Pages

Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2014

Hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ

“Khèn lá rung rinh gọi bạn xa/ Soóng Cọ thấp thoáng bay la đà/ Đi tìm ai trong câu hát đối?/ Lòng bâng khuâng xao động bồi hồi...”

< Lễ hội Soóng Cọ được tổ chức hàng năm.

Hàng năm cứ vào ngày 15, 16 tháng 3 (Âm lịch) người dân Sán Chỉ ở Bình Liêu và một số vùng lân cận như Ba Chẽ, Tiên Yên lại rủ nhau về xã Húc Động (huyện Bình Liêu) để tham gia Lễ hội hát Soóng Cọ lớn nhất trong năm. Với những ai yêu thích loại hình du lịch văn hoá, được tham gia vào lễ hội này mới thấy hết nét đẹp văn hoá đặc trưng, những lời ca da diết của những nghệ nhân và những đôi trai gái đang yêu...

Soóng Cọ là phát âm theo tiếng Sán Chỉ ở Bình Liêu, có nghĩa là ca hát, hát xướng, giao duyên. Đây là một loại hình sinh hoạt văn hoá dân gian nhằm thể hiện và giao lưu tình cảm giữa các nhóm cộng đồng Sán Chỉ và thường thì nó diễn ra quanh năm, bất cứ khi nào có dịp, với nhiều dạng thể hiện như hát chúc tết, hát mừng đám cưới, mừng nhà mới, hát trao đổi tâm tình, giao duyên. Đó là cách hát đối gồm một bên nam, một bên nữ đối diện và có thể cùng một lúc có nhiều tốp hát đối với nhau. Đây cũng là dịp để các đôi nam thanh, nữ tú kết bạn và tỏ tình cùng nhau, gửi gắm những tâm sự. Bên cạnh đó họ còn truyền cho nhau những kinh nghiệm trong lao động sản xuất cũng như trong cuộc sống…

Hát Soóng Cọ là một hình thức diễn xướng bao gồm những khổ thơ thất ngôn tứ tuyệt (mỗi khổ thơ gồm 4 câu, mỗi câu 7 tiếng), giống như hát Sli-lượn của các dân tộc Tày, Nùng hay hát ví của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ. Thông qua lối hát Soóng Cọ, người trẻ có thể giao lưu học hỏi lẫn nhau; đôi lứa đang yêu thì dùng lời hát thể hiện tình cảm tâm tư của mình đến với người mình yêu, còn người già trong thôn bản dùng lời hát để răn dạy con cháu về công ơn nuôi dưỡng, sinh thành của cha mẹ, kinh nghiệm đối nhân xử thế…

Hát Soóng Cọ là hình thức sinh hoạt văn hoá có tính cộng đồng rất cao, thường được tiến hành trong dịp lễ hội, kết hợp với các trò chơi dân gian như đẩy gậy, kéo co, chơi đu, đan phên gánh mạ, đẽo đòn gánh... Khi hát, người hát sử dụng ngôn ngữ địa phương và trang phục truyền thống không chỉ tạo được nét văn hoá đặc trưng mà còn góp phần truyền bá ngôn ngữ, khuyến khích mọi người tìm hiểu những cái hay, những cái đẹp trong đời sống văn hoá tinh thần của dân tộc mình và học tập.

Hát Soóng Cọ có những quy định riêng như không hát với người cùng huyết thống, cùng gia đình (dâu, rể). Với thể thức đối đáp, Soóng Cọ được thể hiện với hai tốp nam và nữ. Khi cất lên những câu hát đầu tiên, các bên hát bắt buộc phải có những lời hát mời. Sau các hồi hát chung, các cặp hát hợp nhau hoặc có những ý tình riêng có thể tách ra hát riêng và họ có thể hát tới sáng.

Soóng Cọ là cả một niềm vui, niềm tự hào của người Sán Chỉ. Và quan trọng hơn hết, nó là “sợi dây” để gắn kết cộng đồng. Thế nhưng, thanh niên ngày nay có quá nhiều thứ để xem, để nghe và chơi, nên nhiều người không mặn mà lắm với việc hát Soóng Cọ. Đó là một thực tế khiến những người đã và đang giữ hồn Soóng Cọ cảm thấy buồn.

Hát Soóng Cọ chủ yếu được truyền miệng nên nhiều bài, nhiều ca từ đã bị thất lạc. Vì vậy, giữ gìn và phát huy những lời ca Soóng Cọ là hết sức quan trọng.

Với nỗ lực bảo tồn, từ năm 2006 đến nay, hàng năm, huyện Tiên Yên đều tổ chức Lễ hội Sán Chỉ vào các ngày 13, 14 tháng Giêng. Hai xã Đại Dực và Đại Thành, nơi tập trung đông người Sán Chỉ của huyện, sẽ luân phiên đăng cai tổ chức lễ hội này. Ngoài hát Soóng Cọ, trong lễ hội còn có các hoạt động thể dục thể thao như đánh quay, kéo co, ném còn, đẩy gậy, thi giã bánh dầy, thi gói bánh, thi nấu xôi 7 màu... rất vui, thu hút được nhiều người tham gia. Lễ hội cũng là dịp để người dân tộc Sán Chỉ nhắc nhở lớp con em biết tự hào về bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc mình.

Ông Đặng Văn Ba, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Dực, cho biết: “Tháng 11 vừa rồi, CLB hát Soóng Cọ đã được thành lập tại xã Đại Dực. Đến nay CLB đã có gần 20 thành viên tham gia. Mỗi tháng, CLB tổ chức sinh hoạt một lần, ở đó các làn điệu Soóng Cọ truyền thống sẽ được các thành viên trong CLB cùng nhau hát ôn lại. Còn dịp hè năm 2012 vừa rồi, xã chúng tôi cũng đã tổ chức lớp học hát Soóng Cọ cho thiếu nhi”. Ông Ba cho biết thêm: “Các bài hát Soóng Cọ cổ mà các bậc cao niên trong bản vẫn còn nhớ thì được chúng tôi sưu tầm và ghi lại. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hạn hẹp nên công tác sưu tầm và bảo tồn Soóng Cọ còn nhiều khó khăn lắm. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục sưu tầm các bài hát Soóng Cọ để sau này có điều kiện thì in ấn thành sách hoặc thu thành băng đĩa để tiện việc lưu truyền”.

Theo báo Quảng Ninh
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 

Sample text

Sample Text

Sample Text

 
Blogger Templates