Pages

Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013

Cốm dẹp thơm ngày lễ cúng Trăng

(TTO) - Không chỉ là món ăn truyền thống, với người Khmer Nam bộ, cốm dẹp còn là vật phẩm để cúng Trăng trong lễ Ok-om-bok để tưởng nhớ công ơn mặt trăng, vị thần điều tiết mùa màng, mang lại ấm no hạnh phúc cho con người.

Bà con người Khmer, chủ yếu tại hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh hầu hết sống bằng nghề trồng lúa nước và rẫy bái theo hai mùa mưa nắng. Hằng năm vào ngày 15-10 âm lịch (lịch Khmer gọi là rằm ca đắc) cũng là thời gian thu hoạch hoa màu. Lúa nếp thu hoạch sớm nhất, nên người ta chọn nếp làm cốm dẹp dâng cúng thần mặt trăng và mọi người cùng thưởng thức với hy vọng năm sau mùa màng sẽ tiếp tục bội thu, người người an cư lạc nghiệp.


< Nếp được rang trong nồi đất (mỗi lần chỉ rang 1 tô, khoảng 0,5 kg).

Theo tục lệ cổ truyền, vào đêm rằm, khi mặt trăng vừa lên cao, tỏa sáng khắp mọi nơi, bà con tập trung tại sân chùa hoặc sân nhà để làm lễ cúng trăng, vật cúng thường là bánh, trái, khoai lang và cốm dẹp. Khi hành lễ mọi người cùng quay mặt về hướng mặt trăng cầu nguyện cho gia đình sức khỏe dồi dào, mùa màng tươi tốt.

Cúng xong, vị sãi cả hoặc chủ lễ gọi các em bé đến cùng chắp tay hướng về mặt trăng rồi đút cho mỗi em một vắt cốm dẹp, có khi cốm dẹp kèm theo trái chuối hoặc trái cây với ước mong các em quanh năm no đủ, vui vẻ hạnh phúc và sức khỏe dồi dào.

Vào những ngày này bà con ở Trà Vinh, Sóc Trăng và những nơi có đông đảo bà con người Khmer sinh sống đều rộn ràng quết (giã) cốm dẹp để phục vụ cho ngày hội lớn. Rộn ràng nhất là làng cốm dẹp Ba So ở xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) với hơn 50 gia đình làm cốm dẹp quanh năm, bình quân mỗi hộ quết 5 giạ nếp/ngày. Từ nhiều thập kỷ qua, thương hiệu cốm dẹp Ba So đã lan tỏa khắp các tỉnh miền Tây.

< Quết (giã) cốm dẹp bằng chày (hai người quết, một người giữ cối).

Từ xa xưa, lễ cúng Trăng đã mang một ý nghĩa sâu sắc - một thứ văn hóa tâm linh nên bà con đã dành ra nhiều tình cảm và công sức để hóa thân cây lúa nếp trở thành món bánh truyền thống trong văn hóa ẩm thực Việt Nam và ngày càng thăng hoa.

Muốn có một đĩa cốm dẹp thơm ngon, béo bùi bà con phải chọn cho được loại nếp rặt, vừa chín tới, hạt còn mềm đem về phơi sơ qua rồi cho vào nồi đất rang đến khi nào mùi thơm bốc lên mới đem đi quết.

< Giai đoạn sàng, sẩy cốm dẹp cho sạch cám.

Công đoạn quết rất quan trọng và cũng là bí quyết làm nên chất lượng. Thường phải hai người quết, một người theo dõi túi nếp. Khi quết phải nhanh tay, đều và quết trong vòng 2 phút là kết thúc, vì nếu quất chậm hạt nếp rang sẽ nguội, chày nện xuống không còn tác dụng nữa. Công đoạn kế tiếp là sàng, sảy cho sạch cám, chỉ giữ lại những hạt cốm thơm tho, trắng tuyền.

Trước khi ăn, người ta trộn cốm với dừa nạo, đường cát, thêm chút nước dừa độ chừng 15 phút cho cốm mềm ra, xốp và dẻo. Cốm dẹp có thể ăn bằng muỗng, cuốn bánh tráng ngọt, bánh phồng hoặc dùng lá chuối, lá sen bao lại, hương vị từ lá sẽ toát lên một mùi thơm thoang thoảng, mùi vị tự nhiên và thanh khiết.

< Cốm dẹp đã thành phẩm.

Trong ngày lễ Ok-om-bok, sau khi tiến hành lễ cúng trăng các sư sãi và mọi người quây quần bên nhau để thưởng thức bánh trái và cốm dẹp, cùng hướng về trăng và hồn lúa. Tất cả cùng múa hát và chúc phúc cho nhau trong tinh thần đoàn kết tương thân tương ái.

Người Khmer Nam bộ có ba ngày lễ Tết quan trọng, đó là Dol-ta, Chol-chnam-thmay và Ok-om-bok. Theo phong tục cổ truyền, vào rằm tháng 10 âm lịch hàng năm, khi con trăng tròn đầy là đồng bào Khmer, đặc biệt tại hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh lại long trọng tổ chức lễ Ok-om-bok, còn gọi là lễ cúng trăng, lễ đúc cốm dẹp để tưởng nhớ công ơn mặt trăng.

Năm nay là lần đầu tiên lễ hội Ok-om-bok kết hợp đua ghe ngo của đồng bào Khmer được nâng lên Festival (diễn ta từ ngày 14 đến 17-11 tại Sóc Trăng), được tôn vinh thành lễ hội cấp quốc gia. Do đó, lễ cúng trăng năm nay sẽ được sân khấu hóa một cách trang trọng và mang nhiều ý nghĩa văn hóa của đồng bào dân tộc.

Theo Hoài Vũ (báo Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 

Sample text

Sample Text

Sample Text

 
Blogger Templates