Nhân dân xứ Nghệ xưa vẫn lưu truyền câu 'Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng' để nói về những ngôi đền thiêng ở xứ Nghệ.
Trong số đó, đền Cờn được xếp ở vị trí số một bởi vẻ đẹp và sự linh thiêng - cái đẹp của một công trình kiến trúc cổ tọa lạc ở địa thế sơn thủy hữu tình, hướng mặt về dòng sông Mai Giang, núi Voi, núi Xước, sau lưng là biển xanh, cát trắng và linh thiêng bởi những truyền thuyết gắn với các vị thần được thờ ở Đền - Tứ vị Thánh nương.
Đền Cờn ở xã Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, cách thủ đô Hà Nội hơn 200km về phía nam, cách TP.Vinh 75km về phía Bắc theo quốc lộ 1A. Di tích đền Cờn gồm đền Cờn trong và đền Cờn ngoài.
Đền Cờn được vua Trần Anh Tông ban sắc chỉ xây dựng vào năm 1312 và được vua Lê Thánh Tông cho tu sửa vào năm 1471. Trong số hơn 30 địa điểm thờ tự Tứ vị thánh nương ở vùng ven biển Nghệ An, đền Cờn ở làng Phương Cần, xã Quỳnh Phương được xem là nơi tiêu biểu nhất, nơi phát tích của Đức thánh Tứ vị.
Đền Cờn trong là đền chính nằm ngay cạnh dòng sông Mai Giang. Qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa, đến nay đền cơ bản vẫn giữ được những nét kiến trúc cổ thuộc niên đại cuối triều Lê, đầu triều Nguyễn.
Ở tòa Thượng điện của đền có khám thờ đặt tượng Thánh mẫu, tức bà Thái hậu Dương Nguyệt Quả, mẹ vua Đế Bính. Ngoài khám thờ có đặt 3 pho tượng nhỏ hơn ngang hàng nhau, trong đó có 2 tượng công chúa Triệu Nguyệt Khiêu và Triệu Nguyệt Hương: con gái thái hậu Dương Nguyệt Quả và tượng còn lại ở giữa là Quách Thị Hoàng hậu, vợ vua Đế Bính.
Đền Cờn ngoài cách đền Cờn trong khoảng 1km, tọa lạc trên dãy núi Hùng Vương. Đền thờ các vị thần như: Đế Bính, Trương Thế Kiệt, Lục Tú Phu... Đền được đặt trên núi ngay sát cửa biển, nên khách du lịch đến đấy ngoài sự cổ kính, du khách còn được thư giãn với phong cảnh rất phóng khoáng và thơ mộng.
Lễ hội đền Cờn cũng là một nét sinh hoạt văn hóa độc đáo, phản ánh rõ nhất về tín ngưỡng dân gian miền biển. Lễ hội đền Cờn là một trong những lễ hội cổ nhất ở xứ Nghệ, đã từng được khởi xướng từ cách đây khoảng 800 năm.
Lễ hội Đền Cờn được tổ chức từ ngày 20-21/01 (Âm lịch) hàng năm cuốn hút đông đảo du khách thập phương về dự. Ngoài các lễ tế trang trọng và các trò chơi dân gian mang đậm màu sắc văn hóa biển như đua thuyền, đấu vật... thì nét đặc sắc nhất của lễ hội đền Cờn là tục “chạy Ói”. Chạy Ói diễn lại việc tranh chấp cây gỗ thần theo truyền thuyết liên quan đến Tứ Vị Thánh nương.
Tục chạy Ói trong lễ hội đền Cờn phản ánh niềm tin của người dân về sự linh thiêng của cây gỗ thần. Xưa kia, tục chạy Ói được tổ chức dưới hình thức một trò chơi dân gian mang tinh thần thượng võ. Ngay nay, tục chạy Ói vẫn có một sức hấp dẫn rất lớn và là một điểm nhấn của lễ hội đền Cờn.
Với người dân biển Quỳnh Lưu, lễ hội đền Cờn là nơi thể hiện tín ngưỡng tâm linh, phong tục của người dân vùng biển gắn với nghề đánh bắt cá, buôn thuyền mành. Riêng với đông đảo nhân dân xứ Nghệ và du khách thập phương, đầu năm được về với đền Cờn và lễ hội đền Cờn là về với chốn linh thiêng, được thực hành những nghi lễ tâm linh thực sự có ý nghĩa, được hòa mình vào một thế giới tinh thần huyền bí để tưởng nhớ Đức thánh Tứ vị và cầu mong các vị thần thánh phù hộ cho một năm bình an, nhiều phúc lộc.
Theo Travel Zizi
Du lịch, GO!
Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét