(DVO) - Hình thành và tồn tại gần 200 năm nay, phường động Phú Bình (xã Nam Hồng, Nam Trực, Nam Định) luôn có mặt tại tất cả các lễ hội, đám rước lớn nhỏ... Nhưng nét văn hoá dân gian độc đáo này đang đứng trước nguy cơ thất truyền.
Phường động duy nhất còn lại
“Phường động” là cách gọi dân gian các hoạt náo viên múa sư tử, múa lân, đóng vai các nhân vật diễn các tích trò cổ... trong đám rước tại các lễ hội đình, chùa hoặc trong đám tang những người đại thọ. Phường động Phú Bình ra đời cách đây gần 200 năm cũng xuất phát từ những hoạt động này.
Cũng giống như các bộ môn dân gian khác như chèo, tuồng... phường động cũng có tổ trưởng (ông trùm), chịu trách nhiệm xây dựng các màn biểu diễn từ các tuồng tích cổ như: Tích 4 thầy trò Đường Tam Tạng đi Tây Trúc thỉnh kinh, tích Lý trưởng - Mõ làng, tích Chồng già cõng vợ trẻ đi chơi...
Hầu hết các tích trò đều dựa trên những gì cha ông đã dàn dựng, chúng tôi tập luyện lại và biểu diễn tuỳ thuộc theo phục vụ đám rước lễ hội hoặc đám tang mà áp dụng tích nào, trò nào cho phù hợp. Để diễn các tích trò không thể thiếu trang phục, vật dụng kèm theo như kiếm đao, gậy trượng, mặt nạ... và đặc biệt là các động tác múa may của diễn viên được kết hợp nhuần nhuyễn với âm nhạc của dàn trống ngũ lôi, kèn, thanh la, mõ gỗ, não bạt. Tại phường động Phú Bình còn giữ được 10 bộ trang phục cổ, 17 mặt nạ đủ các hình thù hổ, báo, hầu vương Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới... có từ gần 200 năm trước. Theo ông Khanh, có những bộ trang phục rất khó may, thậm chí ông còn nhờ bộ phận phục trang của Đoàn Chèo Nam Định đặt may nhưng cũng không thực hiện được.
Để diễn hết các tích trò cổ, phường động có khi phải huy động đến 40 người đóng các vai 4 thầy trò Đường Tăng xua đuổi Chúa San, Tiểu Quỷ mở đầu cho đám rước, rồi những vai lý trưởng, mõ ông, mõ bà, chồng già-vợ trẻ... trong những tuồng dân gian, kế đến là đội múa sư tử, múa lân, tất cả làm nên sự náo nhiệt, vui vẻ của ngày khai mạc lễ hội. Với phương thức hoạt động như vậy, tại Nam Định hiện chỉ còn lại duy nhất phường động Phú Bình.
Cha truyền con nối giữ nghề
Chúng tôi tham gia phường một cách tự nguyện, đời ông cha đã tham gia nên con cháu nối dõi. Chính vì vậy các thành viên trong phường không gặp nhiều khó khăn khi tham gia tập luyện các tích trò, các làn điệu trống ngũ lôi, thanh la bởi từ nhỏ đã xem ông cha diễn tập nên thuộc nằm lòng.
Những ngón nghề của phường được truyền lại cho cả nam và nữ, để khi cần có thể huy động tất cả vào diễn các tích trò. Tất cả các thành viên trong phường động đều ở cùng thôn Phú Bình, không cùng một dòng họ nhưng họ rất ý thức được việc duy trì nét văn hoá dân gian độc đáo của cha ông truyền lại.
Mọi việc từ hướng dẫn tập luyện, truyền dạy các niêm luật của trống chiêng, trò tích đều do ông Khanh giảng dạy. Tuỳ thuộc vào diễn phục vụ lễ hội hay đám rước, đám tang mà kiểu đánh chiêng trống hay trang phục phải thay đổi cho phù hợp.
Năm 2003, phường động đã đặt 3 chiếc trống đại, chiếc trống rồng có đường kính tới 1,7m, trống phượng đường kính 1,5m, trống nhỡ đường kính 80cm, do các nghệ nhân làng trống Đọi Tam (Hà Nam) chế tạo với kinh phí khoảng 45 triệu đồng, chưa kể 15 chiếc trống con.
Theo ông Khanh, dù được từ cấp xã, cấp huyện mời hoặc tham gia các lễ hội hay các ngày kỷ niệm tại địa phương nhưng ngành văn hoá các cấp của tỉnh chưa đánh giá cao loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo và chỉ còn 1 đội diễn duy nhất trong tỉnh. “Nhận lời mời đi biểu diễn, chúng tôi hết sức vui mừng vì lại được có dịp biểu diễn những nét cổ truyền độc đáo cho đồng bào trong và ngoài tỉnh. Đến đâu chúng tôi cũng được chào đón nồng nhiệt nhưng bên cạnh đó là những nỗi lo về khâu chuẩn bị từ con người, trang phục, chiêng trống... rồi còn đi lại, ăn ở.
Vất vả nhất là khâu đi lại, đi tỉnh ngoài là phải thuê 2 xe tải loại 3 tấn chở đồ, người thì nhồi nhét trên thùng. Còn gần thì cả đoàn đi xe máy, mang vác rất vất vả, thù lao thì họ trả mang tính động viên là chính, có khi chưa đủ tiền thuê xe, anh em trong đoàn còn phải bỏ tiền túi nhưng mọi người vẫn sẵn sàng lên đường, miễn sao mang lại niềm vui dân gian, không khí lễ hội dâng lên Phật, Thánh và cho mọi người theo đúng tinh thần cha ông truyền lại”- ông Nguyễn Văn Bê - thành viên của phường bộc bạch.
Hiện tại, sau mỗi lần nhận thù lao biểu diễn, toàn phường sẽ trích 10% để đóng quỹ hoạt động. Với mức thù lao 2,5 triệu đồng cho 15 người phục vụ đám tang, 4,5 triệu đồng cho hơn 30 người phục vụ đám rước, rồi chi phí vận chuyển, đi lại, ăn ở... thì mỗi thành viên cũng chỉ nhận được hơn 100.000 đồng.ngày công.
Số tiền đóng quỹ không đủ để chi sửa chữa, phục chế hoặc sắm mới trang phục, phụ kiện chứ chưa nói đến việc thăm hỏi thành viên trong phường khi có việc gia đình. Có thực mới vực được đạo, phường động Phú Bình chỉ mong họ được các cơ quan văn hoá quan tâm nhiều hơn nữa, để môn nghệ thuật độc đáo này không bị thất truyền.
Theo Chu Hồng Châu (báo Dân Việt)
Du lịch, GO!
Thứ Tư, 8 tháng 1, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét