Pages

Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

Chiếc gùi Tây Nguyên

(ĐĐK) - Chiếc gùi là vật dụng gắn liền với cuộc sống của đồng bào Tây Nguyên, đặc biệt là phụ nữ. Từ khi còn là đứa trẻ dăm bảy tuổi theo mẹ lên nương, chúng đã học đeo những chiếc gùi trên vai. Cứ thế, chiếc gùi cùng chúng lớn lên rồi lấy chồng, sinh con.

Những đứa trẻ lại nằm trong gùi theo mẹ đi làm. Và, ngay cả những người phụ nữ 60, 70 tuổi vẫn cặm cụi đeo gùi trong những công việc của mình khi ra ngoài đường. Có thể nói, chiếc gùi chỉ xa rời khi họ đã vĩnh viễn nằm xuống mà thôi. Chính vì thế, nó là nét văn hóa đặc trưng, sâu sắc nhất trong tâm thức của đồng bào nơi đây.

Không chỉ là một loại dụng cụ sử dụng trong cuộc sống thường nhật như khi đi nương rẫy, đi chợ mua bán, địu con đi chơi… chiếc gùi trong đời sống của đồng bào Tây Nguyên còn mang đậm dấu ấn văn hóa của dân tộc mình với những kiểu dáng, kích cỡ và hoa văn trang trí trên nó. Theo đó, với cộng đồng người Mông thì chiếc gùi có kích thước khác, cộng đồng người Raglai, người Mạ, người Ba Na, người Jrai, người S’tiêng… chiếc gùi cũng khác nhau mà nếu không để ý kỹ, nhiều người sẽ khó lòng phân biệt được.

Nét đặc trưng Tây Nguyên

Lần đầu lên Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), tôi lạ lẫm vì thấy người phụ nữ nào cũng đeo gùi. Họ gùi mọi thứ như củ măng lồ ô, thảo mộc, mớ lá, gốc cây, con heo, con gà… đến chợ. Rồi lại gùi những gói mì tôm, chai nước, cân gạo, gói bánh… đi về. Họ là những người phụ nữ Mạ sinh sống ở những bản làng ngoại ô thành phố như Đạm Bri, Đại Lào, Xê Rê… với quãng đường đèo dốc phải tới hai chục cây số để tới được chợ ở trung tâm thành phố như thế này. Tuy nhiên, mặc dù quãng đường là khá xa nhưng tôi không bao giờ thấy họ vội vã. Họ bình thản đi trên con đường của mình, từng người, từng người một thẳng hàng bên những chiếc gùi lặng lẽ một cách gần như khó hiểu.

Dừng lại trò chuyện với bà K’Tớ, một người phụ nữ Mạ ở xã Lộc Thành (TP. Bảo Lộc, Lâm Đồng) chúng tôi được biết chiếc gùi của bà con được làm từ cây mây rừng lấy ở núi Ông. Đó là những dây mây được chọn lựa rất kỹ, dài, chắc và nhẵn bóng có độ dẻo dai tốt. Chúng được ngâm nước để tăng độ dẻo dai trước khi đan. Sau đó, người phụ nữ Mạ thường tận tay đan chiếc gùi của mình dưới sự chỉ giúp của những người thân lớn tuổi trong gia đình, chứ họ tuyệt đối không mua của người khác như thói quen của người miền xuôi.

Tùy theo vóc dáng của từng người mà chiếc gùi sẽ được đan làm sao cho phù hợp vì thông thường, mỗi người sẽ có một chiếc gùi khác nhau như kiểu quần áo mặc chứ không phải là đồ vật sử dụng nữa. Cũng theo bà K’Tớ, thì gùi của người Mạ (có nơi gọi là Châu Mạ) ở vùng Di Linh, Cát Tiên, Bảo Lộc…thường có hình trụ tròn thuôn nhỏ dần. Nghĩa là, đáy lớn có  chu vi chừng một vòng ôm, đáy nhỏ chừng non vòng ôm, cao chừng tới lưng đùi người đeo.

Ngoài ra, chiếc gùi của người Mạ cũng không chế tạo cầu kỳ như một số cộng đồng người dân tộc khác bởi nó được đan trơn, nghĩa là không điểm xuyết thêm hoa văn, họa tiết hay các múi lượn sóng gì cả. Hơn nữa, dây đeo gùi của người Mạ cũng được làm bằng dây mây, thường là dây kép gồm 3 hay 4 dây mảnh tết bện so le nhưng không để múi để tạo sự êm ái khi đeo gùi. Thoạt nhìn chiếc gùi của người Mạ khá nhỏ nhưng kỳ thực, nó có thể chứa được rất nhiều đồ đạc do miệng rộng.

Tuy nhiên, không chỉ có vùng rừng núi Lâm Đồng trong những ngày rong ruổi Tây Nguyên, chúng tôi thấy ở khắp nơi như Bờ Lá, Đăk Som, Quảng Khê, Gia Nghĩa, Kon Tum rồi Ea Na, Krong Năng, Buôn Mê Thuột,  Ayun Pa, An Khê…cũng đều có người phụ nữ đeo gùi. Điều kỳ lạ là những chiếc gùi ấy đều hao hao giống nhau, mặc dù có thể cả cuộc đời những cộng đồng người dân tộc ấy không bao giờ gặp nhau. Họ cùng tạo dựng lên những dấu ấn của dân tộc mình một cách độc lập nhưng do có địa hình, điều kiện sống tương đương nhau nên những chiếc gùi, sản phẩm của sự sáng tạo trong họ cũng hao hao giống nhau.

Như bà Điểu Thi, một người phụ nữ người S’tiêng ở vùng núi biên giới của huyện Đăk Song (Đăk Nông) đã chia sẻ cùng chúng tôi. Không ai biết chiếc gùi của người S’tiêng ra đời từ khi nào, chỉ biết từ khi bà chập chững biết đi chiếc gùi đã có rồi. Nó theo bà đã trọn vẹn 71 năm của cuộc đời như người bạn không thể tách rời. Tuy nhiên, không chỉ riêng bà Điểu Thi mà tất cả những người phụ nữ S’tiêng khác cũng đều mang gùi khi bước chân ra khỏi nhà.

Ngoài ra, trong nhà của người S’tiêng cũng có rất nhiều loại gùi khác nhau. Chúng có nhiều công dụng và tùy theo kích thước. Như chiếc gùi lúa thì to, gùi củi thì dài, gùi thức ăn thì nhỏ, gùi gạo thì bầu… Điều đó chứng minh rằng, chiếc gùi đặc biệt quan trọng trong đời sống của cộng đồng S’tiêng vùng biên giới Đăk Nông, Bình Phước.

Trong khi quan sát những chiếc gùi của đồng bào người S’tiêng, chúng tôi thấy có điểm khác so với những chiếc gùi của đồng bào người Mạ dưới vùng Lâm Đồng, bởi ở đây, chiếc gùi dường như to hơn mà lại có dây vải đeo ở lưng. Ngoài ra, gùi của người S’tiêng không trụ tròn mà có dạng hình vuông trụ chéo, có những góc ở nếp làm cho nó trở nên đẹp đẽ hơn. Hơn nữa, gùi của người S’tiêng còn có cả nắp đậy nên dù nó chứa được ít đồ hơn nhưng lại tiện lợi và có nhiều công dụng hơn.

Tuy nhiên, trong tất cả các cộng đồng người dân tộc ở Tây Nguyên thì gùi của người Ê Đê vùng Đăk Lăk, Gia Lai là đặc biệt nhất bởi nó còn được làm từ…gỗ. Đó là những thân gỗ to được đục ruỗng ở thân, có quai để buộc dây vải thổ cẩm, đeo ngang lưng. Những loại gỗ thường được người Ê Đê dùng để chế tác gùi gồm gỗ hương, gỗ trầm. Tuy làm từ gỗ nhưng gùi của họ khá nhẹ, lại bền nên một chiếc gùi có thể dùng cả vài chục năm trời không bị hỏng như gùi bằng mây tre đan khác.

Văn hóa gùi

Có thể nói, chiếc gùi là vật dụng gắn liền với cuộc sống của đồng bào người Tây Nguyên nhất, đặc biệt là phụ nữ. Từ khi còn là đứa trẻ dăm bảy tuổi theo mẹ lên nương, chúng đã học đeo những chiếc gùi trên vai. Cứ thế, chiếc gùi cùng chúng lớn lên rồi lấy chồng, sinh con. Những đứa trẻ lại nằm trong gùi theo mẹ đi làm. Và, ngay cả những người phụ nữ 60, 70 tuổi vẫn cặm cụi đeo gùi trong những công việc của mình khi ra ngoài đường. Có thể nói, chiếc gùi chỉ xa rời khi họ đã vĩnh viễn nằm xuống mà thôi. Chính vì thế, nó là nét văn hóa đặc trưng, sâu sắc nhất trong tâm thức của đồng bào nơi đây.

Từ những ngày nắng, ngày mưa cho tới những ngày giông gió hay sương giăng, họ vẫn lặng lẽ với chiếc gùi trên vai, mặc dù nhịp sống hiện đại với rất nhiều những công cụ khác có thể thay thế chiếc gùi đã quét qua vùng đất Tây Nguyên từ khá lâu. Có lẽ với những người phụ nữ Tây Nguyên, chiếc gùi còn là niềm kiêu hãnh, là trang sức và tâm hồn của họ chứ không chỉ đơn thuần là dụng cụ để mang vác, thay thế cho đôi bàn tay như từ thủa sơ khai hàng trăm năm trước khi nó bắt đầu ra đời vậy.

Nó có lẽ là nét văn hóa đặc sắc còn tồn tại duy nhất đến nay trên mảnh đất này chưa bị cơn lốc của cuộc sống hiện đại cuốn đi. Dường như, không có hình ảnh nào đẹp đẽ miêu tả về phụ nữ Tây Nguyên bằng hình ảnh những chiếc gùi trên lưng họ. Nó sống mãi cùng thời gian, từ quá khứ, hiện tại và cả tương lai cùng những người phụ nữ bản địa nơi đây. Ngày nay, ở nhiều vùng du lịch của Tây Nguyên như Đà Lạt, Bản Đôn, Biển Hồ…người ta treo những chiếc gùi của đồng bào dân tộc để "câu” khách du lịch đến chụp hình. Mặc dù mỗi tấm hình như vậy đều phải mất tiền nhưng đa phần khách du lịch đều thử đeo gùi, chụp hình để hiểu cảm giác của người Tây Nguyên suốt đời gắn bó với chiếc gùi ra sao.

Không chỉ xuất hiện trong cuộc sống thường nhật, những chiếc gùi của người Tây Nguyên còn đi cả vào thơ ca, nhạc họa và phần nhiều đã trở thành thông dụng. Đặc biệt, cả những bức tượng điêu khắc của người Tây Nguyên cũng có dáng dấp của chiếc gùi. Như các loại tượng nhà mồ ở Tây Nguyên chẳng hạn. Họ đẽo các bức tượng phụ nữ, đàn ông đeo gùi quanh nhà mồ như thể hiện rằng, ngay cả ở thế giới bên kia thì đồng bào người dân tộc vẫn gắn bó với chiếc gùi như một phần không thể tách rời.

Những chiếc gùi ấy tôi đã gặp, lúc thì ngang qua trước mặt trên con đường nhựa dài heo hút, lúc thì thấp thoáng ẩn hiện trong những nương đồi, trên sườn dốc trên đỉnh đèo thăm thẳm hay đơn giản là được treo trước hiên nhà. Và dù ở đâu thì nó luôn khiến cho tôi có cảm giác rằng, những chiếc gùi đó chính là hơi thở, là cuộc sống, là chính cuộc đời của những phụ nữ vùng đất đỏ huyền bí này, từ đời nọ nối tiếp qua đời kia, mãi mãi…

Theo Đoàn Đại Trí (báo Đại Đoàn Kết)
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 

Sample text

Sample Text

Sample Text

 
Blogger Templates