(ĐVO) - Sau hơn 40 năm, bờ biển phía đông Cà Mau có đoạn đã “ăn” vào đất liền khoảng 1,5km!
<Khu vực cửa Bồ Đề, Cà Mau năm 2005 (trái) và năm 2013 chụp từ vệ tinh.
Thông qua việc “chồng” hình ảnh vệ tinh của NASA chụp từ nhiều năm trước với ảnh do vệ tinh quan sát Trái đất của VN VNREDSat-1 chụp năm 2013, các nhà khoa học của Cục Viễn thám quốc gia - Bộ Tài nguyên và môi trường ghi nhận được tình trạng xâm thực đang diễn ra rất mạnh trên khắp cả nước. Theo ông Nguyễn Xuân Lâm - cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia, công nghệ viễn thám là công cụ thích hợp cho việc theo dõi bồi tụ và xói lở đường bờ biển.
< Biển ăn sâu vào bờ cách biểu tượng Mũi Cà Mau chỉ hơn 10m.
Ông Lâm phân tích: các ảnh viễn thám của NASA có được sớm nhất từ 40 năm trước (năm 1972) là ảnh vệ tinh LANDSAT-1, 2 có độ phân giải thấp so với ảnh của VNREDSAT-1, nhưng do mũi Cà Mau bị xói lở mạnh nên khi chồng lên nhau nhìn rõ đường bờ phía đông lùi vào khá sâu.
< Nơi sạt lở này trước đây là cả một đoạn bờ kè được gia cố phần chân bằng đá hộc, nằm ở mặt Tây khu Du Lịch Đất Mũi.
Những thông số liên tục từ ảnh vệ tinh từng năm của giai đoạn 2005-2010 cho thấy có đoạn phía đông Cà Mau bị lùi vào đến 200m trong năm năm, nghĩa là trung bình bờ biển lùi sâu vào đất liền đến 40m/năm. Tại khu vực này, đường bờ bị biển bào mòn rất mạnh. Có trụ sở UBND xã khi thủy triều dâng, khoảng cách với mặt nước biển bị kéo lại rất gần, chỉ còn vài mét”.
< Dù có đến 3 lớp kè chắn sóng bằng đủ loại vật liệu nhưng cũng đành chào thua trước sóng biển - ảnh chụp ngay KDL Mũi Cà Mau.
Nguy cơ mất mũi Cà Mau đã được cảnh báo bao lâu nay. Tại một hội thảo hồi tháng 6/2013, Viện Địa kỹ thuật Hoàng gia Na Uy (NGI) đã công bố giai đoạn 1 dự án nghiên cứu về “sự sụt lún đất của bán đảo Cà Mau”. Theo đó, các nhà khoa học cũng cảnh báo, với tốc độ lún hiện nay, nếu không có biện pháp để ngăn chặn, thì chỉ vài thập niên tới toàn bộ Cà Mau sẽ biến mất.
< Căn chòi xây phục vụ khách bộ hành tại khu du lịch mũi Cà Mau giờ sắp đã bị biển 'khai tử'.
Nói về nguyên nhân của hiện tượng này, ngoài những yếu tố như hút nước ngầm, phá rừng ngập mặn… TS. Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản (VIGMR) còn chỉ ra một nguyên nhân khác khá quan trọng, đó là tình trạng phá rừng và đắp đập thủy điện ở thượng lưu. Tác nhân này không chỉ gây ra sụt lún đất ở Cà Mau mà còn cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
< Cảnh điêu tàn gần khu vực Khai Long sau khi bị biển tấn công.
Năm 2011, ông Lý Hoàng Tiến, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) cho rằng, chuyện bồi lở là chuyện của tự nhiên, nhưng riêng tại khu vực mũi Cà Mau thì nguyên nhân chính là do sự tác động của con người.
Người dân Cà Mau có cụm từ “cây mắm đi trước cây đước theo sau” để chỉ quá trình lấn ra biển của vùng đất bồi lắng. Cây mắm giữ vai trò tiên phong lấn ra biển. Rễ mắm bám chặt vào đất, giữ phù sa, bồi lắng, tích tụ lâu ngày trở thành vùng đất mới. Khi cây mắm hoàn thành sứ mệnh thì đến lượt cây đước theo sau để “khẳng định chủ quyền” của đất liền. Một thời gian, rừng phòng hộ ven biển đã bị xâm phạm.
Thêm vào đó, khi xây dựng khu du lịch, người ta đã đưa cơ giới vào đào xới, lấy cát từ các bãi bồi lắng. Điều này đã tác động xấu vào tiến trình diễn thế của tự nhiên, gây sạt lở. Tuy sau đó những người có trách nhiệm cho xây dựng bờ kè giữ đất nhưng do xây dựng không đúng kỹ thuật nên các bờ kè chỉ “làm mồi” cho sóng biển.
Theo Trúc Linh (báo Đất Việt)
Du lịch, GO!
Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét