Không nổi tiếng, hùng vĩ như Phan Xi Păng nhưng vẻ hoang sơ với những cánh rừng nguyên sinh và thảm thực vật phong phú, núi Nhìu Cồ San có sức hấp dẫn mạnh mẽ với du khách.
< Đỉnh Nhìu Cồ San ẩn kín trong mây mù.
Núi Nhìu Cồ San nằm ở hướng Tây Bắc bản Nhìu Cồ San thuộc địa phận xã Sàng Ma Sáo - huyện Bát Xát và là một trong 2 đỉnh núi cao nhất khu vực này. Nhìu Cồ San là dãy núi thuộc hệ thống núi Hoàng Liên Sơn, kéo dài từ Lai Châu sang Bát Xát - Lào Cai, có đỉnh cao hơn 2600m so với mực nước biển.
Theo tiếng địa phương, Nhìu Cồ San có nghĩa là núi Sừng Trâu. Tên này xuất phát từ việc những ngày trời nắng, không có sương mù bao phủ, đứng từ xa, có thể nhìn thấy đỉnh núi hình dáng giống như chiếc sừng trâu.
Đầu thế kỷ 20 miền Tây Bắc vẫn còn là một xứ sở hoang sơ hoàn toàn cách biệt với đồng bằng. Phong Thổ khi ấy có lẽ là một trong những địa danh xa xôi nhất, hoang vu nhất nhưng lại chiếm giữ một vị trí chiến lược trấn giữ biên giới phía Bắc.
Năm 1927, người Pháp huy động hàng ngàn dân phu người Mèo Thái trong vùng làm một con đường mòn Pavi vượt dãy Hoàng Liên Sơn, nối liền Phong Thổ với thung lũng Mường Hum (thuộc huyện Bát Xát - Lào Cai).
< Con đường đá Pavi.
Thời ấy, đây là con đường liên lạc duy nhất giữa hai tỉnh Lao Cai và Lai Châu. Tổng cộng chiều dài con đường này là 80km. Tuy nhiên ngày nay chỉ còn 30km là giữ được tình trạng nguyên thuỷ của nó... được gầy dựng bởi hàng vạn tảng đá cuội xếp chặt vào với nhau, trơ trơ ra với nắng gió suốt gần một thế kỷ nay. 30 cây số đường rừng này cực kỳ hoang vu, vắt vẻo qua dãy núi Nhìu Cồ San, xuyên qua một cánh rừng già nguyên sinh. Nếu đứng từ đỉnh núi có thể nhìn thấy con đường đá này tựa lằn kẻ chỉ thấp thoáng giữa cây rừng.
Thực ra, mục đích của người Pháp khi làm con đường đá này là để thu hoạch thảo quả - loại quả cây có giá trị nhưng chỉ sống được trong rừng già, nơi âm u lạnh lẽo không có ánh nắng mặt trời (cây thảo quả rất kỵ ánh sáng).
Hướng trekking lên đỉnh thường từ bản Nhìu Cồ San - Sàng Ma Sáo. Tại đây có 2 con đường đá: một sang xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ (Lai Châu) và một đi ngược lên phía Y Tý ở bên kia sườn núi.
Từ trung tâm xã Sàng Ma Sáo tới nơi bắt đầu của đường mòn dẫn lên núi Nhìu Cồ San khoảng gần 10 km. Ngay khi đặt chân đến đây, bạn có thể cảm nhận được không khí mát lành, với những tán cây dập dìu. Phía xa xa, ẩn hiện trong sương là những bản làng của đồng bào dân tộc Mông, với những thảm ruộng bậc thang vàng óng vào mùa lúa chín.
Đi bộ khoảng 1 km, một bãi đất bằng phẳng, rộng hàng chục ha, đang được người dân trong xã Sàng Ma Sáo cải tạo, thử nghiệm cấy trồng lúa. Đi qua bãi đất phẳng, trước mắt bạn sẽ hiện ra những cánh rừng già, có đủ các loại cây gỗ quý, hàng trăm năm tuổi, vươn mình giữa đại ngàn, hai bên đường mòn với nhiều loài hoa đua nhau khoe sắc, dưới tán cây rừng là những nương thảo quả xanh tốt. Giữa đại ngàn, những nụ cười thân thiện, cùng hương thơm tỏa ra từ gùi thảo quả của đồng bào dân tộc Mông tạo cho bạn cảm giác thật thoải mái, dễ chịu.
Về độ thử thách thì cung đường Nhìu Cồ San này ngắn nhưng từ khoảng độ cao 2.250m lên tới đỉnh rất vất vả, không có đường mòn, đoạn thì tre trúc, cây bụi dày đặc có lúc giãy dụa mãi mới lách qua được. Có đoạn tới vài chục hay cả trăm mét bò men theo vách núi nghiêng 60-70% - chân đạp lên trúc, tay bám vào trúc mà đi, muốn nghỉ cũng không được do càng nghỉ càng mỏi vì chân lúc nào cũng đặt nghiêng, thậm chí phải đứng trên cạnh bàn chân, gần đỉnh thì đi leo ngược con suối nhỏ dốc và trơn.
Nhìu Cồ San là một trong những ngọn núi đẹp của khu vực Tây Bắc, vẻ nguyên sơ của những tán rừng già, cùng sự mến khách của đồng bào nơi đây chắc chắn sẽ hấp dẫn du khách không chỉ một lần đến…
Lưu ý:
- Cũng như những vùng núi cao hoang vu khác: bạn phải cần đến porter: người dẫn đường, cũng chính là dân bản.
- Đến những vùng nhạy cảm thì chứng minh thư cũng quan trọng ngang với hộ chiếu ở nước ngoài.
- Nếu người dân hay bộ đội biên phòng hỏi đi đâu, bạn nên trả lời là 'Đi du lịch' chứ đừng nói chung chung là 'đi chơi' vì người ta sẽ bảo 'đi chơi sao lại vào đây, đây có gì mà chơi...' và cho rằng bạn làm điều mờ ám gì đó.
- Đa phần bộ đội và chính quyền đều không làm khó dễ gì mình trừ những hôm họ khó tính. Ai cũng khuyên gọi điện hỏi thăm cán bộ ở điểm đến trước khi đi nhưng điều này sẽ khiến họ bắt xin một lô những giấy phép không cần thiết... trong khi thật tế chỉ cần chứng minh nhân dân là đủ rồi.
Du lịch, GO!
Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét