Pages

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

Lang thang ngoại ô Sàigòn (P7)

(Tiếp theo) - Long Thới - Nhơn Đức là con đường nối liền 2 xã cùng tên thuộc huyện Nhà Bè. Đây là con đường đẹp, rợp bóng cây xanh nằm gọn trong xã Long Thới kéo dài từ hướng Tây sang Đông nối liền Hương lộ 34 vào đường Nguyễn Văn Tạo.

< Dù lúc này đã 8h kém 15 nhưng sương vẫn còn phủ lờ mờ.

Những phần đất 2 bên đường đều được quy hoạch các dự án cho tương lai như Khu Trung Tâm Y Tế Kỹ Thuật Cao, Khu dân cư Long Thới - Nhơn Đức (hiện đã bán nền hà rầm), Trung Tâm Y Tế Quốc Tế, Khu Làng đại học 1 và 2 (thuộc dự án di dời 1 số trường Đại Học từ nội thành ra ngoại thành)... với một số dự án đã triển khai khá hoành tráng.

< Không nhiều nhà hai bên vì nơi đây vừa được quy hoạch thành khu dân cư. 20 năm nữa sẽ ra sao? Mong rằng ngày ấy nơi này sẽ đẹp và đẹp hơn.

Xã Long Thới, huyện Nhà Bè nằm về phía Nam Tp.Hồ Chí Minh, cách trung tâm thành phố khoảng 15km. Vị trí địa lý xã như sau:
- Phía Đông xã tiếp giáp với xã Bình Khánh huyện Cần Giờ.
- Nam tiếp giáp với xã Hiệp Phước huyện Nhà Bè và xã Long Hậu (Cần Giuộc - Long An).

< Ngoái chụp phía sau: bọn mình thích những con đường vắng thế này, thưa người nhưng nhiều cây xanh.

- Tây tiếp giáp với xã Long Hậu (Cần Giuộc - Long An) và xã Nhơn Đức huyện Nhà Bè.
- Bắc tiếp giáp với xã Nhơn Đức và xã Phú Xuân huyện Nhà Bè.
Xã Long Thới được chia làm 3 ấp: ấp 1, ấp 2 và ấp 3. Khu vực trung tâm xã là ấp 2.

< Những tán cây tít phía xa trong làn sương mỏng cho ta cảm giác như sắp vào một vòm hang.

Đặc điểm địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu:
- Về địa hình: Nằm trong hạ lưu sông Sài Gòn, địa hình xã Long Thới tương đối bằng phẳng. Độ cao địa hình thay đổi không lớn từ 0,6m – 1,5m. Nhìn chung địa hình thấp dần từ Tây Bắc sang Đông Nam, địa hình bị chia cắt bởi hệ thống kênh rạch chằng chịt nên có nhiều vùng trũng và sình lầy.

< Rồi mình chạy qua khu vực quy hoạch làng Đại học. Mong rằng tương lai sẽ là một chốn đáng đến cho giới sinh viên.

- Thổ nhưỡng: Thuộc loại đất trẻ, đang hình thành và chứa nhiều yếu tố bất lợi cho sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là đất phù xa nhiễm mặn. Do nhiễm mặn nên điều kiện canh tác nông nghiệp gây khá nhiều hạn chế, chỉ canh tác được lúa 1 vụ nhờ nước mưa rửa mặn, kết hợp nuôi trồng thủy sản nhưng năng suất chưa cao.

< Phượng vĩ được trồng khá nhiều hai bên đường: trong mùa hè sẽ rực rỡ màu hoa phượng đỏ, màu của tuổi học trò đấy.

- Khí hậu: Xã Long Thới nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, có 2 mùa rõ rệt, mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11, mưa nhiều vào tháng 7 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau.

< Bảng báo sắp đến ngã 3: đoạn cuối của đường Long Thới - Nhơn Đức, cũng là nơi con đường Nguyễn Văn Tạo cắt ngang. Rẽ phải là đi Hiệp Phước, còn trái thì về Phú Mỹ Hưng Q7.

- Nhiệt độ: Nhiệt độ trung bình trong năm: 27,550°C. Nhiệt độ cao nhất: 29 – 33°C. Nhiệt độ thấp nhất: 20 – 25°C.

< Mình rẽ trái, chạy một đoạn thì đến bùng binh chân cầu, vị trí nơi này tại đây.

- Thủy văn: do nằm ở hạ lưu sông Sài Gòn nên hệ thống kênh rạch chằng chịt như rạch Cá Nóc, rạch Cống Mốc, rạch Cống Lớn, rạch Bà Chồi, rạch Cống Cầu, rạch Hai Nhân, rạch Miễu, rạch Bà Sáu, rạch Bông Bồn, rạch Bầu Dừa, rạch Bằng Ổi, rạch Cống Ông Lượng nên nguồn nước mặt tương đối lớn và chịu ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều 6 tháng mặn 6 tháng ngọt, nước mặn từ biển Đông theo các sông xâm nhập sâu trong xã gây ảnh hưởng nặng trong sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt người dân.

< Mình chạy thẳng để lên cầu Bà Chiêm. Đây là một trong 2 cây cầu song song và cùng tên trên đường Nguyễn Văn Tạo. Cũng ngay trong khu vực này, nếu hướng về phía trái sẽ qua cây cầu Bà Chiêm khác trên đường Nguyễn Bình rồi nối liền vào cầu Bà Sáu vào xã Nhơn Đức - còn nếu theo hướng phải sẽ vượt cầu Mương Chuối đến xã Phú Xuân.
Khu vực ni đúng là cả một cụm cầu lớn trong vùng sông nước.

< Đường lúc này mang tên Nguyễn Hữu Thọ (thuộc xã Nhơn Đức), rộng thênh thang khi đổ dốc, chỉ một chiều. Chiều ngược lại ở con đường riêng bên kia.

< Lại chuẩn bị qua cây cầu lớn khác là cầu Phước Kiển, cũng là 2 cây cầu song song theo hai chiều riêng biệt.

Dân số toàn xã là 6.732 nhân khẩu với 1.536 hộ gia đình (bao gồm cả hộ đăng ký tạm trú trên 6 tháng), mật độ dân số bình quân 532 người/km².
- Do tốc độ đô thị hóa nhanh nên địa bàn xã đang và sẽ đón nhận một lượng không nhỏ dân từ nơi khác đến sinh sống. Điều này tác động rất lớn đến sự thay đổi phân bố dân cư, phát triển sản xuất; đồng thời tác động đến việc sử dụng đất trên địa bàn xã.

< Dù chỉ là một sông nhánh thôi nhưng bạn thấy nó khá lớn.
Vị trí cầu tại đây.

Các quy hoạch trên địa bàn xã hiện có gồm:
+ Quy hoạch chỉnh trang khu dân cư ấp 1.
+ Quy hoạch hệ thống thoát nước khu dân cư hiện hữu xã Long Thới.
+ Quy hoạch lộ giới hẻm.
+ Quy hoạch cụm sản xuất Long Thới
+ Quy hoạch khu Long Thới – Nhơn Đức (Viện trường).
+ Quy hoạch chi tiết 1/2000 Phân ranh khu DCHH xã Long Thới.

< Khu vực công trường thi công ở đầu cầu vẫn còn ngổn ngang dù đã thông xe khá lâu.

Hiện trạng hệ thống đường giao thông của xã (đường trục xã, liên xã; đường trục ấp, liên ấp, tổ và đường trục chính nội đồng): 16,286 km đường, trong đó:
+ Đường giao thông trục xã, liên xã đã được nhựa hoá: 8,7 km, đạt 100% gồm các con đường chính: Nguyễn Văn Tạo, Nhơn Đức - Long Thới, Nguyễn Hữu Thọ.

< Trên đường chất nhiều tấm bê tông lớn ven lề, không hiểu để là gì. Hay làm bờ kè sông?
Qua khỏi cầu ni thì bọn mình đã vào  địa phận xã Phước Kiển, cũng thuộc huyện Nhà Bè.

+ Đường ngõ và xóm được cứng hóa, không lầy lội vào mùa mưa: 7,586 km, đạt 100%. Tuy nhiên do hiện trạng các tuyến hẻm có bề rộng nhỏ và chủ yếu là đường đan (trung bình là 2,5 m).

< Một đoạn ngắn phải tạm hướng luồng qua mé trái do bên phải đang thì công mặt đường.

Xã có quỹ đất lớn để phát triển cả về công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp. Với lợi thế về tiềm năng đất đai và vị trí quan trọng với trục đường chính được kết nối từ Trung tâm Thành phố về khu công nghiệp Hiệp Phước. Trong nhiệm kỳ qua, xã Long Thới được thành phố và huyện đầu tư nhiều công trình, xây dựng hạ tầng đã thúc đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa làm thay đổi toàn diện bộ mặt của xã, tạo thuận lợi cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động phát triển.

< Chạy ngang trạm biến điện 220Kv Nhà Bè, chỉ thấy rằng nó rất lớn.

Một ít thông tin về xã mà mình đang chạy ngang qua:

Xã Phước Kiển nằm ở phía Tây của huyện Nhà Bè và phía Tây Nam ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh. Xã có tổng diện tích tự nhiên 1.503,91 ha, chiếm 6,05% diện tích tự nhiên toàn huyện, trong đó đất nông nghiệp 729,82 ha chiếm 48,53% diện tích; dân số 24,765 người, là xã có lực lượng lao động trẻ, cần cù và sáng tạo hoạt động trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh…

< Một góc các tòa cao ốc căn hộ trên trục đường Nguyễn Hữu Thọ. Các tòa nhà chọc trời này đã hoàn chỉnh và đã hoạt động, ngoài ra còn nhiều vị trí đất khác đang trong quá trình thi công.

< Sau khi qua đôi cầu Rạch Đỉa thì mình trở ra đường Nguyễn Văn Linh cắt ngang...
Tòa nhà phía phải là IPC Tower - buổi tối có thể thấy nếu đứng trên cầu Phú Mỹ.

< Vào khu vực Phú Mỹ Hưng, mé phải là khu phố Mỹ Toàn 1.
Trong phần sau, mình sẽ phát họa đôi nét về khu vực này.

< Trục đường Nguyễn Văn Linh có tán cây phủ rộng, mát... nhưng bị hẹp bớt sau khi qua ngã 4 Đa Khoa, tức là ngã 4 có đường Nguyễn Thị Thập cắt ngang.

< Vậy nhưng hẹp mà vẫn còn nguồn đất đã giải tỏa từ trước, chỉ cần kinh phí làm đường thôi.
Ngày nay, hai bên dải đất này đang bị lấn chiếm lại thành khu 'trung tâm ăn nhậu'. Trong khi đó, đoạn Nguyễn Văn Linh từ đường xuống cầu Tân Thuận 2 đến ngã 4 Khu chế xuất Tân Thuận đặc keng xe trong giờ cao điểm.
Coi chừng, khi người dân đã chiếm thì giải tỏa khó lắm nhà nước ơi...

< Về đến nhà chỉ mới 8h30. Thành quả của chuyến đi là thứ này: mực tươi...

< ... bông so đũa, cá phi (cá phi sống), tôm sắt..., toàn những thứ mua được ở chợ quê, giá rẻ nhưng rất tươi ngon.

Trong bài sau, mình lại sẽ kể tiếp về buổi lang thang về xã Bình Khánh và Tam Thôn Hiệp thuộc huyện Cần Giờ. Nhưng trước bài đó, mình sẽ có đôi bài và chút hình ảnh về khu vực Phú Mỹ Hưng cũng trong những chuyến hóng gió ngày cũ, bạn đón xem nhé.

Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13...

Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 

Sample text

Sample Text

Sample Text

 
Blogger Templates