Pages

Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013

Đình làng Nại Nam (Đà Nẵng)

Đình làng Nại Nam nằm ở đường Phan Đăng Lưu, Tổ 11 Nam Sơn, phường Hòa Cường, quận Hải Châu.

Đình được xây dựng năm Ất Tỵ (1905) từ nhân dân và những người có chức sắc trong làng Nại Nam tham gia đóng góp tiền của và công sức. Đây là nơi để thờ Thần Hoàng bổn xứ (thần giữ đất làng) và thờ vọng lại 18 chư phái tộc.

Đình mang đậm dấu ấn kiến trúc của thời Nguyễn có giá trị cao về nghệ thuật kiến trúc, từ các bộ vì kèo, cột trụ được chạm trổ tinh vi, mang đậm nét văn hóa truyền thống. Trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ: đình từng là cơ sở, địa điểm để hoạt động cách mạng.

Nhiều sự kiện lịch sử diễn ra ở đây như lễ kết nạp đảng viên, triển khai lực lượng chính trị và quân sự đánh vào thành phố ở các thời điểm 1950, 1951, 1960, 1965, 1968, 1975, nhiều người con ưu tú của địa phương đã sống, chiến đấu và hy sinh anh dũng tại đình.

Trải qua ba lần trùng tu, di tích đình làng Nại Nam được xây dựng lại hoàn toàn bằng vật liệu gạch, ngói, cát, vôi và gỗ vẫn giữ nguyên vẹn những nét cổ kính có từ trăm năm trước. Mái đình lợp ngói âm dương, tường dày từ 0,5m đến 0,7m. Chính vì thế, qua những cơn bão lớn của miền Trung, đình Nại Nam vẫn không xê dịch.

Trên mái đình có Lưỡng long chầu nguyệt, Loan phụng hòa vinh, dơi ngậm đào được trang trí bằng nghệ thuật ghép sành sứ, rất công phu, tỉ mỉ và đẹp mắt. Đình gồm 3 gian và 2 chái, trong đó: chính điện dài 11.7m, rộng 7.9m, hậu tẩm rộng 3.9m, dài 4.1m. Trong đình còn có 4 bức hoành phi, câu đối. Đình gồm 3 bệ thờ: phần hậu tẩm thờ Thần hoàng bổn xứ, phần chính điện hai bên tả hữu thờ các vị tiền hiền, những người có công khai canh, khai khẩn lập làng.

Điểm nhấn trong kiến trúc đình chính là hàng cột gồm 20 cột bằng gỗ mít lâu năm có chiều cao từ 2,5 đến 4,5m. Kết cấu kèo theo “chồng rường – giả thủ”. Phần đầu hồi chạm trổ khéo léo và tinh xảo qua bàn tay tài hoa của thợ chạm Kim Bồng (Hội An), thể hiện các đề tài: cá chép hóa long, bát bảo đạo nho, cùng các họa tiết hoa văn cây cỏ, hoa lá giúp cho đình thoáng mát và thêm vẻ linh thiêng, thâm trầm.

< Lễ Kỳ Yên tại đình Nại Nam.

Năm 1965, dân địa phương đóng góp để trùng tu lại đình làng lần thứ nhất. Lúc bấy giờ đình được nâng cao lên 0,5m so với ban đầu. Chân các cột được đúc bằng xi-măng, thay một cột đã hỏng bằng gỗ mít. Hai tháp chuông sửa lại thêm khung bông chữ thọ và trên mái xây giả như lợp ngói âm dương. Lần trùng tu thứ hai vào năm (1993-1994) do Ban Văn hóa-thông tin thành phố Đà Nẵng lúc bấy giờ đứng ra sửa chữa, tôn tạo. Lần này đã xây lại toàn bộ tường rào xung quanh đình, làm lại bộ cửa chính của đình bằng gỗ cũng như gạch hoa bên trong đình.

Trong lần trùng tu thứ ba vào năm 2002, UBND thành phố Đà Nẵng đã mời “thần đèn” Nguyễn Cẩm Lũy nâng đình lên cao 1,6m theo phương thẳng đứng và di chuyển hai cây đa cổ thụ về vị trí đối xứng hai bên đình. Nhờ lần trùng tu này, đình Nại Nam được nâng cao lên hẳn và không còn ngập nước.

Trong khuôn viên của đình có hai cây đa hơn một trăm tuổi với thân cây to đến mười người ôm không xuể, sừng sững hai bên, tỏa bóng mát xanh. Cơn bão năm 2006, một trong hai cây đa bị quật ngã nhưng sau đó đã được trồng lại. Hai cây đa này cũng là giá trị văn hóa song song với đình làng nên đã được giữ gìn và chăm sóc như một báu vật của làng. Hằng năm có lễ cầu an, cầu cho mưa thuận gió hòa, an bình và thịnh vượng tại đình Nại Nam vào rằm tháng 2 âm lịch và ngày lễ cuối năm (30 Tết).

Đình Nại Nam là một công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu cho kiến trúc đình làng cổ ở Đà Nẵng và đã được Bộ văn hóa thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 4/1/1999.

Di tích đình Nại Nam, ngoài giá trị của một di tích kiến trúc – nghệ thuật còn là một trong những đình làng cổ tiêu biểu còn lại khá nguyên vẹn trong nội thành Đà Nẵng. Chính bởi lẽ giữ lại được những nét xưa truyền thống nên đình làng Nại Nam vẫn luôn đón tiếp du khách đến tham quan.

Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 

Sample text

Sample Text

Sample Text

 
Blogger Templates