Pages

Thứ Ba, 12 tháng 11, 2013

Chùa Quốc Ân Tự - Huế

Quốc Ân tự là một trong những ngôi tổ đình danh tiếng và lâu đời bậc nhất tại cố đô Huế. Hiện tại chùa Quốc Ân vẫn còn bảo lưu nhiều dấu ấn văn hóa Phật giáo trong các thời kỳ từ Thuận Hóa đến Phú Xuân và Huế ngày nay.

Chùa thuộc hệ phái Bắc Tông, do tổ sư Tạ Nguyên Thiều khai sơn vào khoảng những năm 1682-1684 với tên ban đầu là thảo am Vĩnh Ân. Chùa là ngôi Tổ đình đầu tiên của phái thiền Lâm Tế từ Trung Quốc truyền sang. Chùa tọa lạc dưới chân đồi Hòn Thiên, số 143 đường Đặng Huy Trứ,  phường Trường An, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.

Chùa do Thiền sư Nguyên Thiều khai sáng vào khoảng cuối thế kỷ XVII, mang tên chùa Vĩnh Ân. Năm 1689, Chúa Nguyễn Phúc Trăn mới đổi tên chùa, ban tấm biển Sắc Tứ Quốc Ân Tự. Chùa được trùng tu năm 1802 và nhiều lần về sau.

Tại chùa có tấm bia ghi bài minh tựa đề là “Sắc tứ Hà Trung Tự Hoán Bích Thiền sư tháp ký minh” dựng vào tháng 4 năm Bảo Thái thứ 10 (năm 1730) có giới thiệu Thiền sư Hoán Bích, người phủ Triều Châu, Quảng Đông, sinh năm Mậu Tý (1648), sang Việt Nam năm Đinh Tỵ (1677) khai sáng chùa Thập Tháp Di Đà, mở rộng Phật giáo. Sau ngài ra Thuận Hóa, sùng tạo chùa Quốc Ân và tháp Phổ Đồng... Thiền sư tịch năm Mậu Thân (1728).

Về mặt kiến trúc hàn lâm (chính thống), chùa Huế mang đậm nét bản sắc văn hoá Đông phương, nhưng dù được xây dựng theo hình gì, cấu trúc chung của một ngôi chùa Huế thường bắt đầu bằng tam quan. Tiếp đó là tiền đường để tiếp khách. Chánh điện là nơi tụng niệm. Hậu tổ - thờ vị khai sơn và các bậc hậu bối. Hai nhà tả - hữu, dành cho việc trọng đại. Trường thất - dành cho vị trụ trì chùa và tăng xá - nơi ở của các thầy. Ngoài ra còn có thiền đường - dành cho thiền hạnh một nơi không thể thiếu dù là chốn tu hành đó là tịnh trù - nhà bếp.

Nằm trong mô típ kiến trúc chung đó, chùa Quốc Ân cũng được kiến trú theo lối chữa "Khẩu". Dãy nhà phía Đông là nhà khách và nhà ăn; dãy đối diện ở phía Tây Nam là Tăng Xá. Bên sau là nhà thờ Linh. Quanh vườn Chùa có khoảng 09 Tháp và nhiều ngôi mộ. Những tháp cổ này rất có giá trị về mặt lịch sử. Đọc các Long Vị (có tổng cộng 27 cái) ở chùa Quốc Ân người ta thấy có ba dòng kệ. Trước hết là các ngài theo dòng kệ của ngài Siêu Bạch có chữ Minh, Thiệt, Tế, Liễu,…đứng trước. Có các ngài theo dòng kệ của Nguyên Thiều có chữ Thành, Phật, Tổ, Tiên, Minh, Như , Hồng,… chen lẫn nhau. Những người có chũ Tế ở trước thì hoặc là đệ tử của ngài Minh Hằng Định Nhiên hoặc là đệ tử của ngài Minh Vật Nhất Tri. Không có ngài nào của dòng kệ Liễu Quán vào trụ trì ở đây.

Khuôn viên chùa rộng khoảng 5.000m², trong đó diện tích xây dựng khoảng 550m². Từ bên ngoài vào ta thấy cổng Tam Quan - được làm theo lối tam quan mở với 4 trụ cột chia làm ba lối đi, mỗi trụ cột có một vế câu đối, bên trên đề ba chữ (Quốc Ân Tự), đi vào một sân thấp rộng. Lên đến sân chùa cao hơn thì ngoài hết ở bên phải người đi vào là bi đình trong đó có tấm bai Quốc Ân, đối diện phía bên trái là bia giống như thế nhưng không có chữ.

Cạnh bia là hai cái Am ở hai bên xây bằng gạch để thờ Thánh Mẫu và Ngũ Hành.  Đến khu chính điện, đây là một ngôi nhà làm theo mô típ truyền thống với 3 gian 2 chái và được xây dựng theo lối kiến trúc "Trùng thềm điệp ốc" - đây là ảnh hưởng theo lối kiến trúc Cung Đình nhà Nguyễn với cách cấu tạo gồm 2 nhà những chung một thềm (nền), trong đó mái sau của nhà trước và mái trước của nhà sau được nối với nhau bằng một hệ thống trần "Thừa lưu" hạ thấp uốn công như hình "Mai cua".

Trong điện Phật còn có bốn vế hai câu đối thếp vàng của Thiên Túng Đạo Nhân ngự đền, bên trên là biển hiệu đề "Sắc Tứ Quốc Ân Tự". Sát vách trong, sau lưng khám có biển đề bốn chữ "Linh Thứu Cao Phong", không đẹp bằng bức hoành cùng bốn chữa ấy, nhưng chính chúa Nguyễn Phúc Chu viết hiện treo ở tiền đường chùa Thiên Mụ.

Long khám chạm trổ rất đẹp, tượng Phật thờ có ba lớp, trên cao có ba pho tượng Tam Thế (quá khứ, hiện tại và vị lai Phật). Lớp giữa thì ở giữa có tượng Thích Ca lớn tay bắt ấn Tam Muội, bên trái người đứng lễ có tượng Chuẩn Đề có nhiều tay, bên phải có tượng Quan Âm. Phía trước hết có ba tượng đồng, hai bên có hai tượng giấy lồng kính quay mặt lại với nhau.

Gian trên thờ Đại Tạng, gian dưới thờ Quan Thánh. Mỗi bàn thờ đều có hai vế đối. Phái sau là nhà thờ tổ, bàn chính giữa có một Tiếu Tượng rất lớn và năm Long Vị để trong Long khám. Hai bên, mỗi bàn thờ đều có hai hàng Long Vị. Hàng trong cao hơn, mỗi bên có năm bài vị cổ trình bày đơn giản, hàng ngoài thấp hơn, mỗi bên có sáu Long Vị chạm trổ tỉ mỉ.

Chùa hiện lưu giữ được nhiều tượng khí và pháp khí xưa quý từ thời khai sơn cho đến nay. Đó là bộ tượng Tam Thế Phật, tượng Phật Thích Ca được chú tạo vào khoảng năm 1851. Ngoài ra, chùa còn lưu giữ chiếc khánh đồng có hoa văn rất đẹp đúc từ thời Minh Mạng và nhiều pháp bảo, pháp khí khác như đại hồng chung, bia ký...

Ngày nay, đến chiêm bái tham quan chùa Quốc Ân, chúng ta như đi vào một bảo tàng thu nhỏ trưng bày thờ tự nhiều tượng khí, pháp khí mang những dấu ấn văn hóa đặc trưng của Phật giáo xứ Đàng Trong nói chung và xứ Thuận Hóa nói riêng. Cũng chính vì lẽ đó, ngày 8-10-1993 UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã ra quyết định số 1046 bảo vệ chùa Quốc Ân.

Du lịch, GO! tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 

Sample text

Sample Text

Sample Text

 
Blogger Templates