Pages

Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2014

Về Sa Đéc thăm Phước Hưng cổ tự

(GNO) - Sa Đéc là thị xã nhỏ nhưng giàu tiềm năng của tỉnh Đồng Tháp. Nơi đây không chỉ nổi tiếng bởi các làng nghề truyền thống, các cơ sở chế biến nông thủy sản xuất khẩu, trái ngọt cây lành... mà du khách đặt chân đến đây còn ngạc nhiên và sùng kính với 50 ngôi tự viện uy nghi tọa lạc trên các nẻo đường.

Người dân có lời truyền tụng: Sa Đéc là “đất Phật”... và Phước Hưng là một trong những chùa đẹp cổ kính trên vùng đất ấy. Phước Hưng Cổ Tự (còn gọi là Chùa Hương) là một cổ tự nằm trên đường Hùng Vương, trung tâm thị xã Sa Đéc (Đồng Tháp). Chùa được xây dựng vào năm 1838, vài trải qua một vài lần trùng tu sau đó.

Chùa có lối kiến trúc khá đặc biệt hơn các cổ tự ở miền Nam Việt Nam (kiểu giống ngôi đình làng hơn là ngôi chùa). Chùa có 08 mái và 02 cấp, được lợp ngói âm dương. Nóc và các bức phù điêu trên mái chùa được cẩn miểng gốm màu, tạo dáng hình long, lân, qui, phụng...

Năm tháng trôi qua, thời gian bạc màu trên mái ngói rêu phong, cổ kính. Phước Hưng cổ tự đã gần 2 thế kỷ dãi dầu sương nắng, 7 đời trụ trì nối tiếp nhau tu bồi đạo nghiệp. Chùa do Thiền sư Thích Minh Phước khai sơn năm Mậu Tuất 1838, thuở Sa Đéc còn rất hoang sơ. Năm Bính Ngọ 1846, chùa Minh Hương của cộng đồng người Hoa, cũng ở Sa Đéc, do một biến cố phải di dời rồi sáp nhập với Phước Hưng tự.

Trong số các pháp khí có giá trị của ngôi cổ tự này phải kể đến chiếc mõ hình song ngư được tạo từ năm Mậu Tý 1888, mỗi khi thời tiết nắng nhiều thì tiếng mõ có âm thanh chát, trời mát thì âm thanh mõ lại trầm ấm. Ở chánh điện còn có thêm cái mõ gỗ nặng khoảng 15kg, đường kính ngang 1,4m; bề dọc 70cm do cố HT.Thích Vĩnh Tràng, trụ trì đời thứ tư phát nguyện ra tận miền Bắc thỉnh về.

Tương truyền, khi đi cũng như lúc về, ngài đều đi bộ, đặc biệt là trên suốt lộ trình từ miền Bắc về lại Sa Đéc, Hòa thượng đã đội mõ trên đầu, mỗi bước chân đều niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà.

Chùa Phước Hưng được thiết kế theo hình chữ Sơn. Chùa có tất cả 8 mái, theo cấu trúc 2 cấp. Phía trên đều lợp ngói âm dương truyền thống như những ngôi chùa thuở xưa. Xung quanh có hình đắp nổi, cỏ cây hoa lá chim muông đủ loại, lại thêm tứ linh Long, Lân, Qui, Phụng.

Chánh điện chùa Hương thờ phượng theo lối văn hoá cổ Đôn Hoàng. Những tượng Phật, tượng Bồ tát, và các pháp khí trên chánh điện đa phần có tuổi thọ không dưới trăm năm. Đặc biệt, trên chánh điện còn có cái mõ bằng gỗ, chạm hình song ngư tinh xảo, nặng hơn 10 ký, được Tổ Vĩnh Tràng thỉnh về từ Hà Tây ngoài Bắc. Nghe nói Tổ Vĩnh Tràng phát nguyện du hoá tận vùng kinh bắc, vừa đi bộ vừa niệm Phật, thành tâm thỉnh về chùa này làm pháp khí phụng thờ.

Ngoài ra, chùa còn có tôn tượng đức Hộ pháp, đức Tiêu Diện bằng đồng, nặng trên 30 ký, có tuổi thọ bằng tuổi của Tổ Vĩnh Đạt. Chiếc trống Bát Nhã nguyên bộng cây tròn vừa lớn lại vừa xưa. Tiếng trống phát ra âm thanh rất hùng hồn, ai nghe cũng thích. Chuông Đại Hồng Chung của chùa âm thanh u nhã vô cùng, chỉ cần thỉnh một tiếng nhẹ là cả vùng nghe rõ như ban ngày. Sau này, không biết vì lý do gì, hồng chung bị nứt, tiếng chuông không còn như xưa nữa.

Trên chánh điện phía trước còn hệ thống cửa sắt thật dày, thật kiên cố, súng bắn chưa chắc bể. Giữa Chánh Điện, Tổ Đường là một khoảng trống sâu rộng, giống như cái trũng được tráng xi-măng sạch sẽ.

Khu Tổ đường thiết kế 3 dãy bàn để chư tăng thọ trai trong những tháng ngày An cư kiết hạ. Ngay trung tâm Tổ đường là bàn thờ liệt vị Tổ sư từ thời khai sơn đến đương đại. Những di ảnh, linh vị được thiết trí, tôn thờ trong chiếc khánh bằng gỗ mun, được khắc hoạ, chạm trổ vô số hoa văn vừa tinh xảo vừa uy nghiêm.

Khu vực Đông Lang bao gồm phòng cho vị trưởng ban nhà trù, rồi nhà trù, nhà kho và những phòng nhỏ để đón tiếp thập phương Phật tử, bá tánh xa gần đầy đủ thiện duyên tới lui công quả. Khu vực Tây Lang, nguyên thuỷ là những phòng Tăng, phòng lưu giữ pháp khí, pháp bảo.

Trong chùa còn lưu giữ nhiều bảng khắc gỗ các kinh điển Đại thừa như Kim Cang, Địa Tạng, phẩm Phổ Môn trong kinh Pháp Hoa, kinh Di Đà; các bộ luật Tì-ni nhật dụng yếu lược, Sa-di luật giải được tạo từ thời HT.Vạn Hiển, trụ trì đời thứ 3. Hiện nay, chùa Phước Hưng còn lưu giữ một bản in kinh Kim Cang gần một thế kỷ mà nét vẫn đẹp, sắc rõ, giấy khá trắng và bền.

Qua hai thời kỳ kháng chiến bảo vệ đất nước, hầu như hoạt động Phật giáo tỉnh nhà đều tập trung ở Phước Hưng. Ngay tại cơ sở tự viện, nề nếp tu học của chư Tăng đều được nhiều đời tôn đức trụ trì chú trọng. Ngoài các thời khóa công phu, tham thiền mỗi ngày, chư Tăng còn đến trường học văn hóa, tự học Hán văn. Hòa thượng trụ trì đời thứ 5, Thích Vĩnh Đạt còn cho các hộ nghèo lân cận vào vườn chùa hái rau, kiếm củi, tùy duyên giảng dạy giáo lý độ người.

Từ năm 1989 đến năm 1997, chùa là cơ sở trung cấp Phật học khóa I và II cho chư Tăng, mỗi khóa trên 100 vị. Từ năm 1982 đến năm 2010, chùa 9 lần mở giới đàn truyền trao giới pháp cho gần 3.000 giới tử trong và ngoài tỉnh. Năm 1993, được sự chấp thuận của TƯGH, Đồng Tháp đã đăng cai tổ chức Hội thi diễn giảng liên tỉnh Phật giáo miền Tây nam Bộ, ngôi cổ tự Phước Hưng lại trở thành trung tâm của sự kiện này.

Hiện nay, dù đã phục chế lại các phần hư hao xuống cấp, nhưng chùa vẫn được bảo tồn nét cổ, đảm bảo hài hòa với tổng thể kiến trúc nguyên thủy, lưu giữ những giá trị văn hóa, mỹ thuật, kiến trúc đặc thù của Phật giáo Nam Bộ.

Theo Giác Ngộ online và nhiều nguồn khác
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 

Sample text

Sample Text

Sample Text

 
Blogger Templates