Pages

Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

Khám phá ngọn núi thấp nhất nước

'Thất Sơn huyền bí' là cụm từ người xưa thường đề cập khi nói về vùng bán sơn địa tỉnh An Giang. Ngày nay sự huyền bí ấy vẫn còn phủ trùm nhiều ngọn núi của vùng biên địa nầy. Trong đó đậm màu huyền thoại nhất có lẽ là núi Nước (Thủy Đài Sơn), ngọn núi thấp nhất nước vì chỉ cao 54m với chu vi 1.070m.

Núi Nước nằm giữa những cánh đồng rộng lớn, cách tỉnh lộ 955B và núi Tượng khoảng 600 mét, thuộc địa phận thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Thủy Đài Sơn gắn liền với những truyền thuyết trong dân gian về phong thủy của đất phương Nam.

< Hoàng hôn bên núi Nước.

Gọi là núi Nước vì vào mùa nước nổi, cánh đồng bao quanh núi ngập tràn nước. Giữa màu nước đỏ phù sa, núi nhô cao lên như một đảo giữa biển.

Theo học giả Nguyễn Văn Hầu, núi Nước (Thủy Đài Sơn) cùng với núi Két (Anh Vũ Sơn), núi Dài Năm Giếng (Ngũ Hồ Sơn), núi Tượng (Liên Hoa Sơn), núi Dài (Ngọa Long Sơn), núi Tô (Phụng Hoàng Sơn) và núi Cấm (Thiên Cấm Sơn) tạo thành Thất Sơn. Cùng 6 ngọn núi kia, núi Nước cũng đượm đầy màu sắc huyền bí, siêu nhiên.

Bay bổng trí tưởng tượng

Bên chân núi Nước là Linh Bửu Tự. Các ông thủ lễ (tức là những người luân phiên trực tại chùa mỗi ngày) cho biết chùa được Đức Bổn Sư Ngô Lợi (1831-1890, tên thật Ngô Viện, còn có tên Ngô Tự Lợi, giáo chủ đạo Hiếu Ân Hiếu Nghĩa) dựng năm 1884.

Là ngôi chùa của vị chân tu yêu nước nên đến núi Nước lúc nào du khách cũng được các ông thủ lễ vừa hướng dẫn tham quan vừa kể nhiều huyền thoại, có huyền thoại hoang đường nhưng thấm đẫm tình dân tộc.

< Trên núi Nước nhìn xuống cánh đồng bao là, phía xa là Núi Dài (Ngọa Long Sơn).

Núi Nước thật đẹp như cảnh tiên nơi hạ giới. Đến đây, khách sẽ bái phục bàn tay thiên nhiên tài hoa đã khắc tạc đá thành những hình ảnh đơn sơ, tạo ấn tượng tâm linh kỳ bí. Hông trái Linh Bửu Tự là hòn đá khổng lồ như trái xoài rụng, có tên Trứng Đá. Còn Miệng Bà Chằn là cục đá hình ô-val, không có mắt mũi, chỉ có cái miệng to. Đá Con Cóc dáng lom khom như cóc nhảy.

< Rùa đá trên đỉnh Thủy Đài Sơn.

Một vách núi có vết khuyết giống bàn chân giẫm, thủ lễ Nguyễn Văn Đổng bảo đây là Bàn Chân Tiên. Rồi ông ngâm nga: "Bàn chân trên đá còn in dấu/Chứng tỏ Phật Tiên đã xuống trần". Trí tưởng tượng được nhấn cao hơn tại Miếu Cô Năm – người tu tại đây rồi mất khoảng 40 năm trước.

Trong hang miếu nhỏ hẹp có chiếc Võng Cô Năm nằm khi xưa. Võng là tảng đá dẹp cong hình chiếc xuồng. Ngoài miếu có hai vết lõm gọi Dấu Tiên Quỳ.


< Trứng đá Thủy Đài Sơn.

Sân Tiên là tảng đá trên cao nhứt núi, rộng khoảng 20m2. Đứng nơi nầy nhìn trước mặt phong cảnh vừa hùng vĩ với núi non trùng điệp, vừa lãng mạn với ruộng vườn xanh mướt, lẫn trong đó là những ngôi nhà nông thôn xinh xắn, thanh bình, khách có cảm giác như đang phiêu diêu trên ngàn mây. Đáng nói là núi chỉ toàn đá tảng to lớn, vậy mà nơi nào có kẽ hở là có bóng cây cổ thụ.

Huyền thoại... dễ thương

< Cổ thụ trên Núi Nước.

Bà Phạm Thị Ê (73 tuổi) hào hứng chỉ một tảng đá, nói: 'Nỏ Thần Cung của An Dương Vương'. Bà kể, khi ngai vàng bị Thục Phán chiếm, An Dương Vương chạy tới núi Nước, lúc bấy giờ là hòn đảo giữa biển thì cùng đường. Biết công chúa phản bội, vua chém đầu nàng, liệng cây búa. Vách núi còn dấu búa xưa... Bên trong một hõm đá có tượng con rùa xây bằng đá núi và xi măng nổi cao trên một bệ đá.

Tương truyền, thuở xa xưa có người chôn sâu trụ đá khắc chữ Tàu cốt trấn ếm long mạch. Ngô Lợi biết cho đào lên, phá hủy rồi cho xây con rùa nầy. Người ta gọi đó là thần Kim Quy.

Mùa nắng hồ khô rang. Nhưng mùa mưa, hồ lúc nào cũng có nước. Đặc biệt có cả nước lớn nước ròng. Nhìn xuống chân núi, cánh đồng xanh mướt lúa, có chiếc cầu cây bắc ngang đẹp như tranh. Đầu cầu có tảng đá lớn có hình hai con voi. Bà Ê bảo đó là voi thần của Bà Trưng Trắc, Trưng Nhị, còn gọi Cục Đá Ông Tượng.

Núi Nước là một trong 37 ngọn núi thuộc các huyện: Tri Tôn, Tịnh Biên, Thoại Sơn, và thị xã Châu Đốc của tỉnh An Giang. Là ngọn núi thấp nhất nước vì như hòn non bộ nhưng nếu được quy hoạch, quảng bá: núi Nước sẽ là trọng điểm du lịch An Giang vì leo núi không hề mệt lại được nghe kể nhiều huyền tích dẫu hoang đường nhưng thấm đẫm tự tình dân tộc.

Theo Cúc Tần (báo Cần Thơ) + internet
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 

Sample text

Sample Text

Sample Text

 
Blogger Templates