(VTV) - Vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc, mỗi nơi trên mảnh đất hình chữ S của chúng ta đều có những món ăn đặc trưng mang tính vùng miền. Trong bài viết này, chúng tôi muốn giới thiệu với các bạn bánh phu thê (Bắc Ninh), bánh ngũ sắc (Huế) và bánh tét (Nam bộ) để cùng hiểu thêm về văn hoá ẩm thực Việt Nam.
Bánh phu thê
Mỗi độ xuân về làng Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh lại trở nên nhộn nhịp và mùi hương thơm từ gạo nếp, từ đậu xanh bay ra từ những gia đình làm bánh Phu thê. Những ai qua Đình Bảng mà chưa thưởng thức hương vị của bánh phu thê của quê hương quan họ thì coi như chưa thấm thía trọn vẹn đặc trưng của văn hóa Kinh Bắc.
Bánh Phu Thê Đình Bảng ngon bởi độ mịn thơm của tinh túy gạo nếp, vị thanh của đu đủ xanh nạo, của nhân bánh với đậu xanh, hạt sen, dừa nạo, vừng, dầu chuối.
Để làm bánh, người ta phải chọn loại gạo nếp cái hoa vàng thơm ngon. Khi bóc chiếc bánh ra ta sẽ thấy bánh có màu vàng ươm trong suốt nhìn rõ những sợi đu đủ nạo nhỏ rắc lẫn bên trong trông thật hấp dẫn. Màu vàng ấy được tạo ra từ hoa dành dành bởi để giữ uy tín, người Đình Bảng không cho bất cứ loại hoá chất nào vào bánh.
Bánh ngũ sắc Huế
Người Huế làm bánh không phải để ăn no, mà để thưởng thức hương vị. Các loại bánh Huế dù ở thời nào cũng khiến bao người dẫu chỉ thưởng thức qua một lần đều nhớ mãi. Bánh ngũ sắc Huế là một trong những nét đặc sắc ấy. Bánh ngũ sắc còn có tên gọi là “Bánh cộ”. Ngày trước, bánh chỉ được dùng để dâng vua uống trà dịp Tết.
Bánh ngũ sắc được làm theo phong cách thẩm mỹ của người Huế là hướng về ngũ sắc và cái này cũng tượng trưng cho ngũ hành: Kim mộc, thủy, hỏa, thổ - năm nguyên tố tạo thành vạn vật. Loại bánh này người ta làm bằng tấm lòng cung kính, một tấm lòng biết ơn thể hiện sự tri ấn đối với đất trời, quốc gia, đối với những tam bảo, những người mình có ơn trong cuộc sống cộng đồng hôm nay.
Bánh ngũ sắc nổi tiếng thơm ngon, với nhiều chủng loại: Bánh măng, bánh mận, bánh bột nếp, bánh bột huỳnh tinh, bánh bột đậu xanh, bánh hạt sen trần. Mỗi loại bánh mang đúng loại bột như tên gọi của nó. Bánh được in và tạo hình bằng các khuôn đồng có hình chữ Nhật và một cái nắp khuôn có hoa văn chữ Thọ, chữ Phúc, chữ Lễ, hay hoa sen, trái đào tiên...
Đón xuân mới nếu thiếu “bánh ngũ sắc”, người Huế xem như thiếu hương vị ngày Tết, bởi có hương vị thơm ngon, đậm đà và màu sắc phong phú của bánh ngũ sắc trên bàn Phật, bàn thờ tổ tiên cùng đèn hoa lung linh và hương trầm nghi ngút, người Huế mới thấy mùa xuân thật trọn vẹn.
Bánh tét
Mỗi dịp xuân về, nếu ở miền Bắc, miền Trung có bánh chưng xanh thì ở miền Nam cũng có một món ăn không thể thiếu, đó là bánh tét. Bánh tét là một trong những món không thể thiếu để các gia đình dâng cúng ông bà, tổ tiên. Hương vị bánh tét làm cho Tết cổ truyền trở nên ấm áp hơn và hiện diện như một nét văn hóa của người dân Nam Bộ.
Nguyên liệu gói bánh tét khá đậm chất quê hương như nếp, đậu xanh, mỡ, lá chuối. Phong phú và bắt mắt hơn là giờ đây người ta thường dùng lá cẩm ngâm vào nếp để bánh có màu tím đẹp mắt. Muốn hương vị bánh thơm ngon, công việc gói bánh phải chu đáo, tỉ mỉ ngay từ khâu chuẩn bị. Gạo nếp ngon đem vo sạch, để ráo nước, sau đó, trộn cùng với nước cốt dừa để tạo vị béo, thơm và pha chút muối, đường.
Nhân bánh tét cũng rất đa dạng, có người thích nhân ngọt thì thường gói với chuối sim. Đối với bánh nhân mặn thì gói chung với nhiều nguyên liệu khác nhau, thường là nhân mỡ, thịt ba rọi cắt hình chữ nhật theo độ dài của bánh, và mỗi một đòn bánh tét nhân mặn đều có đậu xanh trong đó.
Từ 26 - 27 tết âm lịch người dân Nam Bộ đã bắt đầu gói bánh tét. Đây đã trở thành một tục lệ trong dịp tết cổ truyền và để dâng cúng tổ tiên cùng mâm ngũ quả lên bàn thờ Tổ để tạ ơn và cầu chúc một năm mới nhiều may mắn.
Theo Kim Xuân, Thu Hương, Thành Tân (VTV Online)
Du lịch, GO!
Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét