Pages

Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

Sống cùng Thu Bồn (P1)

(TTO) - Thu Bồn là dòng sông lớn của Quảng Nam và cả miền Trung, nối Ngọc Linh - dãy núi thiêng của Trường Sơn có đỉnh cao gần 2.600m với biển Đông qua cửa Đại. Chảy cùng dòng sông là những bến cảng, những nền văn minh lớn với những kinh đô, thành quách, những phố thị cổ xưa cùng những thôn làng rần rật mạch sống hôm nay.

< Cảnh đặc trưng của dòng Thu Bồn ở đoạn trung nguồn.

Là một trong những dòng sông nội địa có lưu vực lớn nhất ở nước ta, Thu Bồn với dòng chảy hết sức cuồng mãnh như góp phần rèn đúc sức dẻo dai cho những con người sống cùng con nước...

Đứng trên cầu Câu Lâu bắc qua Thu Bồn trên quốc lộ 1 nhìn lên hướng tây không ai có thể nhận ra đâu là dãy Ngọc Linh giữa Trường Sơn ngút mắt. Nhưng nhìn xuống hướng đông không xa là có thể thấy cửa Đại, nơi dòng nước Thu Bồn hòa với biển Đông.


< Chùa Thanh Lương vẫn được quen gọi chùa Trung Phường, được xây trên nền chùa Trung Phường xưa - nơi hành hương, cúng bái của các thương nhân nước ngoài thời xưa mỗi khi cập cảng Trung Phường.

Nằm cách cửa Đại không đầy 2km về hướng tây nam bên bờ hữu Thu Bồn nơi có cảng cá và bến thuyền nhỏ, khó có ai hình dung đây từng là một thương cảng quốc tế của "Con đường tơ lụa trên biển", tiền thân của cảng thị Hội An vang tiếng nằm ngay phía bên kia...

Cảng xưa, chùa cũ

Mới mờ sáng bến An Lương đã có nhiều thuyền cá cập bến và thuyền đưa khách vượt Thu Bồn sang phường Cửa Đại và phố cổ Hội An. Cảnh trên bến dưới thuyền càng rộn rịp khi hàng chục xe đông lạnh nối nhau chờ lấy cá, công nhân các xưởng cá đưa cá philê ra phơi bên bãi. Trong gió sớm, mùi nước mắm phả ra từ những lò lọc quanh chợ thật ấn tượng.

Bến chợ An Lương nay thuộc thôn An Lương, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, nhưng nhiều người vẫn gọi đây là bến chợ Trung Phường dù Trung Phường nay là một thôn nằm kề dưới An Lương. Tiếng tăm một thời của một cảng thị Trung Phường to lớn bên bờ Thu Bồn đã in đậm trong tâm thức cư dân vùng hạ Thu Bồn dù họ chỉ được nghe kể lại.

“Ông cha mình truyền lại rằng Trung Phường là một thương cảng lớn của người Chăm xưa. Tàu thuyền các nước từ Trung Hoa, Nhật Bản cho đến Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha... thường cập cảng Trung Phường để lấy hàng hóa như tơ lụa, quế, cau, trầm hương cũng như lấy thêm lương thực, nước ngọt...” - lão làng Nguyễn Thọ (91 tuổi) ở sát chợ An Lương kể.

Cảng Trung Phường xưa nằm dưới bến chợ An Lương chỉ chừng dăm trăm mét, là chỗ cuối cùng của hữu ngạn Thu Bồn. Dấu tích cảng xưa còn lại là một âu thuyền bị bồi lấp, nay được gọi là bàu Trung Phường, nằm bên doi cát lớn sát biển - một dâu bể tận cùng do dòng chảy cuồng bạo của con nước Thu Bồn mùa lũ.


< Cầu Cửa Đại - cây cầu cuối dòng Thu Bồn đang được xây để mở rộng đô thị du lịch Hội An sang bờ nam Thu Bồn gồm các xã Duy Hải, Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên).

Kề doi cát biển và bàu Trung Phường nay vẫn là làng mạc với ít nhất năm giếng nước của người Chăm xưa còn lại. Giếng được xây bằng loại gạch mà người Chăm đã dùng để xây tháp, ngâm mình dưới nước ngót ngàn năm nay vẫn không bị hư hại, là nơi cung cấp nước ngọt cho các tàu thuyền cập cảng.

Một di sản của Trung Phường ghi dấu "Con đường tơ lụa trên biển" là ngôi chùa với rất nhiều vật cúng dường từ thương nhân các nước. Qua nhiều lần được trùng tu rồi xây lại, ngôi chùa nay có tên là Thanh Lương nhưng vẫn được quen gọi là chùa Trung Phường. Ông Nguyễn Tấn Ngọc - trưởng ban trị sự chùa Trung Phường - kể ngôi chùa lúc khởi nguyên vốn được xây toàn bằng gạch Chăm, là nơi hành hương, cúng bái của những người đi trên tàu buôn mỗi khi cập cảng.


< Những làng quê bên sông ở các “ốc đảo” Cẩm Kim, Cẩm Nam, Cẩm Thanh đẹp thế này luôn thu hút khách đến.

“Không đếm hết được số tượng những thương nhân nước ngoài tặng cho chùa Trung Phường. Do bị bom đạn trong chiến tranh làm sập chùa, tượng bị mất gần hết. May là pho tượng Đức Thích Ca do thương nhân Nhật tặng còn giữ lại được, còn pho tượng Phật của người Chăm lưu lại thì chỉ còn lại phần đầu. Tiếc lắm...”, ông Ngọc kể.

Phố cổ và những cù lao

Phố cổ Hội An trông đẹp hơn khi đứng từ cồn An Hội nhìn sang. Phần tặng vật độc đáo nhất mà Thu Bồn cho cư dân vùng cuối dòng là những “cù lao” mà khi chảy đến đây sông chẻ dòng ra làm nhiều nhánh rồi tải phù sa về bồi đắp để những bãi cồn được mình bao bọc mỗi năm một rộng lớn thêm.


< Phố cổ Hội An đẹp một phần nhờ đứng cạnh bên sông.

Cồn An Hội nay đường đường là phố phường hiện đại khi được nối liền với phố thị Hội An bằng những cây cầu bắc qua sông Hoài - một nhánh chẻ rất ngắn của Thu Bồn. Theo người dân nơi đây, cồn cũng chỉ mới có được diện tích như bây giờ qua sự bồi đắp phù sa dăm chục năm qua.

Cũng bởi dòng chảy Thu Bồn trào tuôn dữ dội vào mùa lũ, những bến cảng ở cuối dòng sông này thời trước thường mau bị bồi lấp. Thương cảng Trung Phường đã bị xóa sổ trên bản đồ "Con đường tơ lụa trên biển" để nhường chỗ cho Hội An ở phía đối diện. Và rồi thương cảng mới bên sông này lại cũng bị phế bỏ như cảng thị Trung Phường một phần cũng vì vậy.

Cảng mất, nhưng phố thị vẫn còn. Hội An đẹp nhờ có Thu Bồn làm gương cho phố soi hình. Có đi thuyền từ An Lương hay Nồi Rang - những bến đò nằm ở hữu ngạn Thu Bồn, nhìn sang mới thấy cái đẹp của phố thị Hội An bên mép nước một đại giang. Sau ngày Hội An trở thành di sản văn hóa thế giới (1999), lượng du khách đến đây mỗi năm càng tăng.


< Tham quan, mua hàng lưu niệm ở làng mộc Kim Bồng ở “cù lao” Cẩm Kim bên bờ sông Thu Bồn là thú vui của du khách.

Bên cạnh những sản phẩm du lịch nhất định của phố cổ, niềm hứng khởi thêm vào cho du khách chính là đi thuyền trên sông Thu Bồn. Và cũng chính con sông này đã dẫn dắt khách du mở rộng bước chân khám phá, kéo dài thêm thời gian lưu trú của họ khi đến Hội An. Những “cù lao” Cẩm Nam, Cẩm Thanh, Cẩm Kim bên dòng sông lồng lộng đã cho họ những “toa” khám phá thiên nhiên, cuộc sống và con người vùng sông nước, bãi biền kề bên phố thị đầy hấp dẫn.

Từ Hội An, chỉ cần thuê xe đạp hay bách bộ vượt cầu đến Cẩm Nam, Cẩm Thanh hay đi đò sang Cẩm Kim là có thể hưởng được bầu không khí trong lành tỏa ra từ sông nước, bãi biền cùng vườn tược ngát xanh. “Nói thiệt, Hội An mà thiếu các điểm đến này sẽ ít hấp dẫn du khách...”, ông Phạm Đức Bàng, một cư dân Hội An, nói.

Sống cùng Thu Bồn (P2)
Xem thêm >

Theo Huỳnh Văn Mỹ (báo Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 

Sample text

Sample Text

Sample Text

 
Blogger Templates