Pages

Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

Tháng Giêng lên núi hành hương

(TTO) - Ông bà mình có câu “Lễ tiết quanh năm không bằng rằm tháng giêng”. Kết thúc công việc đồng áng làm ăn và sau khi ăn tết ở nhà, người dân miệt đồng bằng sông Cửu Long lại rủ nhau lên núi hành hương.

< Khách du xuân khám phá đỉnh Anh Vũ Sơn.

Bằng phương tiện cá nhân hoặc xe đò, họ lũ lượt đổ về núi Sam, núi Cấm hoặc các khu du lịch vùng Bảy Núi - An Giang để du xuân, vãng cảnh... Qua rằm tháng giêng vẫn “ngựa xe như nước áo quần như nêm”. Mấy bà, mấy chị ở gần nhà tôi năm nào cũng thuê xe du lịch đưa cả gia đình cùng bạn bè đi núi. Có năm họ dừng lại ở núi Sam (Châu Đốc), có năm đi thẳng lên lâm viên núi Cấm, núi Tô, đồi Tức Dụp, hoặc chợ Tịnh Biên.

< Khách hành hương đổ bộ lên núi Cấm.

Trong suốt hành trình, mọi người vừa tham quan thưởng ngoạn, vừa thưởng thức các món ngon vật lạ của núi rừng Tây Nam như nước thốt nốt tươi, cháo bò, lạp xưởng bò, bún cá, gà hấp lá trúc, mắm thái Châu Đốc và các loại bánh làm từ trái thốt nốt…

Xe dừng lại dưới chân núi, mọi người rộn ràng, tất bật, kẻ leo núi, người lên chùa, ai ai cũng cảm thấy lòng khoan khoái như bỏ lại sau lưng tất cả những tính toán lo âu để hòa mình vào không gian yên tịnh của núi rừng.

Mọi người đi núi trong tiết trời vào xuân để trao nhau ánh mắt nụ cười, để trải lòng mình cùng với trời đất bao la và tìm sự khuây khỏa. Họ đi từng đoàn, từng nhóm, đông đến nỗi các khu vực xung quanh chùa Phật Lớn, chùa Vạn Linh, tượng Phật Di Lặc không còn lối đi, đông nhất là từ mùng bảy đến rằm tháng giêng.

< Khách du xuân lên núi Ông Két vui chơi và thư giãn.

Mùa xuân trên núi Cấm, núi Ông Két, núi Tô thật đẹp, êm ả và thanh bình. Sáng sớm, trời se sắt lạnh, tới khoảng 9g nắng dần ấm lên, đất trời như bừng sáng, các loại hoa rừng đua nhau khoe sắc, khiến mùa xuân như kéo dài bất tận. Chính vẻ đẹp hoang sơ đó đã làm nên nét đặc trưng của vùng Bảy Núi.

Trên đường đi, nhiều người thích dừng lại nơi các quán võng để ngã lưng, tai lắng nghe tiếng suối róc rách phát ra từ trong tĩnh lặng khiến tâm hồn càng sảng khoái, nhẹ nhàng. Có đoàn còn mang theo cả “fast foot đồng bằng” để cùng nhau quây quần bên những gốc cây hoặc tảng đá mở tiệc và nhâm nhi chút rượu mừng xuân thật vui vẻ.


< Tháng giêng, bà con hành hương đông nhất tại các chùa miễu trên núi.

Hình như núi non có một sức hút kỳ lạ đối với người thành thị, nhất là người dân vùng sông nước. Dù trên núi thiếu mọi tiện nghi, nhà trọ sơ sài, quán ăn quán nước đơn sơ mộc mạc, chẳng có gì lôi cuốn, thế nhưng ai nấy cũng đều say mê thích thú như lạc vào một thế giới thần tiên đầy hoa thơm cỏ dại, không khí trong lành.

Đến đâu cũng có người mời vào nhà nằm võng, uống nước giống như thông điệp của một thế giới thân thiện, yên bình, hoàn toàn xa lạ với cảnh đua chen, vội vã của thị thành.

Đường lên núi quanh co, uốn lượn, nơi nào cũng đẹp, cũng tươi tắn, đặc biệt ở những vồ núi cao có sương mù bao phủ, có những thảm xanh như lụa ở điện Bồ Hong, Vồ Đầu (núi Cấm) dành riêng cho những người có sức khỏe, nhiều đức tin và tình yêu thiên nhiên.

< Khách du xuân xin xăm cầu phúc đầu năm.

Đến đó, nếu ở lại qua đêm, mọi người sẽ có dịp ngắm cảnh chiều hoàng hôn bãng lãng, lắng nghe tiếng gió đại ngàn mà quên hết mệt nhọc và lòng cảm thấy trống không sau một chuyến du xuân trở về.

Ngoài việc tham quan ngắm cảnh, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và phát huy những tình cảm cao đẹp, bạn bè trai gái hằng năm lên núi còn ghi lại biết bao mối tình tuyệt đẹp được đơm hoa kết trái từ những cuộc gặp gỡ đầu xuân. Thật không có gì thích thú và bổ ích bằng!

Gửi lại muộn phiền - mang về điều tốt lành

< Trước khi xuống núi, khách hành hương thắt gút cỏ cây như muốn gởi lại tất cả phiền não của năm cũ.

Trẩy hội mùa xuân trên vùng Bảy Núi là một tập tục truyền thống lâu đời vừa mang tính thế tục, vừa mang màu sắc tâm linh và hướng về cội nguồn, vì từ lâu núi Cấm đã từng được coi là “đỉnh non thiêng”. Trước khi xuống núi, nhiều người thường buộc thắt gút các ngọn cây, ngọn cỏ với tâm ý gởi lại tất cả những gì phiền muộn lo âu và chỉ mang về những niềm vui, hạnh phúc và điều tốt lành.
Mặc dù xin xăm bị coi là một hoạt động mê tín nhưng vẫn còn không ít người mỗi lần lên núi thường xin một thẻ xăm để biết được vận mạng của mình với hi vọng một năm mới an lành và thịnh vượng.

Theo Hoài Vũ (báo Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 

Sample text

Sample Text

Sample Text

 
Blogger Templates