(Tiếp theo) - 10h sáng thì chúng tôi đã tới trung tâm xã Pa Vệ Sủ, ở đây hoàn toàn chưa có điện lưới nên chỉ có hai giải pháp cấp điện duy nhất là thủy điện nhỏ và điện mặt trời.
< Trường tiểu học Pa Vệ Sủ với hai tấm pin năng lượng mặt trời.
Như đã đề cập ở phần trước: Pa Vệ Sủ thì chỉ có hai dân tộc thiểu số sinh sống là dân tộc Mảng và dân tộc La Hủ. Người Mảng theo thống kê trên cả nước chỉ có khoảng 2200 nhân khẩu, ở Pa Vệ Sủ chắc chỉ có độ vài chục nóc nhà, cả người La Hủ lẫn người Mảng nhìn chung còn nghèo và lạc hậu, bị tụt lùi rất xa so với người Kinh và các dân tộc khác, thiếu thốn quanh năm và thường xuyên phải nhận sự hỗ trợ của chính quyền địa phương.
< Lối rẽ để vào đồn biên phòng Pa Vệ Sủ khuất sau trường tiểu học, nếu không để ý thì sẽ không nhận ra.
Có mấy đứa trẻ người La Hủ vừa tắm dưới dòng suối chảy cuồn cuộn bên đồn biên phòng đang lên bờ mặc quần áo.
< Dòng suối khá lớn và dốc, nghe mấy anh biên phòng kể hôm trước nước lũ về suối dâng lên đến sát bờ, cũng may mà rút nhanh chứ không thì đã cuốn trôi cả đồn biên phòng rồi.
Đồn biên phòng Pa Vệ Sủ (307) gồm mấy dãy nhà gỗ rất đơn sơ và tạm bợ, đồn mới hiện đang được xây dựng cách đồn cũ chừng 3km. Các chiến sỹ ở đồn hầu hết đều còn rất trẻ. Anh Tám đồn trưởng sáng nay lại vừa đi xuống huyện có việc, chỉ còn anh Din đồn phó chính trị đang trực chỉ huy.
< Khu bếp của đồn nằm ngay bên bờ suối, vô cùng giản dị và đơn sơ.
Chúng tôi vào chào hỏi các anh và xuất trình giấy giới thiệu, tặng chút quà giao lưu với đồn biên phòng. Chúng tôi đã từng qua rất nhiều đồn biên phòng nhưng phải nói là không ở đâu mà được sự đón tiếp nồng hậu và vui vẻ như ở đây, không có một chút quan cách hay sự phân biệt, nghi kị nào cả, hoàn toàn là tình cảm của những người anh em bạn bè từ Thủ Đô và các chiến sĩ nơi biên giới xa xôi chẳng mấy khi có cơ hội được gặp gỡ, chia sẻ.
< Dòng suối to chảy cuồn cuộn ngay sát đồn 307.
< Cả đoàn chụp ảnh trên một tảng đá to dưới lòng suối.
< Ở đây, các chiến sỹ biên phòng phải tự túc mọi thứ, tự tăng gia cải thiện và làm các đồ dùng, công cụ.
Một anh lính ngồi cặm cụi đan một chồng rổ rá đang dọn dẹp để chuẩn bị ăn cơm trưa.
Vượt cả một chặng đường rất dài để tới được nơi đây, tận hưởng khung cảnh tuyệt vời như thế này thật chẳng nên lãng phí từng giây từng phút. Muốn thực sự cảm nhận được một nơi nào đó mình đã đặt chân đến thực sự không phải là đơn giản, nếu không có "3 cùng" thì rất khó đạt được điều mong muốn đó.
... Do vậy đi đến đâu, tôi cũng thường cố gắng được ăn cùng và ở cùng những người bản địa để có cơ hội được tìm hiểu, khám phá những nét đặc trưng, những vấn đề hiện tại của họ để nâng cao vốn sống, vốn hiểu biết của mình.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có sở thích như tôi nên điều này rất khó thực hiện khi đi cả một đoàn đông như thế này.
Cũng đã tới trưa, các anh biên phòng mời chúng tôi cùng ăn cơm với các anh. Bữa cơm quá tươm tất và chu đáo khiến chúng tôi vô cùng xúc động trước sự đón tiếp nhiệt tình của các chiến sỹ đồn 307.
< Cùng cạn ly nào...
< Chuẩn bị ăn thì trời đổ mưa to như trút nước, thật là may, nếu mưa sớm một tý thì cả đoàn đã bị ướt hết trước khi tới được đây.
< Ngồi tâm sự với các anh biên phòng đồn 307.
< Cơm nước xong xuôi thì trời cũng vừa tạnh mưa, xứ này cũng lạ, mưa chẳng hề báo trước trời đang nắng bỗng mưa, mưa xong lại nắng chang chang ngay được. Tôi đi loanh quanh trong đồn ngắm nghía cơ ngơi của các anh biên phòng đồn 307.
Hội trường, mặc dù rất đơn sơ nhưng khá nghiêm trang và quy củ.
< Khu ở của chiến sĩ.
< Khu bếp và nhà kho, có vẻ quá xuống cấp rồi.
< Phía sau nhà là đống củi đang phơi cho nỏ.
Chúng tôi cùng các anh biên phòng nghỉ ngơi đến 2h chiều thì anh Din cử hai anh sỹ quan dẫn chúng tôi vào bản thăm bà con La Hủ. Chuyến này, Trí còi vác theo một bọc to quần áo trẻ em và tên Hà thì mang theo rất nhiều kẹo để phát cho trẻ em trong bản. Vì đường xa, chúng tôi cũng không mang vác gì được nhiều, chỉ có chút quà cho các em được vui.
< Lên đường nào.
< Cây cầu treo cũ đã hỏng nay được thay bằng cầu bê tông kiên cố.
< Sau trận mưa to, không khí trở nên trong vắt, cảnh vật xanh tươi thật là đẹp. Con đường chạy song song với dòng suối tung bọt trắng xóa.
< Cả đoàn chúng tôi có 5 người, mỗi người làm một nghề, mỗi người một vị trí trong xã hội chẳng ai giống ai, nhưng khi đến đây thì đều giống nhau, đi cho thỏa sự đam mê và ước ao chinh phục.
Nhìn cảnh này, tôi lại nhớ tới bài hát: Đường lên Tây Bắc quanh co, tiếng chim rừng đây đó.
Đằng xa tiếng hát đồng xanh, lúa reo trên đồi cao.
< Đồi núi trùng điệp, mây giăng lững lờ thật tuyệt.
< Vượt lên một dốc dựng...
< Rồi chạy xuyên một bản làng...
Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13.
Theo Bát Trảm Đao blogspot
Du lịch, GO!
Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét