“Biên phòng hảo vị trù phương lược. Xã tắc ưng tu kế cửu an” - câu này có nghĩa: “Biên phòng cần có phương lược tốt. Đất nước nên lo kế lâu dài”. Đây là phương sách biên phòng của vua Lê Thái Tổ đưa ra sau khi thành lập triều Lê năm 1428. Từ xa xưa đó, cha ông ta đã ước mơ có một biên cương vững chắc, hòa bình, ổn định. Và ước mơ, khát vọng đó đã dần trở thành hiện thực với dự án 47: xây dựng tuyến đường tuần tra biên giới, một cung đường mang dáng hình Tổ quốc.
Con đường theo đề án phác thảo dài 14.250km, trong đó xây dựng mới hơn 10.196km qua 25 tỉnh. Đường tuần tra biên giới sẽ được làm dọc biên, trong khu vực vành đai biên giới ở phạm vi tối đa 1.000m tính từ đường biên giới quốc gia trở vào.
< Khoan đá nổ mìn đẩy nhanh tiến độ thi công...
Nền đường rộng 5,5m, mặt đường rộng 3,5m, kết cấu bằng bêtông ximăng. Các công trình khác như cầu cống... đều được xây dựng theo tiêu chuẩn vĩnh cửu.
Sau nhiều năm triển khai, hiện đã xây dựng hoàn thành hơn 2.000 km. Riêng Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng) được giao quản lý hơn 1.500 km, và đến nay đã xây dựng được 1.450 km. Dự kiến đến hết năm 2014 sẽ hoàn thành thêm 500km.
< ... để tạo ra những đoạn mở nền cheo leo bên vực thẳm.
Đường vành đai tuần tra biên giới thường ít những chuyến xe xuôi ngược nhưng bù lại là muôn trùng mây núi, mỗi mùa một sắc hoa. Bài viết chỉ đề cập đến một đoạn ngắn cung đường lên thượng nguồn sông Mã để đến Sốp Cộp.
“Đường lên trời: đường lên Sốp Cộp. Đường xuống âm phủ: lối xuống Quỳnh Nhai”. Ấy là câu hát cửa miệng của bà con tỉnh Sơn La khi nhắc đến 2 địa danh nổi tiếng này.
< Rồi sau đó tạo mái, rãnh thoát nước và đổ bê tông mặt đường.
Tôi đã đi nhiều cung đường trên dặm dài đất nước, nhưng cung đường hành quân thì đây là lần đầu trải nghiệm và có những cảm nhận thú vị. Đó là cung đường mà các chiến sỹ biên phòng Đồn Mường Lạn đóng tại xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La - người ta vẫn thường gọi con đường đó mang dáng hình Tổ quốc.
Huyện Sốp Cộp được thành lập theo nghị định 148/NĐ-CP ngày 02 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ. Được tách ra từ huyện Sông Mã, Sốp Cộp có diện tích tự nhiên là 146.841 hecta. Dưới thời Pháp thuộc, vùng đất Sốp Cộp là tổng Sốp Cộp thuộc châu Điện Biên, gồm có 7 mường: Mường Lạn, Mường Và, Mường Sốp Cộp, Mường Ten, Mường Luân, Mường Lói, Mường Lèo.
< Một đoạn trên con đường lên Sốp Cộp.
Năm 1955, huyện Sông Mã được thành lập, 4 Mường: Mường Lạn, Mường Và, Mường Sốp Cộp, Mường Lèo được tách ra trở thành 4 xã của huyện Sông Mã. Đến tháng 12/2003, Huyện Sốp Cộp được thành lập gồm 8 xã phía tây của Huyện Sông Mã: Mường Lạn, Mường Và, Nậm Lạnh, Dồm Cang, Púng Bánh, Mường Lèo, Sám Kha. Ngày 30 tháng 11 năm 1952, sau khi chiến dịch Tây Bắc thắng lợi, xã Sốp Cộp được thành lập.
Là một huyện vùng biên giới, huyện Sốp Cộp có 120 km đường biên giới quốc gia với nước bạn Lào ở phía Tây và phía Nam, phía Bắc giáp huyện Điện Biên Đông của tỉnh Điện Biên, phía Đông giáp với huyện Sông Mã, huyện Sốp Cộp có độ cao trung bình so với mặt biển là 700m, có đỉnh Pu Sam Sảu cao 1.925m. Huyện Sốp Cộp là vùng đất có địa hình chia cắt bởi các dãy núi cao và vực sâu nên tạo ra khung cảnh hùng vĩ.
Huyện cũng là nơi sinh sống lâu đời của 5 dân tộc, trong đó: dân tộc Thái chiếm 67%, H’Mông 22%, Khơ Mú 5,5%, Lào 4,5%, Kinh 1%. Người Thái, người Lào sinh sống ở vùng thấp, có phiêng bãi, có ruộng nước. Người H’Mông và người Khơ Mú sống ở vùng núi cao. Người Kinh sống và làm ăn chủ yếu ở thị trấn. Người Lào sống tập trung ở hai xã Mường Và và Mường Lạn. Trong 5 dân tộc ở Sốp Cộp có dân tộc Khơ Mú là chưa có chữ viết riêng.
Cái tên huyện lỵ Sốp Cộp xa ngái mà thân thương, mang theo dòng chảy chắt chiu những dòng suối nhỏ gom thành dòng lớn sông Mã anh hùng. Người đi trên cạn, dòng nước bên dưới như chạy song hành, rồi có lúc địa hình khắc nghiệt miền biên viễn đã bẻ ngoặt con sông chia ngả người đi. Tạm vắng dòng sông trên quãng nhất định, ta tiếp vào tầm mắt những phong cảnh muôn trùng của hoa lá, mây trời.
Đây là cung đường chủ yếu lên cao dần và chạy dọc biên giới nên tất cả sẽ thu được trọn vẹn vào ống kính. Đoạn từ huyện lỵ đến Đồn biên phòng Mường Lạn khó đi, nhưng từ đồn đến cột mốc D6 là bắt đầu bắt nhịp vào đường tuần tra biên giới. Từ đây, một bên là nước ta còn bên kia là nước bạn Lào. Bởi thế, ta có thể bắt gặp sự giao thoa giữa hai nền văn hóa trong nét sinh hoạt của đồng bào nơi đây. Nếu bạn lên Sốp Cộp bằng ô tô, hẳn sẽ có nhiều đoạn trắc trở, còn nếu đi bằng xe máy thì ổn hơn rất nhiều.
Mùa này, ban nở trong mây, lau lách và những thân gỗ già nua trút lá thường xuất hiện nhiều ở những khúc cua mang đến những điểm nhấn đẹp như tranh vẽ. Chỉ khởi hành sau nửa giờ đồng hồ từ Đồn biên phòng Mường Lạn, phóng tầm mắt 4 bề mây núi thấy cả biển mây ôm ấp đường thiên lý, và đây cũng là điểm nhìn khúc sông Mã vặn mình đẹp nhất từ thượng nguồn rừng núi Tây Bắc chảy ngang qua đây. Một bức tranh tuyệt đẹp của núi rừng.
Con đường chúng tôi trải nghiệm từ Sốp Cộp trở về huyện Sông Mã ngót nghét 100 cây số đường thảm bê tông phẳng lỳ.
< Thị trấn Sốp Cộp, giáp Lào, khá sầm uất.
Cung đường này thỏa chí đối với những kẻ tang bồng ngay từ điểm đặt chân ở cột mốc D6. Đó chưa phải là điểm đầu cũng không phải là điểm cuối mà là điểm cắt ngang từ nơi mà ta dễ dàng đến và cảm nhận con đường mang dáng hình Tổ quốc nhất. Bởi đường hành quân giờ đã trải dài từ Quảng Ninh đến miền Trung của đất nước, tuy nhiên Sốp Cộp, huyện Sơn La là điểm đến hoàn chỉnh và mang lại nhiều cung bậc cảm xúc cho ai đã một lần khám phá thì sẽ thật khó quên.
Hướng mắt về cung đường tuần tra biên giới thuộc địa phận huyện lỵ Sốp Cộp, kẻ phượt vẫn có thể bồi hồi: Mấy năm trước, tuyến đường này chỉ là rừng với núi...
“Con đường mang dáng hình Tổ quốc” cũng là đề tựa của một cuốn sách từng được Đại tướng Phùng Quang Thanh đánh giá cao, ghi lại sinh động khó khăn, vất vả của bộ đội ngày đêm thi công con đường mang ý nghĩa chiến lược với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc VN.
Cuốn sách chia thành 6 phần: Ý tưởng, khảo sát, khoét núi mở đường “trù phương lược,” khó khăn trong quá trình thi công; gian nan những cung đường tuần tra; thực túc trên đường tuần tra; hiệu quả kép của con đường trên tuyến biên cương của Tổ quốc; hình ảnh đẹp về “Con đường mang dáng hình Tổ quốc”; những cung đường tuần tra.
Du lịch, GO! tổng hợp
Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2013
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét