(Tiếp theo) - Kê Gà là nơi bọn mình đã ghé thăm nhiều lần, thậm chí đã có lần len theo bãi biển đến tận mũi đá đối diện hòn đảo có hải đăng trong một ngày đẹp trời, triều thấp.
< Bãi đá Kê Gà cạnh biển nhìn từ hướng Đông. Trông vậy nhưng lớn lắm đấy, bạn thấy chấm nhỏ ở chân hòn đá cao? đó là bóng một người.
Hướng nhìn thông thường là từ đây: ta sẽ thấy một vùng biển yên bình, những bãi đá lô nhô phía xa. Ngoài ra, cũng có một hướng độc đáo khác mà ngày nay, địa phương đã tạo điều kiện dễ dàng cho du khách bằng con đường rải đá chạy thẳng ra biển.
< Vài dốc ngắn khiến ta phải leo và trèo do nơi đây như một quả đồi thấp. Hải đăng Kê Gà đã thấp thoáng phía xa xa.
Vậy nhưng đó là chuyện sẽ kể trong những bức ảnh trong bài này, còn tiếp theo đây mà mình sẽ đề cập tới địa danh Kê Gà trước đã.
< Đá và biển là đặc sản của Kê Gà.
Ở Bình Thuận, nếu Phan Thiết - Mũi Né nổi tiếng với những bãi biển đẹp, bãi cát dài mịn màng thì cách đó tầm 20km về hướng Đông là Mũi Kê Gà với nhiều bãi đá kỳ lạ với các phiến đá được thiên nhiên sắp đặt thành đủ hình thù gợi sự hiếu kỳ cho du khách.
< Đá trông như bức tường thành ngăn cách đất liền và biển, trông như những lỗ châu mai.
< 'Chúa tể của những chiếc nhẫn'.
Người dân bản địa từ lâu đã ví von những bãi đá tại Kê Gà này như một vườn đá.
Hầu như ai cũng tò mò về cái tên Kê Gà, đã “kê lại còn gà”? Kê Gà hay còn gọi là Khe Gà, cái tên này ra đời cũng bởi những tảng đá ấy lấn dần ra biển, rồi không biết bàn tay ma thuật nào đã vô tình xếp dặt chúng thành hình dáng trông gần như cái đầu gà. Dòng nước chảy xiết bao quanh những phiến đá trông như những dải mây bồng bềnh ôm ấp ngọn núi.
< Những rặng đá quanh co như rắn bò với tảng đá trung tâm đứng sừng sửng: trên ấy có vài người đang chụp ảnh đám cưới - bọn mình chậm chân!
< Đá nơi đây trông khác đá tại bãi Đá Nhảy cách đây vài cây số. Đá Nhảy thì các mũi đá nghiêng về cùng một hướng.
Dù cho những khu nghỉ dưỡng ngày nay cứ lần lượt mọc lên nhưng Mũi Kê Gà vẫn giữ được nét hoang sơ, bình dị vốn có của thiên nhiên vùng biển với những rặng thùy dương và phiến đá hoa cương kỳ lạ. Mũi Kê Gà có thể ngắm nhìn và thưởng lãm từ cả 2 vị trí:
< Hải đăng Kê Gà đây, hồi sau chụp ở góc cạnh gần hơn sẽ thấy công trình này nằm trên đảo, xung quanh là biển.
Trong Sổ tay địa danh Việt Nam 2002 ghi địa danh Kê Gà và Kê Dữ tức đảo Gà.
< Một góc nhỏ của thảo nguyên, nơi 'ít đá' nhất.
- Một là ở Đông - Bắc: từ tỉnh lộ 719, sau khi vượt ngang bãi Đá Nhảy (Blue World resort gần kề) - Khi chưa đến các quán Cây Dừa và Trọng Tâm, ta sẽ thấy phía trái có con đường rải đá rộng hướng ra biển. Theo con đường này, bạn sẽ đến một bờ biển đẹp: vắng khách trong ngày thường. Cạnh đó là một bãi đá rất rộng lớn, nơi mà chỏm đá cao nhất có thể đến 30m (so với mặt biển). Từ đây, ta sẽ nhìn thấy hải đăng Kê Gà ở hướng chính Nam, cao sừng sửng trên đảo với nước biển vây quanh trong tiếng sóng vỗ ì ầm.
< Hòn đá trung tâm, xem vậy chứ nó cao không dưới 30m so với mực nước biển đấy.
- Hướng nhìn thứ 2 từ miệt phía Tây, nơi có các quán Cây Dừa và Trọng Tâm với lối vào đường dân sinh. Đây là hướng thông thường mà bạn vẫn thấy hình hải đăng Kê Gà trên internet theo góc cạnh này. Nơi đây ta có thể thuê thuyền thúng ra đảo, nếu muốn ngủ lại tại hải đăng thì ta sẽ phải đăng ký trước.
< Từ trên này, zoom gần một tý vẫn thấy cái chòi là có chiếc Win của mình và con xế 4 bánh của những bạn chụp ảnh cưới.
< 'Ngòi bút' của Trời. Bóng người trên ấy là cô dâu, có vẻ đã chụp ảnh xong, giờ ngồi hóng mát.
Trước khi ra đảo để tham quan hải đăng thì bạn hãy khám phá một vòng những bãi đá này đã. Độc đáo là cho dù bạn đi Kê Gà theo hướng Đông hay Tây đều đến được bãi đá đẹp... và cả hai bãi đá lại hoàn toàn khác nhau nhưng có đặt điểm chung là bãi đá nào cũng có hàng ngàn những tảng đá lớn, thậm chí rất lớn nằm chồng chất lên nhau thành đủ mọi hình thù.
< Mình chụp bà xã.
.
Ở bãi đá phía Tây, khách du lịch sẽ đi theo bãi biển về hướng Đông (hướng hải đăng) để đến được bãi đá. Tuy nhiên khi triều cao, nước dâng ngập tràn các bãi... thì đa phần bãi đá sẽ bị nhấn chìm trong làn nước biển. Đá tại đây có độ lớn trung bình, nằm chen giữa bãi cát. Có những tảng đá như chiếc giường khổng lồ, vững chải nhìn trời đất bao bao ngàn năm qua. Tại đây thấy rất rõ hải đăng Kê Gà trên đảo.
< Và nửa kia chụp lại thế này.
.
Nếu khéo nhìn, bạn cũng sẽ thấy con đường mòn lên ngọn đồi thấp dẫn qua phía chỏm Đông, nơi ấy sẽ cho ta một góc nhìn khác hẳn.
< Từ đây nhìn thấy rõ hải đăng Kê Gà.
.
Ở bãi đá phía Đông, sau khi vào hết con đường đá sẽ thấy bãi biển. Từ nơi này, bạn sẽ leo lên một vùng đồi thấp phủ cây bụi như một thảo nguyên rộng lớn. Cũng như bãi đá phía Tây, đá tại đây quy tập thành từng cụm đủ mọi dáng hình. Trong đó đặc sắc nhất là cụm đá ở trung tâm với hòn đá khổng lồ hướng thẳng lên trời, chồng chất lên nhau. Quanh đó là những cụm cây bụi xanh rờn tô điểm thêm màu sắc cho phong cảnh.
< Còn chỗ mình đứng thì thấy rõ phần bãi đá trên biển.
< Vậy nhưng vẫn còn lối mòn xuống bãi đấy.
Những cụm đá tại Kê Gà vừa là chốn cho những bạn thích săn ảnh đẹp, cũng là nơi chụp ảnh cưới đặc sắc. Đây cũng là chốn mà các cần thủ có thể thả câu để tìm cho mình những con cá óng áng bạc, tươi roi rói.
< Nơi nhìn rõ nhất đảo Kê Gà, phía trên là hải đăng cùng tên. Nếu cứ men theo rìa đá sẽ qua phương đối nghịch, tức là nhìn thấy hải đăng ở bên kia - phần biển có quán Cây Dừa và Trọng Tâm.
Đến thăm Mũi Kê Gà thì không nên bỏ lỡ ngọn hải đăng nổi tiếng nằm cách bờ không quá 500m. Đây là ngọn hải đăng cổ nhất Đông Nam Á, cũng là ngọn hải đăng cao nhất khu vực do người Pháp xây dựng từ năm 1897 và hoàn thiện năm 1899 - công trình được thiết kế bởi kỹ sư người Pháp Chnavat.
< Bãi đá và cát nhìn từ biển.
Mọi vật liệu để xây hải đăng đều do người Pháp vận chuyển từ Pháp sang. Theo sử cũ, mũi Kê Gà được coi là một vị trí cực kỳ hiểm yếu của vùng biển từ Phan Rang đi Vũng Tàu. Ngay từ các thế kỷ trước đã có rất nhiều thuyền buôn qua lại nơi đây bị đắm do không xác định được tọa độ, vị trí. Để đáp ứng nhu cầu vận tải của quân đội Pháp cũng như tàu buôn của nước ngoài qua đây, người Pháp đã nghiên cứu và cho xây dựng ngọn hải đăng Kê Gà.
< 'Nửa kia' trên bãi đá. Đá ở đây thì nhiều vô kể.
Ngày nay, trên ngọn tháp có bóng đèn lớn 2.000W, bán kính quét sáng là 22 hải lý tương đương 40km dùng làm tín hiệu hướng dẫn tàu bè qua lại.
< To nhỏ, đủ mọi hình thù - bao năm vẫn nằm đó chống chọi với biển.
Hải đăng có gần 200 bậc thang xoáy trôn ốc với tổng chiều cao đến đỉnh đèn là 65m (nhiều nguồn thông tin khác nhau). Những bậc thang xoáy trôn ốc liên tục và không có chiếu nghỉ ở lưng chừng làm nhiều du khách phải hụt hơi khi leo lên đây.
Không ít người đã bỏ cuộc... nhưng nếu đã kiên trì cố gắng leo lên cao, khi những ô cửa kính bắt đầu xuất hiện, thì cũng là lúc những nỗ lực của du khách được đền đáp.
< Trên nền trời xanh, bãi đá Kê Gà bổng như rực rỡ hơn, nổi bật hơn giữa một vùng đất mà suýt chút nữa đã trở thành cảng Kê Gà.
.
Mát lòng khi nhìn qua những ô cửa kính nhỏ ấy, ta sẽ nhìn thấy biển xanh thăm thẳm, đường uốn lượn xa xa cùng một vài con thuyền bình yên, thấp thoáng ngoài khung cửa - trông thơ mộng như những bức tranh phong cảnh hữu tình.
< Đi nhiều, đến đây cũng nhiều nhưng tình thật, bọn này chưa từng theo thúng ra hải đăng - chung quy cũng chỉ vì kinh phí đi có hạn. Mà thôi, cũng là chút 'sự cao cao' mà, theo đường lên các núi còn cao hơn nhiều chục lần.
< Thỏa chí rồi thì trở lên. Nhìn 'ngòi bút của Trời' vẫn còn nhóm chụp ảnh cưới trên ấy thì ta nào có thể lên chung, vậy nên đành thôi.
.
Và khi đã leo lên đến đỉnh của ngọn hải đăng, bước chân ra lan can đài quan sát thì du khách mới thực sự vỡ òa, choáng nghợp trước khung cảnh bát ngát lồng lộng bên ngoài. Đứng trên đài cao, nghe gió lồng lộng thổi giữa bao la đất trời, thấy lòng mình hùng tráng một tình yêu quê hương.
< Đá cao đá lạ của người,
Ta thì đá thấp do người đến sau.
< Nửa kia 'lần lữa' thêm tý nữa...
.
Từ trên đài quan sát của hải đăng nhìn xuống, không những được nhìn toàn cảnh mũi Kê Gà mà du khách còn có thể nhìn ngắm toàn cảnh đảo với vô số phiến đá xếp chồng lên nhau vô cùng ngoạn mục. Những phiến đá to, nhỏ, đủ loại kích thước, hình thù, sắp xếp một cách ngẫu nhiên dưới bàn tay của tạo hóa - đá là một trong những 'đặc sản' của Kê Gà mà!
< ... để chụp thêm tấm này.
Những người dân sống kề cận đèn biển luôn sẵn sàng dùng thuyền thúng đưa khách du lịch đến thăm hải đăng. Chạng vạng, người dân bản địa thường đánh bắt hải sản gần bờ và họp chợ dọc bờ biển, đây là vùng biển độc đáo mà nếu có đi ngang qua, bạn không thể bỏ qua cơ hội viếng thăm được.
< Còn mình cũng vậy:
Đốt thời gian ta làm dăm ba tấm,
Thừa giờ thừa giấc nên người chả muốn về.
Chụp cảnh thiên nhiên nhưng có người thì chịu, vả lại chỗ đá trên ấy cũng không đủ rộng cho nhiều người...
< Vậy nên bọn mình trèo xuống, tìm lối trở ra.
< Trở ra nhưng vẫn vừa lòng. Ít ra, với bọn mình thì đây cũng là lần đầu tiên được nhìn thấy Kê Gà với một hướng khác hẳn mọi lần. Bét nhất cũng biết nơi đây không chỉ có MỘT bãi đá đẹp mà nhiều hơn...
< Con xế còi của mình vẫn thầm lặng trong chòi lá, 'mông' mang túi đeo nặng trĩu. Anh tài xế của xe kia thì nằm dài trên tấm trải dưới đất, ngáy dài...
< Chụp thêm tấm ảnh bãi đá, bãi biển rồi mang nón bảo hiểm, mang kiếng vào và trở đầu xe quay ra.
Lúc này bổng thấy nhóm chụp ảnh trên kia lót tót đi xuống!
Pó tay, nhưng Trời khiến chỉ thế thôi.
< Trở ra rồi thì đi. Dẫu gì cũng đã có người 'giữ xe' cho mình (bác tài xe hơi) trong cả giờ qua. Nhủ thầm sau này có ghé lại lần 2 cũng còn chốn bước chân với leo trèo: xem như chút của để dành!
Ra lộ, chỉ vừa chạy thêm tầm trăm mét là đến quán Cây Dừa, Trọng Tâm. Chốn ni đã ghé vài lần, không ghé nữa vì 'tiền mua ghế' cứ tăng dần - 'Làm du lịch' phải thế thôi.
Còn Tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần cuối
Điền Gia Dũng
Du lịch, GO!
Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét