(PLXH) - Kiểu phục vụ coi khách hàng như kẻ đi xin, thậm chí mắng chửi, hành hung khách nếu không vừa lòng của nhiều tiểu thương ở Hà Nội khiến người ta tự hỏi, liệu đó có phải một “đặc sản” của Hà Nội?
Mua hàng, được “khuyến mại” cái lườm, câu chửi
Cách đây chưa lâu, một phóng viên AFP đã mô tả về phở Hà Nội: “chỗ ngon nhất lại nằm ở những hàng quán không sạch sẽ, với những người bán hàng thô lỗ, dòng người xếp hàng dài và môi trường tồi tàn nhất”. Người ta nói vậy cũng chẳng oan, bởi ở Hà Nội, không khó khi đi bạn đi mua hàng, nhất là hàng ăn, mà được tặng kèm những cái lườm nguýt, thái độ khó chịu hay thậm chí… mắng chửi từ nhân viên phục vụ hoặc người bán hàng.
Có thể liệt kê những quán nổi như cồn với “quà tặng kèm” kiểu này như phở bò đứng phố Bát Đàn (khách phải trả tiền trước và thường phải ăn trong tư thế đứng), ốc luộc “lắm mồm” Nam Đồng (khách ngồi ăn quá lâu sẽ bị “quét” hoặc đuổi thẳng cổ để nhường chỗ cho người khác), bún dọc mùng “chửi” ở chợ Ngô Sĩ Liên, cháo gà ta “quát” phố Nhà Thờ và phố Lý Quốc Sư… Đến những quán này, khách hàng sẽ phải chuẩn bị tâm lý sẽ được phục vụ đồ ăn với thái độ cực kỳ “chảnh” kèm những từ ngữ hết sức khó nghe.
Hết bún “chửi”, cháo “quát” lại đến bánh trung thu “xếp hàng”. Không ít khách hàng đã phàn nàn về chất lượng phục vụ của cửa hàng bánh trung thu B.P như chỉ được phép mua 3 hộp, nếu ai thắc mắc lập tức bị đuổi đi, thái độ bán hàng “chảnh”, đưa hàng mà như ném vào mặt khách hay bán nhầm loại bánh.
Không chỉ với những cửa hàng bình dân, ngay cả những nhà hàng trung, cao cấp, khách cũng không tránh khỏi bực mình. Anh Nguyễn Đức Minh (Q. Thanh Xuân, Hà Nội) bực mình kể lại: “Hôm đó, nhóm bạn cấp 3 của tôi hẹn nhau ở quán C.B trên đường Thụy Khuê. Có khoảng 5 – 6 người đến trước nên chúng tôi chưa gọi món ngay.
Ngồi được 5 phút thì nhân viên với bộ mặt sưng xỉa hất hàm hỏi trống không: “Ăn gì, uống gì gọi đi”. Chúng tôi bảo lấy trước trà đá, lát nữa người đến đủ sẽ gọi món sau thì cô nhân viên hậm hực quay vào, giẫm chân bành bạch như cố tình để chúng tôi nghe thấy. Lúc bê trà ra, cô ta như ném mấy cái cốc xuống bàn rồi quay sang nhân viên bên cạnh chỉ trỏ chúng tôi, thì thào gì đó khiến chúng tôi rất khó chịu.
Tôi vẫy cô ta lại, yêu cầu gọi quản lý ra nói chuyện thì cô ta vênh mặt: “Quản lý đi vắng rồi!”. Đến khi các bạn tôi đến đủ và gọi món, cô phục vụ đó vẫn giữ thái độ rất khó chịu. Nếu không vì lỡ hẹn các bạn ở đấy, tôi đã bỏ về rồi!”
Sờ mà không mua, coi chừng bị đốt vía, ăn đòn
Ở nhiều cửa hàng trên phố, các chợ trên đất Hà thành, chỉ cần khách động vào hàng, hỏi giá mà không mặc cả hoặc mặc cả rồi mà không mua là có thể bị chửi, đốt vía, thậm chí là no đòn với chủ hàng.
Chị Nguyễn Minh Nguyệt (Q. Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Biết là buổi sáng khó mua hàng, hôm ấy tôi đã đợi đến giữa giờ chiều mới vào chợ Ngã Tư Sở mua quần áo. Thấy tôi hỏi xem hàng, bà chủ quầy mồm mép leo lẻo mời chào, quảng cáo. Tôi ưng một cái áo khoác, bà chủ phát giá 800.000 đồng, tôi mặc cả xuống 550.000 nghìn nhưng bà ấy không đồng ý. Tôi đưa trả lại kèm lời cảm ơn. Ai ngờ, bà ấy lập tức giở giọng chanh chua, đanh đá, rút giấy, bật lửa ra… đốt vía tôi”.
“Bà ta dí vào mặt tôi miếng giấy đang cháy bùng bùng, hua hua mấy cái rồi không ngừng luồn qua luồn lại dưới háng mình, kèm theo những câu chửi hết sức tục tĩu, thô lỗ khiến tôi đỏ cả mặt. Bực mình, tôi bỏ đi thì vẫn bị bà ta chửi với theo, làm các chủ cửa hàng xung quanh cũng chú ý nhìn tôi lom lom. Tôi ghé vào mấy hàng khác định xem đồ thì bị các bà ấy “mát mẻ”: em thông cảm vào hàng khác xem nhé, hàng chị không có gì em mua được đâu!” – chị Nguyệt ấm ức kể lại.
Nghe giọng "chém" đẹp khách du lịch
Không chỉ người sống ở Hà Nội mới bực mình với cung cách phục vụ, buôn bán ở đây. Nhiều người, đặc biệt là khách du lịch đến với Thủ đô cũng “ngậm cục tức” khi bị mắng hoặc “chặt chém” ở Hà Nội.
Cô Phan Vũ Minh Tâm (đã nghỉ hưu) chưa quên cảm giác ấm ức sau một lần du lịch Hà Nội: “Lần đầu ra Hà Nội, tôi bị choáng vì bị nhiều người bán hàng nghe giọng tính tiền. Mua đồ gì cũng bị hét giá cao, đến ăn uống cũng vậy. Một ly trà chanh (loại bột pha sẵn) ở Hồ Tây, tôi bị người bán hàng tính giá 200.000 đồng, lại còn bảo: đấy là còn khuyến mại tiền ghế đá (!); đi ăn phở ở phố cổ thì bị tính 80.000 đồng/tô, trong khi khách khác chỉ có 35.000 đồng, tôi thắc mắc thì được giải thích là tô của tôi đặc biệt hơn. Nếu người phục vụ vui vẻ, có lẽ tôi sẽ đỡ bực, đằng này hỏi đến miếng chanh, trái ớt cũng bị nhăn, rồi hỏi nước tương ăn kèm, người ta bảo: điên à, phở ai ăn với nước tương!”
Một du khách miền Nam khác cũng chia sẻ câu chuyện bực mình khi đi ăn miến lươn ở một quán nổi tiếng phố Hàng Điếu: “Mình thèm đến chết món miến lươn trộn ở đây nên vào quán, mình kêu ngay 3 tô miến lươn trộn. Thế mà cô nàng phục vụ mang ra 3 tô… miến lươn nước. Mình hỏi lại thì chị ấy bảo là đã làm xong rồi không đổi được, dù có một người khách ngồi kế bên cũng xác nhận chuyện này. Cuối cùng, cô phục vụ vẫn một mực bảo: đã làm rồi, phải ăn thôi, không đổi được đâu, báo hại mình phải kêu thêm một tô miến trộn nữa để ăn cho đỡ ghiền!”
Chẳng cứ khách du lịch trong nước, khách du lịch nước ngoài cũng thường bị “chặt chém” ở Hà Nội khi đi ăn uống, đi taxi, xích lô, tiền khách sạn, bị hàng rong “bủa vây” ép mua hàng hay dụ chụp ảnh chung với nón lá, quang gánh rồi… vòi tiền.
Do người ngoại tỉnh?
Đó chỉ là một vài câu chuyện nhỏ trong văn hóa kinh doanh, văn hóa phục vụ ở Hà Nội. Thực ra, những câu chuyện chụp giật, thiếu chuyên nghiệp trong kinh doanh như thế này không chỉ có riêng ở Hà Nội, và cũng thực sự oan uổng khi đổ tất cả những thứ văn hóa lai căng, tạp nham, xấu xí đó lên đầu toàn bộ người Hà Nội.
Nhiều người già sống lâu ở Hà Nội hoặc những gia đình 7 – 8 đời gắn bó với hà Nội khẳng định: người Hà Nội xưa vốn nhẹ nhàng, cư xử tinh tế, khéo léo và thân thiện, ăn nói lễ phép chứ tuyệt nhiên không có hiện tượng thiếu lịch sự với khách như bây giờ.
Bác Nguyễn Thu Hà, một người Hà Nội gốc chia sẻ: “Nói người Hà Nội phục vụ kém, văn hóa ứng xử kém thông qua những hiện tượng trên là phiến diện, vì Hà Nội giờ đây đâu chỉ còn riêng những người được coi là gốc Hà Nội nữa. Tôi tin rằng trong những người kinh doanh, nhân viên phục vụ, bán hàng ở Hà Nội hiện nay thì chỉ có một phần nhỏ là người Hà Nội, gốc còn đa phần là những người từ các tỉnh lẻ di cư, nhập cư về đây. Chính sự pha tạp ấy đã đem theo những nét văn hóa khác, ứng xử khác làm hòa lẫn, làm xấu đi những nét văn hóa thanh nhã, lịch thiệp của người Hà Nội xưa, khiến cho văn hóa phục vụ khách không còn chuẩn mực”.
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cũng đã trả lời trên báo chí về vấn đề này và cho rằng, sự thiếu văn hóa trong cách kinh doanh, phục vụ khách hàng chỉ mới nổi lên vài năm gần đây, và đó “là do cái mặt trái của căn tính người nông dân quen chửi bới, là do người tỉnh lẻ di cư về thủ đô mang tới chứ không phải là nét văn hóa của người Hà Nội gốc”.
Cũng có ý kiến cho rằng, đổ tội “thiếu văn hóa” cho người nhập cư là vô căn cứ, vì điển hình như ở thành phố Hồ Chí Minh, người nhập cư làm công việc kinh doanh cũng nhiều, nhưng văn hóa phục vụ của họ thì miễn chê. Anh Nguyễn Tiến Dũng, một người Hà Nội sống tại thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ quan điểm: “Quả thật, đi mua hàng ở thành phố Hồ Chí Minh rất thích, hầu hết đều nhã nhặn, vui vẻ. Tôi nghĩ có điều đó vì văn hóa phục vụ đã vào nền nếp từ lâu, người kinh doanh có điều kiện tiếp xúc với nền kinh tế thị trường sớm hơn, ít nhiều họ đã hấp thụ được tính văn minh của văn hóa thương mại và xác định phục vụ là nghề nghiệp của mình”.
Một luồng ý kiến khác thì cho rằng, lối cư xử thô lỗ của nhiều người bán hàng với “thượng đế” như vậy là những hệ lụy của thời kỳ bao cấp, thời cung không đủ cầu nên những người bán hàng họ tự cho mình cái quyền được đối xử với khách hàng thiếu lịch sự. Có người thậm chí còn cho rằng đó là… thương hiệu.
Ví dụ như hiệu kem T.T. trên con phố cùng tên lúc nào cũng tấp nập khách, dù ở khắp các quận, huyện Hà Nội có thể tìm thấy các đại lý của hãng này và dù các cô bán hàng vẫn giữ kiểu “chảnh” thời bao cấp, ít khi cười, luôn bắt khách chuẩn bị tiền lẻ và tỏ ra bực mình nếu khách chậm chạp.
Nhưng dù với lý do gì, sự thiếu văn hóa, thiếu chuyên nghiệp trong cách phục vụ, ứng xử với khách hàng ở Hà Nội có lẽ sẽ không tồn tại được lâu nữa, vì trong thời buổi cạnh tranh, người bán nhiều hơn người mua, ngoài chất lượng hàng hóa thì chất lượng phục vụ khách hàng luôn là điều mà “thượng đế” quan tâm.
Theo báo Pháp Luật Xã Hội
Du lịch, GO!
Thứ Bảy, 28 tháng 12, 2013
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét