Pages

Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

Chơi núi

(SGTT) - Du sơn ngoạn thuỷ tự cổ chí kim có khi nào không là thú chơi tao nhã, mà có tâm hồn phóng khoáng như mây gió thì mới yêu được núi. Và tất nhiên, cũng phải có sức mới có thể vịn đá băng khe để lên tới những nơi lưng chừng trời.

Du lịch kiểu này bây giờ không còn là thú chơi của tao nhân mặc khách kiểu Lý Bạch xưa. Mà là phương thức phượt đầy chất lãng mạn của những người đã quá ngao ngán đường phố Hà Nội ngột ngạt khói xe, phố núi Sa Pa nhôm nhoam cửa kính và chằng chịt biển hiệu xanh đỏ, cũng đã đủ dị ứng với các thị trấn, thị tứ miền núi khác mà nơi nào cũng nhan nhản nhà nghỉ, quán nhậu.

Chiêm ngắm núi từ thấp đến cao

Đành rằng trên những cung đường Tây Bắc hay Đông Bắc không thiếu cảnh đẹp hoang sơ, song để tập hợp được đầy đủ cung bậc cảnh sắc từ mây tới ruộng bậc thang, từ nhà trình tường vàng óng ả trong nắng cho tới vạt váy đỏ rập rờn theo mỗi bước chân sơn nữ… thì hành trình ngắm núi sẽ bao hàm đủ. Núi ở đây không phải là một chỗ nào cụ thể mà bao gồm nhiều điểm khác nhau. Nơi gần nơi xa, nơi hiểm trở gian truân, chỗ khá gần với khu du lịch, mỗi rặng núi một vẻ khác nhau, nhưng đều hàm chứa vẻ hiểm trở và hùng vĩ của non sông cẩm tú.

Xưa kia, khi các cung đường Tây Bắc còn khá gian truân để đi bằng xe máy thì giới du lịch vẫn rủ nhau lên đỉnh Hàm Rồng ngay thị trấn du lịch Sa Pa để ngắm mây. Mây ở đây rất lạ, khi có khi không, đang quang quẻ trời xanh nắng vàng như mật bỗng chợt mây ùn ùn từ đâu đổ về xoá nhoà cảnh vật. Đứng trên sân mây ở núi Hàm Rồng mà nhìn xuống Sa Pa bỗng thấy thị trấn khác hẳn đi, cũng là những mái nhà, hàng cây quen thuộc mà hình như mang hồn phách khác, nhất là khi mây hay sương tràn về che bớt những bình inox, dây điện, bảng quảng cáo… và trả lại cho thị trấn nhỏ vẻ lãng mạn xa xưa.

Đệ nhất hùng sơn ở xứ này tất nhiên là đỉnh Fansipan cao 3.143m, đích đến của những tay leo núi. Song thật lòng mà kể thì đỉnh này chỉ leo nhằm mục đích chinh phục cột mốc thôi, còn về đẹp phải nhắc tới ngọn Ngũ Chỉ Sơn mà dân leo Fansipan ai cũng từng chiêm ngưỡng. Sừng sững đứng giữa một dải núi non trùng điệp của rặng Hoàng Liên Sơn, đỉnh núi mang khí thế ngất trời, được biết là ngọn núi cao thứ hai ở Việt Nam và cũng là thử thách ghê người cho những tay leo núi mạo hiểm. Không như tranh thuỷ mặc đã vẽ núi ắt hẳn có chùa, cổ tùng, mục đồng hay lão hổ, Ngũ Chỉ Sơn chẳng có chùa cũng không có đạo quán, chỉ là đỉnh núi nhọn vươn thẳng lên trời xanh, quanh năm sương giăng mây phủ và mỗi khi lộ ra trong thời tiết trong trẻo thì vẻ đẹp mê hồn.

Con người và cảnh sắc trong núi

Cũng đẹp như thế là mấy đỉnh núi ở phía sau đèo Ô Quy Hồ, ven con đường thiên lý nối Lào Cai tới Yên Bái. Núi tiếp núi, đèo tiếp đèo, trên con đường đó thấp thoáng những bản làng đẹp như tranh, có dòng suối chảy lững lờ mà mỗi chiều các chị, các cô người Thái vẫn tới tắm theo đúng lối nguyên sơ như cây cỏ. Cảnh phụ nữ Thái tắm suối đã từ bao lâu nay là niềm say mê cho các tay nhiếp ảnh và cánh lữ hành, đi vào nỗi nhớ đằm thắm sau hành trình, để lại phía sau cả bản làng, cả núi rừng đẹp như chốn Thiên Thai.

Lên tới Yên Bái, cảnh sắc núi sẽ khác bên Lào Cai đôi chút, còn khi đã qua đèo Khâu Vai để nhập vào thế giới của ruộng bậc thang thì những ngọn núi ở đây lại chứa vẻ đẹp hiền hoà hơn, êm dịu hơn. Không còn cái khí chất hùng vĩ ngút trời, không có những vạt núi nhọn và khe đá hiểm, chỉ còn triền miên vạt núi được xẻ thành ruộng bậc thang, tập hợp từ Tú Lệ tới Mù Cang Chải để tạo nên bức tranh tuyệt đẹp vào mỗi mùa lúa chín hay mùa vào nước. Không biết đã qua bao nhiêu đời cần mẫn mà các sườn núi được gọt phẳng phiu, đắp bờ, dẫn nước... để phục vụ cho việc gieo cấy của các bản làng người Mông.

Mỗi mùa lúa chín, các nhóm nhiếp ảnh lại từ khắp nơi tìm về, chiêm ngưỡng và ghi lại hình ảnh của những vạt ruộng đẹp như mơ. Đi sâu theo con đường La Pán Tẩn, ngược lên sườn núi chênh vênh, càng lên cao tầm mắt càng được mở bung với ngút ngàn ruộng trên cao, ruộng dưới thấp. Và ở nơi tận cùng con đường nhỏ sẽ là một hình ảnh tuyệt đẹp, một đỉnh núi nhỏ tròn trịa như mâm xôi nằm giữa những thửa ruộng đa hình đa sắc xung quanh. Tháng 9 lúa vàng, tháng 6 mùa vào nước, mỗi năm hai lần giới chơi ảnh lại lặn lội tới Mù Cang Chải, ngược xuôi trên những con đường vào La Pán Tẩn, Chế Cu Nha… để ngắm nhìn cảnh sắc hùng vĩ của núi và những mảng đồ hoạ đẹp như mơ của ruộng bậc thang.

Chơi trên núi và vào thăm những bản người Mông chênh vênh giữa lưng chừng trời, ngắm người phụ nữ địu con ra ruộng, nhìn lũ trẻ chơi với nhau trên bờ ruộng mới thấy cuộc sống thật đơn giản theo đúng lý của nó, còn những phức tạp huyền hoặc của đời thường do chính con người tạo ra. Buổi tối về nhà trọ, uống với nhau chai rượu táo mèo, thưởng thức món gà với xôi nấu từ nếp Tú Lệ nức danh khắp vùng Tây Bắc, lôi máy ảnh ra ngắm lại file, cuộc đời du ngoạn có lẽ chẳng có thú nào bằng lúc đó.

Rồi còn nhiều lắm những dải núi hùng vĩ ở miền Đông Bắc, từ Hoàng Su Phì cho tới Mã Pí Lèng, trên cung đường tới Hà Giang phô bày biết bao nhiêu ngọn núi đẹp. Hai đỉnh núi tròn trịa đẹp như bầu ngực thiếu nữ ở Quản Bạ, những dãy núi đá tai mèo sắc nhọn khô khát ở Đồng Văn, triền núi sâu hun hút khi đứng trên đèo Mã Pí Lèng nhìn xuống dòng Nho Quế nhỏ như sợi chỉ chảy ngoằn ngoèo dưới vực…

Mỗi nơi một vẻ, cảnh sắc miền cao có khi nào dùng lời mà tả cho hết, bởi vậy, dù trên thực tế vùng sơn cước chẳng bao giờ gặp những hình tượng kiểu như đạo quán uy nghi thâm trầm, chùa cổ u tịch khuất trong mây như truyện kiếm hiệp, nhưng đi ngao du vào núi vẫn là cái thú chơi đầy huyễn dụ. Biết đâu, ở nơi nào đó, ta lại gặp cảnh sắc hệt Từ Thức nhập Thiên Thai?

Theo Thái A (Sàigòn Tiếp Thị)
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 

Sample text

Sample Text

Sample Text

 
Blogger Templates