Pages

Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

Chạm đỉnh Mẫu Sơn

Cách Thủ đô Hà Nội chưa đầy 200km đường đến với Mẫu Sơn, đỉnh núi mệnh danh là 'Nóc nhà Đông Bắc'. Gần 100 năm trước, người Pháp đã phát hiện ra Mẫu Sơn như một viên ngọc được giấu kín giữa rừng già và họ muốn biến đỉnh núi linh thiêng này thành khu du lịch lý tưởng.

Gọi chung là 'Mẫu Sơn' nhưng kỳ thực nơi đây là một quần thể núi vây quanh gồm hàng trăm ngọn núi lớn nhỏ. Đường lên Mẫu Sơn có gần 2/3 chặng không mấy hấp dẫn, cũng bởi chính cái sự 'phẳng phiu' trong giai đoạn đầu. Thế nhưng, chỉ cần 20km cuối cùng trên con đường lên núi cũng đủ để bù đắp cho tất cả những cảm xúc buồn tẻ kể từ khi xuất phát đến chân núi.

Nơi đây không chỉ có núi, có những cung đường đèo uốn lượn quanh co vào bậc nhất nước mà còn có băng tuyết, một thứ vốn rất hiếm có ở Việt Nam nhưng lại thường xuất hiện trên đỉnh núi cao chót vót này.

Mẫu Sơn là vùng núi cao chạy theo hướng Đông-Tây, nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Lạng Sơn - thuộc địa phận của 3 xã: Mẫu Sơn, Công Sơn (huyện Cao Lộc) và Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình). Nơi đây có độ cao trung bình 800 - 1.000m so với mặt nước biển, bao gồm một quần thể 80 ngọn núi lớn nhỏ với đỉnh cao nhất là Phia Po (núi Cha, cao 1.541m, còn gọi là đỉnh Công hay Công Sơn - nơi đặt cột mốc 42, biên giới Việt - Trung), ngoài ra còn có đỉnh Pia Mê (núi mẹ, cao 1.520 m).

Bản Khuổi Tẳng thuộc xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, Lạng Sơn gồm 36 hộ người Dao là khu dân cư sống rải rác gần khu rừng trồng thuộc vành đai thấp với độ cao 700m so với mặt nước biển. Mẫu Sơn là đỉnh cao đầu tiên đón những đợt gió mùa đông bắc thổi vào. Do vậy, người dân bản này dường như đã quen với cái rét buốt nhất cả nước, nhất là trong những ngày trắng, những ngày phủ đầy băng giá.

Nhiệt độ trung bình ở Mẫu Sơn là 15,5°C. Mùa đông, nơi đây luôn có mây mù bao phủ, những ngày sương giá còn có tuyết rơi. Mùa hè, nắng vàng rực rỡ trong cái lạnh se se như dát mật. Còn mùa xuân, cả vùng Mẫu Sơn hồng rực trong sắc hoa đào. Không khí trong lành, nhẹ nhõm và thiên nhiên phóng khoáng, nguyên sơ nên Mẫu Sơn là nơi lý tưởng để nghỉ ngơi và thư giãn sau những ngày làm việc căng thẳng.

Đường lên núi uốn khúc, quanh co, dựng ngược với độ dốc khiến những tay lái nhiều kinh nghiệm cũng không khỏi sởn da gà. Một bên là vách núi, một bên là thung lũng. Nhiều đoạn đường gấp khúc như khuỷu tay gập. Thi thoảng ở phía gần đỉnh núi, trên những phần đất rộng hiếm hoi bên lề đường có những khu nghỉ dưỡng do người Pháp đã xây dựng từ hàng trăm năm trước.

Tại đây có những mái nhà, gờ đá rêu phong, hoang phế nhưng vẫn mang trong nó dáng dấp của những ngôi biệt thự cổ mang phong cách kiến trúc Pháp từ những thế kỷ trước đã tạo cho Mẫu Sơn vẻ hoang sơ hiếm gặp.

Các ngọn núi cao nhất của Mẫu Sơn đứng cạnh nhau có tên gọi là núi Cha, núi Mẹ, núi Con và núi Cháu, riêng núi Mẹ, ngọn núi có hình dáng người đàn bà mất đầu. Tương truyền rằng, người chồng, sau chinh chiến trở về, do nghe lời đơm đặt rồi ghen tuông đến điên dại đã rút gươm sát hại người vợ chung thủy của mình. Sau này dù người chồng ăn năn hối hận thì nỗi oan khuất của người vợ vẫn sừng sững tạc vào đá núi.

Không chỉ có những phế tích, những cung đường hay những câu chuyện huyền thoại, Mẫu Sơn còn nổi tiếng với các sản vật chè tuyết sơn, gà sáu cựa, chanh rừng, ếch hương, lợn quay, rượu Mẫu Sơn, đào chuông Mẫu Sơn, dịch vụ tắm thuốc của đồng bào Dao... và những nét hấp dẫn đặc trưng của cộng đồng người Dao, Nùng, Tày ở xung quanh đỉnh núi cao đặc biệt này.

Rượu Mẫu Sơn thơm ngon, trong vắt như nước suối, dịu nhưng đậm đà lại không quá cay nồng mà cũng không quá nhạt, mang hương vị đặc trưng, thơm dịu của lá cùng rễ cây thuốc miền núi Xứ Lạng. Rượu Mẫu Sơn do chính tay những người dân tộc Dao sống trên đỉnh Mẫu Sơn chưng cất ở độ cao 800 -1000m so với mặt biển bằng phương thức truyền thống được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Hễ ai đã từng một lần đến Mẫu Sơn, thưởng rượu nơi đây thì mãi không thể quên được.

Đào Mẫu Sơn có vị thơm đến lạ, để mấy hôm cả quần áo, đồ dùng trong nhà lúc nào cũng phảng phất mùi đào. Nói như Phúc Lỷ thì 'đào Mẫu Sơn ăn không giấu ai được', không ăn vụng được. Vì đào Mẫu Sơn quý như thế nên trên thị trường có không ít đào nhái. Vậy nhưng những người sành đào Mẫu Sơn vẫn cứ nhận ra quả đào nơi khác chuyển đến to hơn, ăn thì cứ sồn sột mà ít vị.

Đêm trên Mẫu Sơn, trước tiên hãy thư giãn và ngâm mình trong bể tắm lá thuốc dân tộc của người Dao, ăn tối và thưởng thức trà San Tuyết - một loại trà chỉ sinh tồn ở trên vùng núi cao của hai huyện Cao Lộc và Lộc Bình. Mua vài gánh củi của người dân tộc và đốt lên ngọn lửa trại ấm áp trên sườn núi...
Có lẽ, đã đến Mẫu Sơn một lần thì sự ấn tượng với vùng đất này rất khó phải nhòa trong ký ức của những người thích lãng du.

Du Lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 

Sample text

Sample Text

Sample Text

 
Blogger Templates