(PNO) - Suối Đổ nằm ở phía Tây dãy núi Hoàng Ngưu, thuộc địa phận huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Mùa xuân, phong cảnh nơi đây vốn đã đẹp lại càng đẹp hơn với suối reo, thác đổ và màu xanh bạt ngàn của cây lá.
< Đường lên chùa Suối Đổ.
Đường lên Suối Đổ là hơn trăm bậc xi măng khá cheo leo. Bên trái là rừng cây bạt ngàn, râm ran tiếng ve kêu. Bên phải, dòng suối róc rách trườn qua các khe đá, lúc ẩn lúc hiện giữa những tán cây cổ thụ rậm rạp. Tiếng suối róc rách hòa lẫn tiếng hót lảnh lót của chim rừng. Bản hòa tấu thanh bình khiến tâm hồn du khách nhẹ nhàng thanh thản.
< Một góc suối Đổ.
Gọi là suối Đổ vì suối bắt nguồn từ trên núi cao, tục gọi là hòn Chùa, băng qua những triền núi nhấp nhô, những phiến đá hoa cương đa hình dáng, nhiều màu sắc, đủ kích cỡ… chảy xuống dưới, tạo nên những dòng thác và những hồ nước thơ mộng.
Lên cao chừng 200 m, trước mắt bạn sẽ có hai con đường dẫn đến hai nơi: “Quan Âm Sơn tự” bên trái và “ Phổ Đà Sơn tự” bên phải. Khách thập phương đến suối Đổ không chỉ để ngắm cảnh, dầm mình trong suối mát, hít thở bầu không khí trong lành, lắng nghe tiếng chim hót, ve kêu …mà còn để vãn cảnh chùa, cầu xin những điều tốt lành.
< Tam Quan Phổ Đà Sơn tự.
Chùa Quan Âm tọa lạc trên khoảng đất rộng chừng vài trăm mét vuông, bên cạnh dòng suối rì rào chảy qua khe đá, tạo thành những dòng thác nhỏ trắng xóa. Trước sân chùa là tượng Phật Quan Âm. Ngôi chánh điện nằm trên cao, sơn son thếp vàng, uy nghi lộng lẫy. Bên trái có miếu thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na. Bên cạnh là đền thờ “ Ngũ mẫu” (5 mẹ : Kim Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ).
< Cánh đồng Phước Trạch.
Men theo những triền đá bên suối, bạn hãy sang Phổ Đà Sơn tự. Đây là nơi thờ Phật Bổn sư Di Đà. Tuy nhỏ hơn chùa Quan Âm nhưng cảnh sắc cũng rất nên thơ với hồ sen trước mặt và núi đá bao quanh.
Phía sau chùa Phổ Đà có đường mòn quanh co dẫn lên giếng Tiên trên đỉnh núi. Những người dân bản địa cho biết, Giếng Tiên rất sâu, dường như không thấy đáy. Nước ở giếng Tiên từ trên núi đổ xuống, trong và mát, quanh năm không bao giờ cạn, theo các triền đá chảy xuống dưới, tạo thành những dòng suối nhỏ của suối Đổ.
Trên suối Đổ còn có một địa danh rất linh thiêng: Động MaHa. Đó là một túp lều đá thiên nhiên dựng từ hai vách đá. Người dân bản địa đặt bàn thờ, bốn mùa đủ hương hoa.
Nếu có dịp đến suối Đổ, bạn còn có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện với các thầy lang đang hái thuốc và nghe họ kể chuyện trị bệnh cứu người từ các lọai cây rừng của suối Đổ.
Theo Giao Thủy (báo Phụ Nữ)
Du lịch, GO!
Đầu xuân đi chùa Suối Đổ
Thứ Năm, 23 tháng 1, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét