Pages

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

Sử thi về Hải đội Hoàng Sa

(BAVN) - Từ bao đời nay, ở huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) vẫn lưu truyền câu chuyện lịch sử về các anh hùng dân binh của Hải đội Hoàng Sa thời nhà Nguyễn đã dũng cảm chèo thuyền vượt sóng ra quần đảo Hoàng Sa để thực thi nhiệm vụ cắm mốc chủ quyền và bảo vệ biển đảo của quê hương.

< Hàng vạn du khách trong và ngoài nước về dự Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở Lý Sơn.

Chuyến tàu đưa chúng tôi từ cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi) ra đảo Lý Sơn vào một ngày cuối tháng Tư đông kín người. Dường như càng gần đến ngày Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở Lý Sơn thì những chuyến tàu từ đất liền ra đảo càng đông hơn.

< Đình làng An Vĩnh, Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia, nơi thờ tự các âm linh của Hải đội Hoàng Sa.

Bởi theo lệ, hàng năm, cứ đến ngày này, con dân của đảo Lý Sơn dù đang sinh sống ở đâu cũng tìm về để dự ngày lễ tri ân các bậc tiền nhân của mình. Không những thế, ngư dân ở các tỉnh bạn như Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam… cũng nô nức đổ về Lý Sơn dự Lễ vì họ tâm niệm Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa cũng như là ngày giỗ chung của nghề đi biển trong vùng.

< Tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải trên đảo Lý Sơn.

Trên chuyến tàu đó, tình cờ chúng tôi đã gặp Phạm Văn Biên, cậu sinh viên trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Tp. Hồ Chí Minh và cũng chính là hậu duệ đời thứ 7 dòng họ Phạm nổi tiếng của Hải đội Hoàng Sa ở Lý Sơn. Cũng như bao nhiêu người dân Lý Sơn khác, Biên cũng đang trên đường về quê dự Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.

< Ngôi mộ của Cai đội thuỷ quân Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật ở Lý Sơn.

Biên kể: “Hồi mới ba, bốn tuổi em đã được bố mẹ đưa đi xem Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Từ đó đến nay, tính ra em cũng đã được xem Lễ này khoảng 20 lần. Chuyến này ra đảo em sẽ cùng các anh đi xem Lễ khao lề và tham quan các di tích lịch sử liên quan đến Hải đội Hoàng Sa”.

< Các bản chỉ dụ...

Những ngày ở Lý Sơn, Biên nhiệt tình đưa chúng tôi đi tham quan nhiều di tích lịch sử và thắng cảnh trên đảo. Đảo Lý Sơn rộng chưa đầy 10 cây số vuông nhưng có tới gần 100 di tích và phần lớn đều gắn liền với Hải đội Hoàng Sa như: Âm linh tự, Khu mộ gió lính Hoàng Sa, Đình làng An Vĩnh, Đình làng An Hải, Nhà thờ Chánh đội trưởng thủy quân suất đội của Hải đội Hoàng Sa Phạm Quang Ảnh, Nhà thờ Chánh đội trưởng thủy quân suất đội của Hải đội Hoàng Sa Võ Văn Khiết, Nhà trưng bày lưu niệm Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, Búng bà Rí…

< ... thẻ bài và di vật liên quan đến Hải đội Hoàng Sa hiện còn được lưu giữ tại nhiều dòng họ lớn trên đảo Lý Sơn.

Đặc biệt, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở Lý Sơn đã được Nhà nước công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia. Hải đội Hoàng Sa là tên gọi đội tàu hàng hải do chính quyền chúa Nguyễn xứ Đàng Trong lập ra từ hồi đầu thế kỷ 17 để làm nhiệm vụ đi khai thác sản vật, đo đạc hải trình, bảo vệ và cắm mốc chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Theo nhiều nguồn sử liệu chính thống, Hải đội Hoàng Sa ra đời vào khoảng trước năm Tân Mùi (1631), tức dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (trị vì 1613 - 1635), vị chúa thứ hai của nhà Nguyễn.

Minh chứng rõ ràng nhất cho sự ngưỡng vọng của người dân Lý Sơn đối với các bậc tiền nhân chính là di tích Âm linh tự. Đây là nơi thờ các dân binh của Hải đội Hoàng Sa đã gặp nạn hy sinh trên biển trong khi đang làm nhiệm vụ của triều đình.

< Thổi ốc u báo hiệu khai Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.

Đối với ngư dân Lý Sơn, trước mỗi chuyến ra khơi họ đều đến đây thắp hương làm lễ. “Ngư dân Lý Sơn đều tin rằng khi ra khơi họ sẽ được Hải đội Hoàng Sa phù hộ, che chở trước sóng to gió lớn. Đối với dân đi biển chúng em, điều này đã trở thành như một thứ tín ngưỡng anh ạ!” - Biên tự hào nói với chúng tôi.

< Các nhà sư làm lễ cầu siêu cho dân binh Hải đội Hoàng Sa.

Chuyên nghiệp như một hướng dẫn viên du lịch, Biên dẫn chúng tôi đến tượng đài Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải và Nhà trưng bày lưu niệm Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải nằm ngay trên trục đường chính của đảo Lý Sơn. Biên giới thiệu cẩn thận từng hiện vật như manh chiếu, tấm thẻ bài, nẹp tre, cuộn mây…

< Lễ chánh tế Hải đội Hoàng Sa.

Đó là những vật dụng các dân binh Hải đội Hoàng Sa xưa thường phải mang theo trong mỗi chuyến ra Hoàng Sa, để nếu lỡ may có bỏ mạng giữa trùng khơi, đồng đội sẽ dùng để bó xác thả trôi xuống biển với ước mong nhờ sóng biển đưa về quê hương bản quán.

Nghe câu chuyện của Biên, Bà Han, chuyên viên khảo sát của một công ty du lịch Hàn Quốc có văn phòng đóng tại Tp. Hồ Chí Minh đến bắt chuyện. Nghe tin ở Lý Sơn có Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa nên bà đã thu xếp ra đây từ mấy hôm trước.

< Nghi thức tung gạo, muối...

Bà Han cho biết, câu chuyện về Hải đội Hoàng Sa và những di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh trên đảo Lý Sơn chính là cơ sở để công ty của bà mở tour du lịch đưa khách từ Hàn Quốc đến thăm đảo Lý Sơn. “Việt Nam và Hàn Quốc đều là quốc gia có biển đảo, vì thế tôi tin rằng du khách của chúng tôi sẽ khám phá được nhiều câu chuyện thú vị về những người anh hùng đi mở biển của đất nước các bạn” – Bà Han chia sẻ.

< ...và hát gọi hồn cho các dân binh Hải đội Hoàng Sa.

Rời Nhà lưu niệm, Biên dẫn chúng tôi đến nhà cụ Võ Hiển Đạt ở xã An Vĩnh, nghệ nhân chuyên làm các thuyền câu để phục vụ cho Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Gần đến ngày lễ trọng nên nhà cụ Đạt nhộn nhịp khác thường. Đám thanh niên trong xã tụ tập đến xem và học cách cụ Đạt làm thuyền câu. Cụ Đạt giảng giải: “Những chiếc thuyền này chính là mô hình của loại thuyền câu mà 400 trước Hải đội Hoàng Sa đã dùng để vượt sóng ra Hoàng Sa cắm mốc và đo đạc thủy trình”.

Cụ Đạt giới thiệu với chúng tôi người đệ tử chân truyền của mình là anh Phạm Văn Bổn. Anh Bổn theo cụ Đạt học nghề được 5 năm và đã làm được những mô hình thuyền câu theo đúng quy cách của người xưa để lại. Anh tự hào tâm sự: “Tục thả thuyền câu đã có từ hàng trăm năm nay và được xem là nghi thức chính của Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Trên thuyền câu còn có cả những hình nhân thế mạng. Các hình nhân này được làm rất có hồn. Do đó, chỉ cần nhìn vào các hình nhân trên thuyền là thấy được cái khí thế oai hùng của cha ông chúng tôi lúc dong thuyền đi mở biển cách đây 400 năm”.

< Cụ Võ Hiển Đạt chuẩn bị mô hình thuyền câu và hình nhân thế mạng cho Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.

Chia tay cụ Đạt, chúng tôi đến nhà ông Phạm Thoại Tuyền, người được Biên ví như là một “nhà sử học” của đảo Lý Sơn. Ông Tuyền là hậu huệ đời thứ 5 của Chánh đội trưởng thủy quân suất đội của Hải đội Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật, người đã hy sinh trên quần đảo Hoàng Sa trong khi thực thi sứ mệnh của triều đình nhà Nguyễn đi cắm mốc chủ quyền và đo đạc thủy trình trên biển.

< Ngư dân Lý Sơn tiến hành nghi lễ thả thuyền câu.

Ngôi nhà ba gian đơn sơ của ông Tuyền treo đầy những bản đồ, hình ảnh và hiện vật về Hải đội Hoàng Sa và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ông kể cho chúng tôi nghe về lịch sử hình thành Hải đội Hoàng Sa và vai trò quan trọng của Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa trong đời sống văn hóa, tâm linh của người dân Lý Sơn. Theo lời ông Tuyền, vua Minh Mạng (1791 – 1841) đã từng ra chỉ dụ, trong đó có câu “Bản quốc hải cương Hoàng Sa xứ tối thị hiểm yếu” có nghĩa là “Đối với lãnh hải nước ta thì Hoàng Sa là cực kỳ quan trọng”. Còn người dân Lý Sơn lại có câu ca dao: “Hoàng Sa trời nước mênh mông/Người đi thì có mà không thấy về/Hoàng Sa mây nước bốn bề/Tháng 2 khao lề tế lính Hoàng Sa”. Ông Tuyền tự hào cho biết thêm: “Đối với người dân Lý Sơn chúng tôi Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa như là báu vật. Các anh dự lễ sẽ thấy rõ điều đó”.

Theo chân ông Phạm Thoại Tuyền, chúng tôi đến thắp hương ngôi mộ gió Chánh đội trưởng thủy quân suất đội của Hải đội Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật. Giải thích về về sự hình thành các ngôi mộ gió trên đảo, ông Tuyền cho biết, ngày xưa vào khoảng tháng 2, các dân binh Hải đội Hoàng Sa lên đường đi làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa, đến tầm tháng 8 mà không thấy trở về thì gia đình xem như đã hy sinh.

< Nghi lễ thả thuyền câu và hình nhân thế mạng xuống biển là nghi thức quan trọng nhất của Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.

Để có mộ phần làm nơi hương khói, gia đình mời nhà sư lấy đất sét trên đỉnh núi Giếng Tiền, đất ở ngã ba đường, lòng đỏ trứng gà và cành dâu nặn thành hình hài tượng trưng rồi đem chôn. Nhiều thế hệ người dân Lý Sơn đã tham gia Hải đội Hoàng Sa có đi mà không về, nên trên đảo có hàng trăm ngôi mộ gió và hình nhân trên thuyền câu trong Lễ khao lề cũng được làm như thế.

Ngày khai hội Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, khi những hồi ốc u thổi rền vang ngân dài khắp đảo Lý Sơn, từng dòng người từ khắp nơi quy tụ về đình làng An Vĩnh. Ban thờ chính được đặt trang nghiêm trước sân đình và quay ra hướng biển. Các bô lão thuộc lục họ (tức 6 dòng họ lớn trên đảo Lý Sơn) trang phục chỉnh tề, nghiêm cẩn tiến hành các nghi lễ để tưởng nhớ và tôn vinh Hải đội Hoàng Sa như: lễ cầu siêu, lễ chánh tế, lễ thả thuyền câu thế mạng lính Hoàng Sa...

Theo lời cụ Võ Hiển Đạt, xưa kia các bậc tiền nhân vâng mệnh triều đình đi cắm mốc và bảo vệ quần đảo Hoàng Sa. Trùng dương cách trở, nhiều người chỉ đi mà không thấy về. Để tưởng nhớ những người đã nằm xuống, hàng năm, vào khoảng tháng Hai âm lịch, các tộc họ ở Lý Sơn đều tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Vì thế, họ tộc nào có người hy sinh ở Hoàng Sa cũng đều tổ chức Lễ khao lề thế lính. Dần dần, lễ thức này đã trở thành lễ thức chung của người dân Lý Sơn. Khao lề là lễ tế sống các dân binh với mục đích tôn vinh và tri ân những người lính dũng cảm, dám hy sinh thân mình vượt sóng ra Hoàng Sa để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Buổi tối, dưới ánh đèn vàng của Nhà thờ Chánh suất đội thủy quân Hải đội Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật, Biên đã kể cho chúng tôi nghe những dự định và hoài bão mong muốn được làm một cái gì đó thật ý nghĩa để tri ân công đức các bậc tiền nhân. Biên tâm sự: “Em đã thu nhập được khá nhiều tư liệu, sau này ra trường em mơ ước sẽ làm được một bộ phim tái hiện lại hành trình bi hùng của Hải đội Hoàng Sa trong quá trình đi thực thi chủ quyền biển đảo của mình”.

< Hội đua thuyền tứ linh thể hiện tinh thần thượng võ của ngư dân Lý Sơn trong ngày Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.

Lời tâm sự đầy nhiệt huyết của chàng trai trẻ và tiếng ốc u rền vang lẫn trong tiếng sóng biển vọng về như đưa tôi quay trở lại với thời quá khứ xa xôi, ở đó có câu chuyện bi tráng mang đậm chất sử thi về những người dân binh miền biển, những người đã hy sinh thân mình nằm lại giữa biển khơi để gìn giữ biển trời thiêng liêng của đất nước.
Xem thêm >

Theo Thông Thiện - Công Đạt (Báo Ảnh VN)
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 

Sample text

Sample Text

Sample Text

 
Blogger Templates