Những bộ váy áo cầu kỳ với màu sắc rực rỡ của các cô gái người Mông ẩn hiện trong những rừng mận hay những đồi chè tạo nên một không gian tuyệt đẹp đặc trưng của vùng cao, sẽ khiến bạn mê mẩn không muốn rời.
Tết là dịp mà các bản làng người Mông sôi động nhất, khi mọi người mặc quần áo mới nô nức chơi tết, gặp gỡ giao lưu và chơi các trò chơi cổ truyền như đánh quay, ném còn hay có cả các trò chơi hiện đại như đá bóng, bóng chuyền. Theo phong tục người Mông, ngày mùng Một chỉ đi chúc Tết, uống rượu và đặc biệt kiêng kỵ việc tiêu tiền.
< Các cô gái say sưa chơi ném còn.
Khác với người Mông ở một số vùng như Lào Cai, hay Hà Giang thường ăn tết cùng với Tết Nguyên đán của người Kinh thì người Mông ở Mộc Châu vẫn ăn tết theo lịch của người Mông. Tết này thường diễn ra vào đầu tháng Chạp âm lịch, khi những vườn mận bắt đầu chuẩn bị nở rực các sườn đồi. Tết người Mông có 3 ngày chính nhưng có tới 15 ngày để mọi người vui chơi.
< Các cô bé, cậu bé đi chơi tết trong những bộ quần áo mới rực rỡ đủ màu sắc.
Người Mông chuẩn bị ngày Tết rất chu đáo. Mỗi người mỗi việc, đàn bà miệt mài hoàn thiện đường thêu, nút chỉ trên bộ váy áo mới để cho người lớn, trẻ con diện Tết. Đàn ông tất bật đi mua sắm đồ hay thịt lợn gà làm bữa cơm thịnh soạn cho gia đình.
< Còn các cậu bé thì say sưa với trò đánh quay. Một trò chơi rất được yêu thích ở vùng cao.
Nếu như với người Kinh ở miền xuôi, mâm cỗ Tết không thể thiếu bánh chưng, bánh tét thì Tết người Mông phải có bánh dày để cúng tổ tiên và trời đất.
< Những cô gái Mông xinh đẹp diện những bộ váy tuyệt đẹp được thiết kế với nhiều chi tiết cầu kỳ.
Người Mông quan niệm, bánh dày tròn tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời - là nguồn gốc sinh ra con người và vạn vật trên mặt đất. Do đó, giã bánh dày là việc làm không thể thiếu trong ngày Tết nơi đây.
Gạo nếp nương thơm ngâm và đồ thành xôi đổ vào một máng gỗ, các chàng trai sức vóc khỏe mạnh dùng chày thay nhau giã đến khi thật nhuyễn và mịn, rồi gói lại bằng lá chuối. 6 cặp bánh đầu tiên gồm 12 chiếc tượng trưng cho 12 tháng trong một năm được dâng lên trời đất và vị thần mùa màng. Những chiếc bánh còn lại xếp vào hũ gỗ pơ mu đậy kín lại để ăn và thết đãi khách quý.
Người Mông không đón giao thừa mà quan niệm tiếng gà gáy đầu tiên của sáng sớm mùng một mới là cái mốc đánh dấu bắt đầu một năm mới. Vào ngày này, đàn ông dậy làm hết mọi việc thay phụ nữ, từ cho lợn gà ăn đến nấu cơm… Người Mông quan niệm, con trai là trụ của gia đình nên tất cả mọi việc trong gia đình phải chịu trách nhiệm để giữ được truyền thống cho cả năm.
Trong 3 ngày Tết, người Mông có tục dán giấy lên các công cụ lao động hàng ngày và đưa lên bàn thờ như một sự tri ân những "người bạn" trong lao động, sản xuất. Sau đó, họ đến nhà nhau chúc Tết, thưởng thức rượu ngô, bánh dày. Họ kiêng thổi lửa, kiêng gọi phụ nữ dậy sớm, kiêng tiêu tiền, cho ai hoặc xin ai bất kỳ cái gì, không hót rác, không ăn cơm chan trong những ngày Tết.
Từ ngày Mùng 4, người Mông mới bắt đầu chơi Tết. Những bộ váy, áo đẹp nhất sẽ trưng diện trong dịp này. Bởi vậy, nổi bật trong sắc màu e ấp của hoa mơ, hoa mận và sắc hồng của hoa đào là gam màu rực rỡ của những chiếc váy tung xòe trên cánh đồng cải trắng ngút ngàn, là tiếng leng keng đồng bạc hoa theo bước chân thiếu nữ đi chơi xuân...
Người Mông rất hiếu khách, khách tới chơi Tết sẽ được chủ nhà nhiệt tình mời những chén rượu rất vui vẻ. Trong hơi men của rượu ngô, đắm chìm trong không gian rực rỡ sắc màu, với tiếng trẻ con nô đùa, tiếng cười nói khúc khích của các cô gái Mông xinh đẹp, hay tiếng sáo của các chàng trai bạn sẽ thấy chếnh choáng với cái men say núi rừng không thể nào quên.
Du lịch, GO! - ảnh Meogia
Thứ Bảy, 1 tháng 2, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét