Cháy vé, chặt chém, đông đúc là nỗi ám ảnh của không ít du khách trong 3 ngày nghỉ Quốc khánh. Những vấn nạn này không chỉ gây lãng phí về tiền bạc mà còn khiến bạn đau đầu, mệt mỏi khi đi du lịch vào đợt nghỉ lễ.
1. 'Cháy' vé xe
Vào những ngày mà cả nước nghỉ lễ như 2/9 thì tình trạng khan hiếm vé tàu, xe là chuyện rất dễ gặp phải. Từ vé ôtô, tàu hỏa cho đến máy bay, nhiều tuyến, nhiều chặng kín chỗ từ nhiều tháng trước. Do ngày 2/9 gần sát với 2 ngày cuối tuần nên bên cạnh nhu cầu đi lại về quê là một lượng lớn khách đi du lịch, nghỉ dưỡng. Với ôtô khách, vé đặt trước để đi trong dịp 2/9 ở hầu khắp ở các tuyến từ Hà Nội và TP HCM đi các tỉnh đến nay đã không còn. Bạn sẽ phải tìm kiếm vận may ở bến xe trong những ngày này nếu muốn có một chỗ ngồi thoải mái.
Tình trạng cạn vé cũng tương tự với vé tàu hạng giường nằm điều hòa đi Sa Pa, Vinh, Huế…
Giải pháp lúc này là chuyển sang mua vé ghế ngồi mềm và ngồi cứng dù bất tiện hơn đôi chút. Bên cạnh đó là xu hướng du lịch ngắn ngày trong đợt nghỉ lễ 2/9 khiến lượng khách đi máy bay tăng cao nhằm tiết kiệm thời gian. Bởi vậy, vé máy bay hạng trung đến các điểm du lịch miền Trung hiện rở nên khan hiếm. Các hạng vé giá rẻ đi Nha Trang, Phú Quốc, Cần Thơ đến nay cũng đã không còn.
2. Hết phòng
Lượng khách du lịch tăng cao vào mỗi đợt nghỉ lễ Quốc khánh trong khi số lượng phòng ốc tăng không đáng kể, khiến không ít du khách loay hoay với câu chuyện tìm phòng. Các khách sạn từ 3 sao trở lên luôn là đối tượng hướng tới của khách du lịch bởi sự yên tâm về chất lượng dịch vụ. Do vậy, đây cũng luôn là điểm nóng về tình trạng "cháy" phòng ở các khu du lịch như Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang… Do đó, để có phòng ở các khách sạn chất lượng cao với giá thành hợp lý du khách phải đặt trước từ 2 tuần đến một tháng.
3. Giá cả chặt chém
Tình trạng "chặt chém" trong những ngày nghỉ lễ Quốc khánh là nỗi ám ảnh của nhiều du khách. Từ giá vé tàu xe, phòng khách sạn đến ăn uống, vui chơi đều bị đẩy lên cao so với ngày thường ở nhiều khu du lịch trong cả nước.
Trong các phương tiện vận chuyển du lịch, giá xe khách thường bị đẩy lên một cách tùy tiện nhất. Trừ các nhà xe uy tín thì hầu hết xe khách bắt khách dọc đường đều hét giá cao hơn từ 30% - 50% so với mức niêm yết.
Do tình trạng quá tải vận chuyển hành khách nên nhiều khách du lịch buộc phải chấp nhận việc tăng giá của nhà xe để chuyến đi suôn sẻ.
Các nhà nghỉ, khách sạn cũng thường dùng cách “găm” phòng để đẩy giá cao ngất ngưởng vào phút chót đối với các khách vãng lai. Trong khi đó, hàng hóa, dịch vụ trong ngày này tăng lên vùn vụt với lý do ngày lễ. Nếu không hỏi giá trước khi sử dụng, đôi khi bạn sẽ phải trả đến 20.000 đồng cho một chai nước khoáng hay cả trăm nghìn một giờ cho một chiếc ghế ngồi ven biển.
4. Đông đúc
Lượng khách đổ dồn về các khu du lịch khiến tàu xe di chuyển và các địa điểm vui chơi giải trí trong ngày Quốc khánh lúc nào cũng đông đúc. Điều này thể hiện rõ ở các bến tàu, xe, nhà ga ở Hà Nội và TP HCM. Trên các chuyến xe vào những ngày này, du khách thường phải đối mặt với tình trạng chen lấn, xô đẩy, ghép ghế hay phải đứng vì không còn chỗ ngồi. Các bãi biển hút khách như Bãi Cháy, Cửa Lò, Vũng Tàu, Phú Quốc trong đợt nghỉ lễ cũng nườm nượp người qua lại. Ngay cả các điểm vui chơi giải trí trong thành phố như Hà Nội, TP HCM cũng sẽ là nơi tập trung đông đúc.
5. Mưa nắng thất thường
Thời tiết là vấn đề rất đáng quan tâm trong đợt nghỉ lễ 2/9 sắp tới. Nắng nóng sẽ khiến mệt mỏi trong khi mưa gió lại làm ảm đạm cả chuyến đi. Vào 3 ngày này, dự báo sẽ xuất hiện mưa rào nhỏ, rải rác ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung, còn nắng nóng sẽ diễn ra cục bộ ở các tỉnh miền Nam. Bởi vậy, bạn cần lường trước các vấn đề thời tiết có thể xảy ra và có phương án dự phòng trong những tình huống xấu nhất như nắng nóng tăng cao hay mưa bão dầm dề trong những ngày nghỉ lễ...
Xem nguồn VnExpress >
Vậy thì cách nào để bạn giảm thiểu những điều phiền toái ấy, những chuyện không mong muốn có thể khiến chuyến đi trong dịp lễ kém vui? Một ít lời khuyên của Du lịch, GO! sau đây có thể giúp ích cho bạn khắc phục những chuyện 'khó chịu' kể trên phần nào, mời bạn xem:
1- Không chọn nơi quá xa nếu bạn chưa đặt trước vé tàu xe. Nếu cung đường tương đối ngắn: bạn có thể đi bằng chính xe của mình, cụ thể là xe hơi nhà, bằng xe gắn máy, thậm chí bằng xe đạp.
Đây sẽ là phương tiện tuyệt vời để bạn khám phá sâu hơn nơi đến và thuận tiện hơn trong chuyến về. Điều cần nhất nên tránh khi khởi hành hay lúc trở về là tránh giờ cao điểm, dễ kẹt xe ở cửa ngõ thành phố.
2- Phòng nghỉ sẽ đội giá ngất ngưỡng - chưa kể điệp khúc 'hết phòng' vào dịp lễ, nhất là tại những khách sạn ngay biển, gần các trung tâm du lịch. Tuy nhiên, giá phòng sẽ thấp hơn nhiều nếu bạn vào khu dân cư của địa danh nơi bạn sẽ đến. Hãy chọn cho mình một nơi nghỉ giá vừa phải, tương đối sạch sẽ... gần chợ hay trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ tại nơi ấy. Có thể không sang trọng, ít tiện nghi hay không thuận tiện khi xa bãi biển - thắng cảnh nhưng phù hợp với túi tiền, và ít sự xô bồ. Homestay (ở nhà dân) là một ý hay nếu bạn khéo nói. Chơi nhiều chứ ở không được bao nhiêu: du lịch là để khám phá nơi đến chứ không phải cứ ru rú trong phòng, bạn thấy đúng không?
3- Hãy hỏi giá trước khi mua bất kỳ dịch vụ nào. Giá thức ăn và giải khát bao giờ cũng rẻ hơn trong các khu dân cư hay các chợ tại nơi đến: hãy hóa thân thành người địa phương thay vì cái mác là 'khách du lịch', bạn sẽ được thưởng thêm khi học hỏi được nhiều về văn hóa, ẩm thực... của nơi đó - Chắc chắn là nó sẽ khác rất xa cái nếp thành thị mà bạn đã thừa hưởng hàng ngày đấy!
4- Lượng khách đổ dồn về các khu du lịch khiến tàu xe di chuyển và các địa điểm vui chơi giải trí trong ngày Quốc khánh lúc nào cũng đông đúc. Vậy nhưng nơi bạn đến không phải chỗ nào cũng nghẹt người và người đâu, hãy tham khảo trước thật kỹ địa danh nơi đến thông qua các chuyên trang du lịch hay trang bản đồ Wikimapia.org. Mình ví dụ thật đơn giản: Vũng Tàu sẽ rất đông vào ngày lễ, vậy nhưng sẽ không quá đông nếu bạn lên Núi Nhỏ, vào tắm ở bãi Chí Linh hay bãi Đồi Nhái hoặc chạy xa hơn tý nữa là qua cầu Cửa Lấp để ra bãi biển Long Hải...
5- Thời tiết là do... Trời. Vậy nên cứ hãy tự nhủ là 'Mưa cho mát, nắng cho đẹp'... và chấp nhận những gì sẽ xẩy ra. Dù gì đi nữa: cả thiên hạ đều phải chịu chứ không riêng gì bạn, lẽ nào lại phải bực dọc cho kỳ nghỉ giảm vui, bạn thấy đúng không?
Lời khuyên thêm cho bạn: hãy sinh hoạt - vui chơi trong kỳ nghỉ như khi đang ở nhà. Ngủ nghỉ, ăn uống theo chuẩn giờ giấc trước nay.
Kỳ nghỉ không dài, nếu bạn cứ thức quá khuya + ăn nhậu quá nhiều + phung phí sức lực quá mức thì ngày về sẽ rất mệt mỏi đó - Kết quả là chuyến đi không làm bạn 'khỏe' hơn mà ngược lại.
Chúc bạn có một kỳ nghỉ lễ thật tuyệt vời.
Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!
Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét