(ĐVO) - U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang) là khu căn cứ địa cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Thế nhưng, ngày nay U Minh Thượng là điểm đến hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ nhưng độc đáo của rừng tràm.
< Vườn quốc gia U Minh Thượng với vẻ đẹp hoang sơ và độc đáo của rừng Tràm.
Về tới ngã ba Rạch Sỏi (Kiên Giang), theo quốc lộ 61 tới thị trấn Minh Lương, qua phà Tắc Cậu, đi theo quốc lộ 63 tới chợ Thứ 7, rẽ trái về ấp Cạn Ngọn, xã Thanh Yên, huyện An Biên (Kiên Giang) là tới Vườn quốc gia U Minh Thượng.
< Du khách có thể tham quan tận sâu trong vùng lõi rừng bằng vỏ lãi.
Từ tháng 4/2004, vườn quốc gia này bắt đầu khai thác du lịch và mở dịch vụ câu cá trong rừng. Câu cá cả ngày chỉ mất 40.000 đồng/người. Nếu không câu, khách có thể thuê vỏ lải của khu du lịch vào sâu trong các trảng lớn của rừng với giá 20.000 đồng/người.
Đúng 5 giờ sáng, phòng vé mở cửa bán vé vào rừng. Đến đây, các hướng dẫn viên sẽ đưa du khách đi sâu vào vùng lõi của rừng để câu cá hoặc tham quan. Từ bến ghe vào một điểm câu trung bình mất khoảng hơn 1 giờ đồng hồ qua các kênh rạch chính. Hai bên dọc bờ kênh là rừng lau sậy ngút ngàn, rừng tràm thăm thẳm trong mây. Người mới đến lần đầu sẽ có cảm giác lạc lõng, nhỏ bé trong một thế giới mênh mang. Càng đi càng thấy rộng lớn, không một bóng người. Chim, cá tự do sinh sôi nảy nở, đời này qua đời khác.
< Một khách câu tận sâu trong lõi rừng U Minh Thượng.
Một hướng dẫn viên du lịch của Vườn quốc gia U Minh Thượng, cho biết khách du lịch câu cá phần lớn tự mang theo câu, mồi. Cá câu được, du khách mang về hoặc ăn tại chỗ. Họ có thể dễ dàng câu được cá rô gai cỡ lớn xấp xỉ 200 gram. Cá lóc nhiều con to bằng bắp chân, nặng 3 - 4kg.
Du khách sẽ có cảm giác như sống lại thời khẩn hoang khi ngồi dưới tán rừng tràm nướng cá lóc, rắn bông súng chấm với muối hột đâm nát, dầm ớt hiểm xanh ăn lai rai. Rau rừng ở đây rất phong phú, du khách có thể tìm hái lá sen non, bông súng ma, bông lục bình,...
< Chim, cá tự do sinh sôi nảy nở, đời này qua đời khác ở U Minh Thượng.
Tuy nhiên, theo ý kiến của một cán bộ tại đây, chỉ sợ cá không kịp sinh sản để phục vụ nhu cầu săn cá cho du khách. Lúc mới mở cửa, du khách có thể dễ dàng câu được cá lóc 3 - 4kg/con nhưng nay cá lớn dần hiếm hơn. Vườn quốc gia cần phải dành riêng một khu vực cấm săn bắt để đàn cá có điều kiện sinh sản, phục hồi.
Một vấn đề nhức nhối khác khi mở cửa cho du khách tham quan khiến Vườn quốc gia U Minh Thượng đang tràn ngập rác thải, nhất là vỏ chai đựng nước uống và túi nylon. Đây là hai loại rác rất khó phân hủy. Ban quản lý cũng đã có những biển cảnh báo để du khách ý thức với việc vứt rác thải nhằm bảo tồn khu rừng nguyên sinh.
< Cá câu được có thể nướng ăn tại chỗ.
Nếu không câu, khách có thể thuê vỏ lải của khu du lịch đến các trảng lớn trong rừng thăm láng dơi, láng chim với giá 20.000 đồng/người. Một cán bộ Vườn quốc gia U Minh Thượng cho biết, vườn quốc gia U Minh Thượng rộng 8.036 ha, hiện bảo tồn 186 loài chim trong hơn 500 loài động vật, trong đó có rái cá lông mũi, mèo cá, dơi ngựa lớn, sóc lửa, sóc đuôi ngựa,...Du khách đến đây có thể nghe chim kêu, vượn hót.
Hiện bình quân Vườn quốc gia U Minh Thượng tiếp đón, phục vụ khoảng hơn 2.000 du khách/tháng. Qua từng năm, số lượng du khách đến đây cứ tăng dần lên.
< Không lấy gì ngoài những bức ảnh, không để lại gì ngoài những dấu chân.
Du khách đến đây có thể nghỉ lại các khu nhà nghỉ, khách sạn ngay tại ấp Công Sự, xã An Minh Bắc (huyện U Minh Thượng), hoặc nghỉ ngay trong những tum nhà trọ giữa rừng. Khi đêm về, ngồi quanh bếp lửa hồng trong rừng tràm hay ngả lưng trên chiếc ghế mây của khu nhà sàn ẩm thực, du khách sẽ được nghe những người dân địa phương, những “lão lâm” một thời ngang dọc trên những cánh rừng bạt ngàn tràm hoang, lau sậy kể chuyện đường rừng.
Giữa rừng khuya hoang vắng lạnh lẽo, bên ánh lửa bập bùng nghe tiếng gió thổi vi vu qua đồng bưng, đầm lầy cùng với thi thoảng tiếng chim kêu, khỉ hú, du khách như thấy lại thời quá khứ, thuở tiền nhân ta khai khẩn đất phương Nam.
Xem nguồn >
Theo Bình Nguyên (báo Đất Việt)
Du lịch, GO!
Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét