(Tiếp theo) - Như đã đề cập ở phần trước: Bưng Ông Thoàn là tên của một con đường nhỏ thuộc phường Phú Hữu và Tăng Nhơn Phú B, đường có tổng chiều dài là 5.6km, bắt đầu từ ngã 4 Cây Lim (trên đường Nguyễn Duy Trinh, thuộc phường Phú Hữu) rồi chạy quanh co qua những vùng đất dự án chung cư - nhà ở cao cấp, qua sông rạch và rất nhiều những bãi đất hoang... rồi cuối đường sẽ nối vào ngã 3 Dương Đình Hội thuộc phường Tăng Nhơn Phú B.
Lộ giới đường Bưng Ông Thoàn là 30m... nhưng đó là chuyện tương lai, còn hiện nay: đây chỉ là con đường nhỏ có bề ngang khoảng từ 4 đến 6m - có đoạn đường nhựa, có đoạn rải đá để chờ nâng cấp.
< Rồi bọn mình vượt cây cầu có tên là cầu Ông Bồn bắc ngang con lạch nhỏ, nhánh rạch này phía phải cầu sẽ hòa dòng nước cùng con rạch lớn hơn mang tên Bưng Ông Thoàn.
< Qua cầu, vẫn là con đường rải đá lạo xạo dưới bánh xe. Bụi tung mù theo những vòng quay nhưng là bụi của chính tung lên chứ ai do đường có mấy người đi đâu?
Đường băng qua nhiều kênh rạch nên có nhiều cầu nhỏ là cầu Vàm Xuồng, cầu Kinh, cầu Ông Bồn, cầu Làng.
< Bụi đường làm vàng vọt những lá dưới thấp, trông cứ ngỡ con đường nào đó ở vùng cao xứ Quảng sau những chuyến đã đi, nhớ quá hà...
Bưng Ông Thoàn chạy cắt ngang đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây (chui dưới đoạn cao tốc nổi này), chạy giáp mặt nhiều dự án lớn (ví dụ như Villa Park...) và rất lớn của quận 9 (ví dụ như dự án Khu Công Nghệ cao - Saigon Hightech Park), đơn giản vì nơi này có nhiều đất trống.
< Gặp cây cầu kế tiếp, nhiều cầu dữ nha. Nhiều sông nên cũng phải nhiều câu, không thể 'bay' qua được.
Đây là cây cầu Kinh vắt ngang dòng Rạch Chiếc.
< Rạch Chiếc là dòng sông nhỏ, một đầu nối vào rạch Bưng Ông Thoàn (phía Đông), đầu dòng con lại hòa với sông Sàigòn tại vị trí bán đảo Thanh Đa.
Trên dòng Rạch Chiếc này có các cây cầu như Kinh Một Tấn (trên đường Vành đai 2), cầu Rạch Chiếc (xa lộ Hà Nội), cầu đập Nam Lý (đường Đỗ Xuân Hợp)...
< Ven sông có nhiều đàn vịt nuôi thả của các hộ dân. Thảo nào, về quận 9 hay quận 2 ăn cháo vịt, gỏi vịt khá rẻ, he he...
'Bưng Ông Thoàn' còn là tên một nhánh sông được hình thành từ dòng rạch Chiếc, rạch Lò Lu... Sau đó tạo thành 2 nhánh gồm rạch Trau Tráu đổ ra sông Tắc, nhánh còn lại là dòng Bưng Ông Thoàn chảy xuôi ra sông Nhà Bè.
< Nhìn về phía đoạn đường đã qua: không một bóng người. Vùng quê thật yên bình.
Hai thành cầu phủ đầy rêu xanh rì...
Mong rằng con đường nho nhỏ này sẽ trường tồn phát triển như dòng rạch song song và cùng tên Bưng Ông Thoàn đã từng chảy êm đềm sau nhiều thiên niên kỷ. Vậy nhưng, chính do đường nhỏ, giống như đường làng nên... bọn mình mới đi.
< Lên xe, đạp máy và lại đi vợ ơi! Đầu cầu bên kia có một xóm nhà nhỏ vài ba căn. Vậy nhưng cũng chỉ thấy có bóng bọn mình.
< Một đàn cò trắng nhởn nhơ trên đồng cỏ hoang. Sau này, phát triển nhiều rồi thì chắc không còn cảnh này.
Cuối năm 2013, bọn mình có dịp lang thang ở cù lao Long Phước rồi bước chân đưa đến tận Thủ Đức. Trong lúc tìm đường về nhà, khi vào ngã 4 Bình Thái, bọn mình đã nhẩm tính là sẽ theo Bưng Ông Thoàn về Nguyễn Duy Trinh nhưng do không hề điều nghiên trước nên tìm... không ra dù đã hỏi rất nhiều người sống ven đường. Với hàng chục ngàn con đường có 'tên tuổi' tại TPHCM thì con đường bé tẹo này mấy ai biết trừ khi là người địa phương hoặc người đã truy lùng nó trên bản đồ, hi hi...
< Đường vẫn còn tít tắp. Trong tương lai, đoạn ni sẽ có một con đường rất lớn cắt ngang: một đầu nối vào bùng binh chính của Khu công nghệ cao Tp.HCM (giai đoạn II), đầu còn lại nối vào đường vành đai 2.
Hiện nay, người ta đang làm móng nền đường một đoạn dài.
< Đường thêm nhiều, những vùng đất hoang vắng mới có thể phát triển nhanh như ánh mặt trời ló dạng thuở bình minh. Vậy nhưng cái giá phải trả cũng sẽ đắt nếu tính toàn không hài hòa cùng môi trường, bạn nhỉ?
< Lúc này mới thấy 'bạn đồng hành' trên con lộ vắng. Phía trước, có vẻ sắp đến một cây cầu nữa thì phải.
< Đây là cầu Vàm Xuồng. Lúc này, bọn mình đã vào địa phận phường Tăng Nhơn Phú B.
< Ngoái lại chụp tấm ảnh mặt trời, đồng hồ đã chỉ 7h10 sáng ngày rằm tháng giêng.
Còn sớm chán!
< Hoa vàng rợp bóng. Loài cây này trồng rất nhiều ven đường Trần Xuân Soạn bên mình, đường này chạy dọc theo con kênh Tẻ.
< Đoạn cuối của đường Bưng Ông Thoàn đây rồi: nhà cửa len chen, phía trước có đường lớn cắt ngang...
< Mình ra 'đường lớn' rồi rẽ phải: đây là Dương Đình Hội. Thật ra đường nhỏ thôi, nhưng nãy giờ quen tầm lộ Bưng Ông Thoàn nên tự nhiên thấy con đường nhỏ này thành... lớn!
Phía phải ảnh là chợ Tăng Nhơn Phú B (vị trí ở đây). A, bọn mình từng qua đây 1 lần rồi và theo hướng ngược lại. Đã qua, nhưng không hề thấy cái 'ngách' Bưng Ông Thoàn, hi hi...
< Vượt chợ một đoạn ngắn nữa thì ghé vào quán bánh cuốn Thanh Hà. Bà xã gọi 2 dĩa (hồi sau mới biết chỉ 15k/dĩa - ngon), còn mình lơn tơn băng qua đường...
< Qua bên kia đường vì bên ấy có đình Phong Phú. Đây cũng là di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Cảnh vật trong đình ra sao, nhất là ngay trong ngày rằm lớn tháng giêng? Bạn xem hồi kế nhé.
Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13...
Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét