại có không gian rộng lớn nên rất thuận tiện cho mọi người đến viếng thăm, cúng bái. Ngôi đền được trang hoàng lộng lẫy với cổng tam quan to, chắc chắn, được trang trí rực rỡ, với kiến trúc đền miếu Nam Bộ vào cuối thế kỷ XIX. Phía trước cổng có tượng của bốn con sư tử đặt ở hai bên cổng. Hai con sư tử mẹ với tư thế ngồi xổm như canh chừng để xua đuổi tà khí và mọi điều xui xẻo vào đền, hai con sư tử con ở hai bên thì đùa giỡn với trái cầu, biểu tượng cho một cảnh sắc thanh bình.
Ở mỗi cửa của cổng tam quan đều có mái nóc, trên có lợp ngói, được trang trí nhiều hoa văn họa tiết, nổi bật với hai gam màu vàng và đỏ. Phía trên cổng chính có biển đề: Đền thờ Ông Bà Đỗ Công Tường. Sau cổng là một khoảng sân hơi hẹp nhưng khá sạch sẽ, được điểm xuyết bởi những cây kiểng quý như: mai vàng, mai chiếu thủy, thiên tuế… làm cho không gian trở nên dịu mát hơn giữa cảnh ban trưa nắng gắt. Đền thờ gồm có một nhà chính và một nhà phụ. Nhà phụ nằm bên phải đền thờ là nhà khách, nơi dùng để tiếp khách, sinh hoạt của những người phụ trách đền và cũng là nơi chuẩn bị thức cúng trong mỗi kỳ tế lễ.
< Hương án thờ bài vị ghi ba chữ Chủ thị miếu bằng chữ Hán.
Đền thờ, ngoài bề ngang khá rộng, chiều dài cũng khá sâu. Ngay cửa chính của đền thờ là một tấm bia bằng kim loại ghi công tích của ông bà trong lịch sử được đặt ngay chính giữa lối đi, có tác dụng như bức bình phong che chắn những cái nhìn trực diện từ ngoài vào gian chính điện. Khuôn viên bên trong đền thờ được trang hoàng rực rỡ nhưng cũng đượm vẻ thâm u, tạo nên một không khí thiêng liêng và tĩnh lặng đến lạ thường. Trong này được chia thành nhiều gian, mỗi gian có một trang thờ riêng, thờ các vị thần khác nhau, như gian thờ Quan Thánh Đế, gian thờ Khổng Tử và có cả gian thờ Thành hoàng của đình thần Đình Trung…
Sau cùng mới là gian chính điện, nơi thờ ông bà chủ chợ. Gian này cũng được trang trí rực rỡ, tinh tế với nhiều hoa văn họa tiết vừa đẹp, vửa tỉ mỉ và khéo léo. Giữa trang thờ này có bài vị to, trên đó có viết ba chữ Hán: Chủ thị miếu - tức là miếu chủ chợ. Phía trước trang thờ này còn có võng rèm bằng gỗ được chạm khắc hình rồng ẩn mây, lưỡng long tranh châu vừa lộng lẫy vừa tôn thêm sự uy nghiêm của gian thờ.
Với những gì còn lưu giữ được ngày nay, đền thờ ông bà chủ chợ đã được UBND tỉnh Đồng Tháp xếp hạng di tích vào ngày 20 tháng 4 năm 2001.
Tên tuổi ông bà Đỗ Công Tường đã gắn liền với địa danh Cao Lãnh, gắn với một giai thoại về nhân nghĩa ở đời. Vì vậy, nếu có dịp về Đồng Tháp, xin mời du khách đến tham quan đền thờ ông bà Đỗ Công Tường, một di tích lịch sử đã ngự trị mãi mãi trong lòng nhân dân Đồng Tháp nói riêng, nhân dân Nam Bộ nói chung.
Theo Trần Quang Diệu (The Saigon Times)
Du lịch, GO!
Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét