(ANTĐ) - Đã thành tục lệ hàng năm, chiều ngày 1-2 tức Mùng 2 Tết Giáp Ngọ - 2014, tại bãi đất trống ven đê của sông Hà Thanh, thuộc tổ 76, KV 9, phường Nhơn Bình, TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), UBND phường Nhơn Bình đã tổ chức giải đua sõng câu và trò chơi dân gian truyền thống.
< Điểm tổ chức giải đua sõng câu và trò chơi dân gian truyền thống mừng Xuân ngay bên sông Hà Thanh.
Đây là nét văn hóa – thể thao mang tính đậm nét của cư dân làng chài sông nước của cư dân KV 9 và KV 8, phường Nhơn Bình, thu hút rất đông nhân dân địa phương và du khách lân cận đến xem và cổ vũ như ngày hội.
< Trò chơi nhảy bao bố.
Đến 14h30’ chiều mùng 2 Tết, các hoạt động trong giải đua sõng câu và trò chơi dân gian truyền thống mừng Đảng – mừng Xuân phường Nhơn Bình mới bắt đầu diễn ra. Dù vậy, mới 13h, hàng ngàn người dân phường Nhơn Bình và các vùng phụ cận như Nhơn Phú, TP. Quy Nhơn; các xã Phước Thuận, Phước Nghĩa, Phước Hiệp, huyện Tuy Phước đã nô nức đổ về đây để xem, thật sự là không khí tưng bừng của ngày hội của địa phương. Cháu Nguyễn Thị Ngọc Thúy - ở KV 6, phường Nhơn Phú, học sinh lớp 8 cho rằng năm nào cháu cũng nhờ mẹ chở ra đây để xem đua sõng câu và các trò chơi, cháu Thúy nói: “Các trò chơi ở đây rất vui và bổ ích, cháu rất thích. Từ các trò chơi này chúng cháu có thể học hỏi và nâng cao hiểu biết nhiều hơn về những hoạt động nghề nghiệp của chính địa phương mình làm ra.”
< Đội lân xuất hiện khuấy động cả bầu không khí rộng ràng, nô nức.
Còn chị Nguyễn Thị Hiệp – 38 tuổi, ở xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước, năm nào chọ cũng đến đây để xem đua sõng câu và các trò chơi dân gian lý thú của phường Nhơn Bình tổ chức. Chị Hiệp nhận xét: “Không khí ở đây rất sôi động, tổ chức các hoạt động này hàng năm là rất tốt. Năm nào tôi cũng đến đây xem.”
Người dân ở KV 9, phường Nhơn Bình rất tình cảm, hiền hòa và hiếu khách vì tự hào địa phương mình có hoạt động văn hóa – thể thao như lễ hội. anh Trương Văn Hiếu – 45 tuổi, một người dân địa phương, nói như thế này: “Đua sõng câu, rồi các trò chơi ở đây được tổ chức nhiều năm rồi. Chúng tôi rất vui mừng là có nhiều quý khách từ các nơi đến đây để tham gia. Tôi xin cầu chúc cho mọi người năm mới bình an, hạnh phúc và nhiều may mắn.”
< Đua sõng câu bằng dầm cặp đôi.
Mở đầu cho giải đua sõng câu và trò chơi dân gian truyền thống là màn múa lân do chính đội múa lân của KV 9, phường Nhơn Bình biểu diễn đã khuấy động bầu không khí vui tươi, hấp dẫn của giải. Cụ Lê Đức Tiến – 80 tuổi, người dân địa phương, tuy cao sức yếu nhưng năm nào cụ cũng đã có mặt từ rất sớm để xem hội. Cụ cho rằng Tết tổ chức các hoạt động văn hóa – thể thao như vậy mới ra ngày Tết, cụ Tiến nói: “Rất vui. Có tổ chức như vậy mới là Tết chứ !”
Tiếp theo đó đã diễn ra các trò chơi dân gian đầy thú vị, thu hút đông đảo thanh niên địa phương tham gia, cả ngàn người dân và du khách đứng xung quanh reo hò, cổ vũ rất nhiệt tình. Các trò chơi diễn ra rất hấp dẫn và hào hứng gồm: bịt mắt đập ấm, nhảy bao bố, kéo co, đi cầu nổi, đua sõng câu và bắt vịt. Có hơn 50 vận động viên của 4 đội trong phường tham gia tranh tài.
< Trò chơi đi cầu nổi.
Trong đó, đi cầu nổi là một trong những trò chơi rất khó. Theo thiết kế của ban tổ chức, chiếc cầu nổi chỉ làm một cây tre già to vừa chặt còn tươi và dài khoảng 8 m, cây tre được để nằm ngang hướng ra sông, cách mặt nước khoảng 0,6 m và được buộc chặt ở 3 đoạn, đoạn gốc gần bờ, đoạn ở giữa thân tre và đoạn ở ngọn có 2 cây cờ buộc trên cây nêu dựng đứng. Trò chơi này rất khó, người chơi đòi hỏi phải có kỹ thuật, đi trên cây tre từ đầu bờ ra cho đến ngọn và phải lấy được cây cờ mới tính là người chiến thắng. Vì chỉ có một cây tre và không có tay vịn nên khi đi thì bị rung, nhún, lắc nên có người mới chỉ đi đến bước thứ ba, thứ tư là đã rơi tõm xuống nước.
< Đua sõng câu đồng đội trên sông Hà Thanh.
Trò chơi này chỉ có một người duy nhất giành được cây cờ là anh Hà Minh Hữu – 18 tuổi, ở KV 9, phường Nhơn Bình. Giải thưởng thì phải có tiền, nhưng nhiều hay ít đối với người dân và người tham gia chơi không đặt thành vấn đề, nhưng mỗi người giành được chiến thắng là niềm vinh dự và được mọi người vỗ tay tán thưởng thì giá trị lớn hơn gấp nhiều lần, đó mới là niềm tự hào. Anh Hữu chia sẻ cảm xúc khi giành chiến thắng: “Em rất sung sướng và hãnh diện vì được mọi người khen ngợi. Cảm giác bây giờ em cứ lâng lâng… !”
Hoạt động chính của giải đó là đua sõng câu, năm nay, địa phương chỉ tổ chức đua giải đồng đội gồm 2 người. Có 3 đội tham gia tranh tài trên quảng đường sông dài 1 km. Với chiều dài như vậy đòi hỏi hai người trên sõng phải có sức và nhịp nhàng trong tay chèo mới có thể giành giải quán quân.
< Trò chơi đập ấm.
Kết quả, đôi vận động viên Lê Văn Ngận và Hồ Quốc Thoại - ở KV 9, phường Nhơn Bình giành giải nhất, bỏ xa hai cặp vận động viên còn lại. Theo người dân địa phương, hai vận động viện giành giải lần này là hiển nhiên, đặc biệt anh Lê Văn Ngận là vận động viên rất vạm vỡ và năm nào không có tay chèo nào có thể vượt qua được trong cuộc đua. Môn đua sõng câu còn thu hút rất đông người dân xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước bên kia sông theo dõi, cổ vũ nhiệt tình không kém.
Có thể nói, giải đua sõng câu và trò chơi dân gian truyền thống mừng Đảng – mừng Xuân phường Nhơn Bình năm 2014 đã thành công và để lại nhiều ấn tượng cho du khách. Công tác tổ chức đảm bảo được an ninh trật tự, qua đó tạo tinh thần hứng khởi của các tầng lớp nhân địa phương.
Giải đua sõng câu và trò chơi dân gian truyền thống mừng Đảng – mừng Xuân phường Nhơn Bình năm 2014 đã khép lại, thật sự là ngày hội của cư dân địa phương. Được biết, trước đó, trong những ngày cận Tết, UBND phường Nhơn Bình cũng đã tổ chức thành công giải bơi nam tryền thống Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, có 10 đội tham gia.
Ông Trần Ngọc Hiền – Phó Chủ tịch UBND phường Nhơn Bình, cho biết thêm: “Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND TP. Quy Nhơn, Đảng ủy, UBND phường Nhơn Bình, Ban chỉ đạo các phong trào văn hóa của địa phương hàng năm đều duy trì tổ chức giải đua sõng câu và các trò chơi dân gian truyền thống tại KV 9, phường Nhơn Bình, nhằm phát huy giá trị văn hóa tinh thần trong lao động sản xuất miền sông nước của cư dân. Trong những năm đến, phường sẽ luân phiên tổ chức giải đua sõng câu và trò chơi dân gian truyền thống đến các khu vực có điều kiện, nhằm tạo sự giao lưu, cũng như cách tổ chức các hoạt động để đưa phong trào văn hóa, thể thao ở cơ sở phát triển.”
Theo Công Hoài (An Ninh Thủ Đô)
Du lịch, GO!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét