(TPO) - Thuật ngữ phượt đã trở nên quen thuộc. Gần đây có một kiểu du lịch mới, cũng tiết kiệm hết mức nhưng còn thêm mục đích mang hàng từ thiện cho người dân vùng cao. Phóng viên đã có dịp tham gia một chuyến như vậy tới Sơn La và suýt bị bỏ rơi…
< Dỡ cổng trường để xe công nông vào sân.
Khi dừng lại ở chợ Kim Chung ăn sáng, chúng tôi đã được nhắc nhở cần điện thoại thì gọi đi, từ chỗ này trở đi mà không hòa mạng Lào là điện thoại thành cục gạch. Dĩ nhiên lúc đó tôi chưa có nhu cầu gọi điện mà còn tập trung vào món bún thịt quay lạ miệng. Thịt quay bao gồm các bộ phận nội tạng của con lợn. Một bát giá 25.000 đồng.
Ăn uống xong xuôi, chúng tôi phải từ biệt chiếc buýt 29 chỗ chuyển sang Uaz và một chiếc xe tải nhỏ để đáp ứng yêu cầu của cung đường phía trước.
Bị bỏ quên
Một chiếc barie trắng đỏ chắn ngang đường. Đã vào địa phận biên giới. Mấy người đi xe máy chạy vào trình báo. Lát sau, anh bộ đội biên phòng ra mở khóa thanh chắn. Xe tải đi trước, rồi đỗ lại ngay trước cửa trạm biên phòng. Chiếc Uaz tiến sát lại xe tải, sát nữa. Tưởng anh lái người địa phương định dọa mấy cô Hà Nội đứng trên thùng xe, nào ngờ "hôn" thùng xe tải cái rầm. Các nụ cười còn chưa kịp tắt... Không ai bị sao, chỉ hai đèn trước vỡ nát. Nguyên nhân tai nạn, tôi hiểu là mất phanh.
Thoạt nhìn vào nội thất chiếc Uaz, tôi đã ngạc nhiên vì nó cũ nát và sơ sài y như một xác xe vứt đi. Ấy thế mà nó vẫn chạy được, bằng dầu chứ không phải xăng. Tôi bỏ Uaz chuyển qua ngồi sau xe máy. Mới biết thế nào là xóc. Vừa qua mấy ngày mưa ngập, đường đất cứ gọi là đa sống trâu, một số chỗ thành sống khủng long...
Đến một chỗ những người ngồi sau phải xuống đi bộ. Đường chính có một đoạn bị lầy, mấy người đi trước quay lại báo thế. Mọi người bắt đầu lo cho hai xe, nhất là chiếc tuk-tuk. Không biết chúng có thể qua được chỗ lầy. Nếu không thì sao có thể chuyển hàng của chúng tôi vào bản. Lúc đó tôi mới vỡ lẽ xe tải chỉ là xe công nông (ở đây gọi là tuk-tuk) được khoác cái vỏ sắt y chang ô tô. Mọi người xuống xe hồi hộp chờ hai anh lái trổ tài. Rốt cuộc cả hai xe qua ngon ơ! Móc điện thoại ra gọi. Vâng, tất nhiên là không thể liên lạc được bằng sim Việt nữa rồi. Chỉ còn cách tiến lên phía trước bằng đôi chân của mình.
Đến ngã ba, có mấy người đang làm ruộng ngô. Hỏi hai người liền cho chắc ăn. Ai cũng nói hai cái xe vừa qua đây. Đang nghĩ cách thì một xe máy qua. Đằng sau không có ai, bèn nhờ. Anh người Mông tươi tỉnh đồng ý ngay. Anh đang trên đường tiếp tế cho con học trường cấp 2. Vì đi lại khó khăn nên phải 2-3 tuần cháu mới về nhà một lần. Anh hỏi có người Mông nào làm việc ở Hà Nội không. Tôi bảo, chắc có đấy nhưng chưa gặp. Dọc đường, tôi lại có dịp vẫy chào mấy bạn trên thùng xe “tải”. Đến điểm trường tiểu học Hang Căn rồi, vẫn không ai biết tôi vừa bị lạc. Cảm ơn và chào người bố mẫu mực, chưa kịp hỏi tên anh.
Người Kinh đầu tiên…
Hang Căn hôm nay vui như hội. Các cháu bé xếp hàng vẫy những lá cờ nhỏ xinh chào khách. Công nông không qua được cổng. Mấy thanh niên nhanh chóng bứng trụ cổng cho xe qua. Khách Hà Nội chia ra, người thì soạn đô (lắp đèn ông sao) với sự giúp đỡ của dân bản, người thì ra ngồi làm đại biểu xem các tiết mục văn nghệ của các cháu học sinh. Nhạc sôi động nổi lên, ca sĩ hát tiếng Mông hẳn hoi. Các vũ công váy bồng sặc sỡ, mặt mũi nghiêm trọng, ngoáy mông thật lực theo nhạc gì rất bốc. Khán giả, váy cũng tươi, cũng lắc hông không kém.
Đang say sưa xem thì chị hiệu phó kêu đau xương sườn. Theo chị điều này báo hiệu một cơn mưa. Vài hạt lác đác rơi xuống thật. Vậy là phải rút gọn phần văn nghệ để trao quà. Mỗi em nhỏ được tặng một đèn ông sao, một đôi dép tổ ong, một túi vở và đồ dùng học tập. Nhận xong, chúng về đứng thành một đám, tay ôm dép, tay giơ đèn ông sao rung rung. Cả bản có 50 hộ, mỗi hộ được một cái chăn, túi gạo 10 cân và cặp bánh Trung thu. Có mấy chị đi nhận quà vẫn địu con. Một anh mù, được hàng xóm đỡ cho cái chăn.
Nói chung cảm giác trao quà thích không kém người nhận quà, có khi còn hơn, dù là quà chẳng phải của mình. Quà của riêng chúng tôi là một thùng sách thì không mang ra trao mà cất ngay vào phòng. Chị hiệu phó cho hay sẽ luân chuyển số sách này qua 5 điểm trường. Những vùng mặc dù sâu, xa như thế này chưa đến nỗi đói ăn, nhưng đói sách là chắc chắn.
Trao quà xong xuôi, việc gì đến phải đến. Khách Hà Nội được đưa vào các phòng tiệc (vốn là phòng học). Chủ khách ngồi xếp bằng bên những mâm lá chuối, ăn lợn mán đủ món. Măng luộc, măng chua rất ngon. Dưa chuột nói làm gì, ở đây ăn dưa mèo. Mỗi quả to tròn chừng nắm tay. Gạo nương hồng hào, tròn trịa, nở to hơn gạo nước. Bữa cơm rất ngon nhưng mọi người đến đây dĩ nhiên không phải để ăn. Cả nhóm nhìn tôi bằng con mắt ái ngại khi mấy anh người Mông kéo tôi sang ngồi cùng mâm. Đầu tiên cả lũ định ngồi túm tụm với nhau để đỡ phải uống rượu.
Trong mâm có một chị dân bản và một cô giáo nữa. Chị tấn công tôi đầu tiên. Chị nói lời cảm ơn và nhiều lời tốt đẹp khác, tôi không nhớ rõ, vì còn đang nghĩ tới việc mà chị muốn tôi làm sau đó. Chị rời chỗ, đến ngồi sát bên tôi. Chị cầm cái chén, kề vào môi tôi, dốc thật lực. Môi tôi vẫn quyết mím. Thế là rượu tràn đổ hết lên một bên mặt, tóc, áo…
Coi như tôi đã cạn chén. Chị kết luận: Lần đầu tiên gặp một người Kinh như tôi. Sau đó lần lượt các thành phần như công an, tự vệ, thầy giáo, trưởng bản, trưởng hội phụ nữ… đến chào hỏi và chúc rượu. Chào thì chào lại chứ uống rượu, tôi chịu. Anh hiệu phó ngồi cùng mâm nói thêm rằng tôi không thể uống được rượu, vậy là mọi người cũng thông cảm, chạm chén rồi bắt tay nhau thật chặt. Tóm lại là chẳng có thời gian nói chuyện với người cùng mâm nữa vì cứ liên tục phải tiếp rượu như thế...
Chúng tôi là đoàn đầu tiên mang quà vào đến Hang Căn. Những món quà có ý nghĩa trước hết với chính người trao. Cảm giác mình làm được việc gì đó, dù chẳng thấm gì so với sự vất vả của người dân nơi đây. Thấy cần phải cảm ơn thật nhiều những người đã vui vẻ nhận quà. Nhớ mãi những nụ cười Hang Căn. Nhớ cả lần đầu "tắm rượu". Về đến nhà rồi, mùi rượu vẫn còn thơm trên tóc.
Xe bon trên đường quốc lộ rồi, trời mới nỡ mưa nặng hạt. Hang Căn nghe nói cũng mưa. Bản lại bị cô lập, những con đường trở thành những vực nước. Các thầy cô giáo phải ngủ lại trường. Mặc dù tay lái người địa phương rất lụa nhưng tôi biết có thầy giáo đã 2 lần gẫy tay trên đường từ Hang Căn về Yên Sơn - nơi anh ở. Nhưng anh vẫn quyết bám điểm trường.
Theo Nguyễn Mạnh Hà (báo Tiền Phong)
Du lịch, GO!
Thứ Hai, 30 tháng 12, 2013
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét