Sông Kỳ Cùng là con sông chính ở tỉnh Lạng Sơn, chảy sang Trung Quốc và là một chi lưu của sông Tây Giang.
Có du khách từng nói, đến Lạng Sơn là đến với vùng đất có nhiều cái 'Kỳ', ý muốn nói đến chính là các địa danh: Phố chợ Kỳ Lừa và sông Kỳ Cùng. Ngoài ra theo sử sách, xưa kia, mọi người còn nhắc đến một ngọn núi có tên là núi Kỳ Cấp gắn với sự tích tên gọi Kỳ Lừa. Tuy nhiên, hiện nay, chỉ còn có địa danh phố chợ Kỳ Lừa và sông Kỳ Cùng là được nhắc đến nhiều. Đây là những địa danh đang hiện diện cùng với những đổi thay, phát triển từng ngày của quê hương xứ Lạng, của thành phố trẻ Lạng Sơn – thành phố của thương mại, du lịch và dịch vụ đang trên đà khởi sắc, điểm dừng chân đầu tiên, điểm nhấn của du lịch Lạng Sơn.
Bắt nguồn từ vùng núi Bắc Xa cao 1.166 m thuộc huyện Đình Lập tỉnh Lạng Sơn Việt Nam, sông Kỳ Cùng thuộc lưu vực sông Tây Giang (Trung Quốc). Dòng sông chảy theo hướng đông nam - tây bắc qua thành phố Lạng Sơn.
Hình ảnh con sông Kỳ Cùng uốn lượn, nằm giữa lòng thành phố như một dải lụa mềm thơ mộng khiến cho thành phố thêm rộng hơn. Với người dân Lạng Sơn, trong suy nghĩ dân gian từ trước tới nay thì bên phía bờ Bắc sông Kỳ Cùng thường gọi là “bên Kỳ Lừa”, còn bên phía bờ Nam sông Kỳ Cùng gọi là “bên Tỉnh”.
Cách gọi này cũng không có gì là khó hiểu vì hiện tại, bên tỉnh cũng chính là nơi tập trung các cơ quan, ban, ngành hành chính của tỉnh; có Chợ Chi Lăng, song người dân vẫn quen gọi là “Chợ tỉnh” là thế. Còn bên Kỳ Lừa, hiện vẫn còn phố chợ Kỳ Lừa với Chợ đêm Kỳ Lừa, một điểm dừng chân, du lịch mua sắm thú vị của đông đảo du khách.
Hiện nay, bắc ngang qua dòng sông Kỳ Cùng, đoạn sông giữa lòng thành phố, có 3 chiếc cầu là cầu Kỳ Lừa, cầu Đông Kinh và cầu Ngầm. Trong đó, cầu Kỳ Lừa được coi như chiếc đòn gánh, gánh hai bên Kỳ Lừa và bên Tỉnh. Cây cầu thực sự là một hình ảnh đẹp, mang nhiều ý nghĩa văn hóa. Từ phía Hà Nội thẳng theo đường Hùng Vương vào thành phố, du khách sẽ thấy và đi qua chiếc cầu này.
Chảy qua thành phố này khoảng 22km về phía tây bắc, dòng sông trở mình chảy gần như theo hướng nam - bắc tới thị trấn Văn Lãng rồi lại đổi hướng thành đông nam - tây bắc trước khi rẽ sang hướng đông ở gần thị trấn Thất Khê.
Từ thị trấn Thất Khê, dòng Kỳ Cùng chảy gần như theo đường vòng cung, đoạn đầu theo hướng tây tây bắc - đông đông nam tới Bi Nhi, từ đây nó vượt biên giới sang Trung Quốc và dần đổi hướng thành tây tây nam - đông đông bắc để hợp lưu với sông Bằng Giang tại thị trấn Long Châu, Quảng Tây, Trung Quốc, thành sông Tả Giang, chi lưu phía nam của sông Úc Giang trong hệ thống tạo thành sông Tây Giang.
Đoạn chảy trên đất Việt Nam dài khoảng 243km, diện tích lưu vực: 6.660km². Từ biên giới Việt-Trung sông chảy trên đoạn dài khoảng 55km tới Long Châu. Đây là con sông duy nhất ở miền Bắc Việt Nam chảy theo hướng đông nam - tây bắc sang Trung Quốc.
Sông Kỳ Cùng có các chi lưu chính là sông Bắc Giang và sông Bắc Khê, cả hai sông này đều hợp lưu gần Thất Khê, cũng như sông Ba Thín hợp lưu gần thị trấn Lộc Bình.
Hình ảnh con sông Kỳ Cùng không chỉ có ý nghĩa trong việc tạo không gian, cảnh quan cho phát triển đô thị hiện đại, mà nó còn mang ý nghĩa văn hóa, thực sự là một hình ảnh đem lại nhiều ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách, khiến ai đến Lạng Sơn cũng đều háo hức, muốn dừng chân ghé thăm địa danh này.
Du lịch, GO!
Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2013
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét