(Tiếp theo) - Pa Vệ Sủ vẫn nghèo, rất nghèo là đàng khác nhưng nếu so với cách khoảng mươi năm trước thì giờ đây cũng đáng gọi là đã có một sự thay da đổi thịt.
< Cậu con trai lớn chắc vừa đi tắm về, tay còn xách cái cuốc dài hơn cả người.
Qua nhiều năm nỗ lực, chung sức của tất cả các cấp, các ngành tại Lai Châu: cuộc sống của đồng bào La Hủ ở khu vực các xã biên giới của huyện Mường Tè đã thay đổi rất nhiều.
Người La Hủ bây giờ không còn là người 'Lá vàng' (người La Hủ chặt cây rừng làm lán ở cho đến khi lá cây vàng rụng xuống “hở trời” thì chuyển đi chỗ khác...). Những cuộc thiên di trên khắp miền biên viễn đã chấm dứt, thay vào đó là cuộc sống định canh định cư, vươn lên thoát khỏi cảnh đói nghèo.
< Người bố trẻ với thể hình cường tráng và cậu con trai.
Ngày ấy, dân tộc La Hủ phải đối mặt với tình trạng suy thoái và lạc hậu nghiêm trọng bởi lối canh tác giản đơn, cuộc sống du canh, du cư trên các vùng rừng hoang vắng hoặc các vùng lõm trong thung lũng, ít có quan hệ với các cộng đồng tộc người chung quanh...
< Tôi móc túi lấy một phong lương khô ra đưa cho cậu bé ăn chơi.
Mỗi chòm bản của đồng bào La Hủ hồi đó được dựng lên khá tạm bợ bằng cây rừng và cách biệt giữa những đỉnh núi cao. Nhiều bản trong tình trạng 'bảy không': Không điện, đường, trường, trạm, chợ, thông tin, thủy lợi.
< Bên ngoài Trí còi đang phát quần áo cho các em nhỏ, để xem có vừa không nào.
< Vào một gia đình khác, bà mẹ đang ngồi sảy thóc.
Mặt khác, các tệ nạn nghiện hút, rượu chè vẫn hoành hành, góp phần làm cho các bản làng của đồng bào La Hủ càng trở nên tiêu điều xơ xác. Cái đói quẩn chân, cái nghèo bó gối.
< Battramdao và lũ trẻ La Hủ bản Thò Ma.
Cũng vì lẽ ấy, đồng bào La Hủ luôn nghèo và đại đa số không biết tiếng phổ thông. Họ chỉ có thể tự đảm bảo lương thực vài ba tháng trong năm, những tháng còn lại đành phó mặc cho việc hái lượm hoa trái, đào củ, đánh bẫy, săn bắt thú trong rừng.
< Chúng tôi tiếp tục đi sang thăm điểm trường Thò Ma nằm ngay cạnh bản. Rất may là anh Dũng, hiệu trưởng và gia đình cũng đang ở trong trường.
< Lớp học với bàn ghế mới toanh, còn kia là cô giáo đang soạn bài.
Cuộc dừng chân mang tính lịch sử của người La Hủ bắt đầu năm 2009, khi Dự án bảo tồn, phát triển bền vững dân tộc La Hủ khu vực biên giới Mường Tè, Lai Châu khởi động, do Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu làm chủ dự án. Chiến dịch bắt đầu từ bản xa nhất, khó nhất là bản Là Si đã thành công rực rỡ, các chiến sĩ bộ đội biên phòng càng quyết tâm hơn nữa.
< Ngoài sân trường, lũ trẻ đang chơi bắn bi với nhau, trò chơi mà ngày xưa còn bé, tôi cũng rất thích chơi.
< Dí bén phát...
Sau đó, những ngôi nhà mới tiếp tục được xây dựng ở bản Tân Biên, Mù Chi, (xã Pa Ủ), xã Ka Lăng, bản Là Si, (xã Thu Lũm), và xã Pa Vệ Sủ. Đến nay, nhờ các chương trình, chính sách, dự án đầu tư chung trên địa bàn cũng như những dự án dành riêng, các xã có đại đa số là đồng bào La Hủ như xã Pa Vệ Sủ, Pa Ủ đã có đường đất giao thông đến các bản đặc biệt khó khăn. Trẻ em người La Hủ đã có trường tiểu học, trung học cơ sở ở tại trung tâm xã và các điểm trường tiểu học, mầm non tại các bản.
< Còn cô bé này thì đứng tần ngần ngó chúng tôi.
Bản của người La Hủ bây giờ có nhiều người nói được tiếng Kinh, chỉ có người già là không học được, chứ lớp thanh niên thì đứa nào cũng nói được. Còn trong nhà có trẻ con đi học tới lớp 4, 5 là chuyện bình thường. Người La Hủ cũng đã biết buôn bán kinh doanh, sửa chữa xe máy. Một số bản đã có công trình nước sạch tập trung... cũng đã là một tiến bộ dẫu rằng vẫn còn đối mặt với rất nhiều khó khăn. Vậy nhưng để thay đổi thì phải có một quá trình chứ không thể dựa vào phép thần thông nào khác.
< Một cô bé con rất xinh xắn.
Ngồi chơi nói chuyện với anh Dũng hiệu trưởng một lúc lâu, anh rất nhiệt tình mời chúng tôi ở lại ăn cơm với nhà trường, tuy nhiên chúng tôi đã trót hẹn với các anh biên phòng sẽ quay lại đồn ngay nên đành cám ơn và xin phép anh Dũng để quay lại đồn biên phòng sớm.
< Trẻ em ở đây vẫn cần nhiều quần áo lắm.
Đến 4h thì chúng tôi chia tay mọi người ở bản Thò Ma để trở về đồn biên phòng.
< Đi đến đoạn đường này thì đến lượt Trí còi mất lái lao xe xuống rãnh, phải 3 người mới lôi được chiếc xe lên.
< Một phần núi rừng cũng đã biến thành ruộng nương để canh tác.
< Một cây cầu treo nằm tít phía dưới.
< Trời bỗng trở nên xầm xì, có thể nhìn thấy rõ một trận mưa đang từ từ tiến tới. Ảnh là 7 sắc cầu vồng Pa Vệ Sủ.
< Vừa kịp về tới đồn 307 thì trời lại đổ mưa to. Ngoài sân, các chiến sỹ đang chơi dở một trận bóng chuyền, mặc kệ trời mưa, các anh vẫn chơi say sưa. Có vẻ như các anh đã quen với sự đỏng đảnh của đất trời Pa Vệ Sử, chợt nắng, chợt mưa, mưa trong nắng, nắng trong mưa, chơi bóng hay chơi mưa đây?
Thực ra lần này lên Pa Vệ Sủ, tôi rất muốn ngủ lại một đêm ở đây, cùng giao lưu với các chiến sỹ biên phòng để tìm hiểu thêm về phong tục tập quán, lịch sử và hiện tại nơi đây, những điều hay ho, lý thú về thiên nhiên, về những khó khăn và trải nghiệm của những con người đã và đang gắn bó với mảnh đất này. Tuy nhiên thì các bạn đồng hành lại muốn trở về với cuộc sống hiện đại ở thị trấn nên tôi cũng đành chia tay với các anh biên phòng hiếu khách để trở về Mường Tè mặc dù các anh rất nhiệt tình giữ lại chơi ở đồn đêm nay.
< Chỉ đôi năm nữa là con đường sỏi đá này sẽ được thay thế bằng đường bê tông.
Vậy nên đành chia tay sớm với Pa Vệ Sủ, không biết đến bao giờ mới được quay lại đây lần nữa, lúc đó mọi vật chắc cũng đã thay đổi hết rồi.
< Dừng chân làm một hớp rượu chia tay Pa Vệ Sủ.
Tự dưng lúc này tôi thèm có cảm giác được độc hành như những chuyến đi trước của tôi, tự do tự tại để hòa mình với thiên nhiên, với những người tôi tình cờ gặp trên đường, cùng họ chia sẻ những tâm sự, tình cảm, bỏ qua mọi sự phân biệt về dân tộc, về giàu nghèo, về địa vị xã hội, về quan điểm lối sống... những điều mà thực chất, là... vô nghĩa.
Tôi đi chầm chậm phía sau tất cả, cố gắng tận hưởng từng hơi thở, từng gốc cây, ngọn cỏ trên con đường. Bỗng nhìn bên trái con đường, trên triền đồi có một ngôi nhà vách nứa xác xơ, chẳng biết có ai ở trong không, tôi dựng xe lại và trèo lên chơi, hi vọng có thể gặp một ai đó.
Bên trong túp lều đó là một cái chõng phên nứa tiêu điều, một chiếc chăn của ai đó còn chưa gấp, một chiếc quần thâm, lỏng chỏng mấy bộ nồi còn chưa rửa, bếp lửa đã nguội ngắt nhìn giống như một cái nhà mồ mà tôi vẫn hay gặp trên đường.
Kể ra với một thằng như tôi thì chỗ này cũng có thể là chỗ nghỉ tuyệt vời cho một đêm giữa rừng như thế này, chỉ cần nhóm lửa lên, một bình rượu và phong lương khô là có thể được trải nghiệm một đêm hoang dã tuyệt vời. Nhưng thôi, vẫn phải lên đường đi tiếp.
< Đứng từ lều nhìn xuống phía dưới, chẳng có một bóng người nơi đây.
Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13.
Theo Bát Trảm Đao blogspot
Du lịch, GO!
Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét