(TNO) - Trung bình, mỗi ngày quán chuẩn bị khoảng 6 món ăn gồm luộc, xào, kho và canh, đôi khi còn có cả chuối tráng miệng và sữa đậu nành miễn phí cho khách.
Thời gian gần đây, thông tin về quán cơm giá 3.000 đồng được những người bán vé số, làm hồ, làm thuê… ở khu vực huyện Hoà Thành truyền tai nhau rầm rộ. Câu nói thường nghe nhất khi nhắc đến quán cơm này là: “Ông/bà mà đến quán này thì ăn no căng bụng cũng chỉ tốn có 3.000 đồng thôi!”.
Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi dễ dàng tìm thấy quán cơm Tình thương 3.000 đồng nằm trên đường Phạm Hùng thuộc xã Long Thành Trung, huyện Hoà Thành (gần Trung tâm Y tế huyện Hoà Thành, tỉnh Tây Ninh). Quán cơm này được hình thành từ ý tưởng của vợ chồng anh Đặng Quý Nhân (46 tuổi) và chị Nguyễn Thị Lan (38 tuổi), nhà ở ấp Long Thới, xã Long Thành Trung.
Trước đây, vợ chồng anh Nhân đi làm ăn xa, khoảng 3 năm gần đây, vợ chồng anh Nhân đến thuê mặt bằng trên đường Phạm Hùng để mở cửa hàng bán đồ điện gia dụng. Vốn xuất thân từ gia cảnh nghèo khó nên vợ chồng anh Nhân rất cảm thông với những người nghèo, bất hạnh trong xã hội. Khi công việc làm ăn ổn định, có chút của dư, vợ chồng anh Nhân bắt tay vào làm từ thiện bằng cách quyên góp tiền cho chùa hay hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người nghèo, tổ chức bữa ăn miễn phí cho bệnh nhân trong Bệnh viện Y học cổ truyền Tây Ninh.
Gần đây, để giúp người nghèo một cách cụ thể hơn, anh Nhân và chị Lan đã quyết tâm mở một quán cơm từ thiện ngay cạnh cửa hàng điện gia dụng của gia đình. Quán cơm Tình thương 3.000 đồng chính thức khai trương từ ngày 10.9.2013 (nhằm ngày mùng 6 tháng 8 âm lịch). Anh Nhân đã bỏ ra khoảng 20 triệu đồng mua sắm bàn ghế, dụng cụ nấu ăn, các thứ gia vị… chưa kể vốn lưu động để mua nguyên liệu.
Hằng ngày, quán cơm bắt đầu phục vụ từ 10 giờ sáng cho đến 16 giờ chiều. Mỗi tháng quán chỉ nghỉ bán vào ngày mùng 2 và 16 âm lịch. Giá bán thống nhất của quán là 3.000 đồng/suất ăn - kể cả ăn tại chỗ hay mua đem về.
Trung bình, mỗi ngày quán chuẩn bị khoảng 6 món ăn gồm luộc, xào, kho và canh, đôi khi còn có cả chuối tráng miệng và sữa đậu nành miễn phí cho khách. Để quán cơm hoạt động nề nếp, chị Lan lập ra một bảng nội quy gồm thời gian phục vụ, giá cả, quy định đối với khách hàng.
Tiêu chí của quán là mọi khách hàng đều được phục vụ công bằng như nhau, người nào đến trước phục vụ trước, ưu tiên người già, người tàn tật, bà mẹ mang bầu… Đối với người phụ việc trong quán, chị Lan cũng yêu cầu phải nhã nhặn, vui vẻ, ăn mặc gọn gàng, sạch sẽ, nói năng nhỏ nhẹ với khách… Đặc biệt, theo quan điểm của chủ quán, nhân viên không được gợi ý hay cố ý dùng lời lẽ để vận động, xin tài trợ, hỗ trợ từ khách hàng.
Chia sẻ về vấn đề này, chị Lan tâm sự, khi quán khai trương cũng có không ít người có nhã ý muốn cùng quyên góp tiền bạc và gạo để giúp đỡ người nghèo, nhưng vợ chồng chị đã từ chối vì chỉ chủ trương sử dụng nguồn tài chính gia đình. Mặc dù không nhận bất cứ sự ủng hộ nào, nhưng chị Lan vẫn thường được bà con hàng xóm gửi cho một số rau củ cây nhà lá vườn để chế biến thức ăn. Đồng thời, một số tiểu thương ở chợ ủng hộ quán cơm Tình thương bằng cách bán hàng hoá cho chị Lan với giá phải chăng.
Sau hơn một tháng đi vào hoạt động, quán cơm Tình thương 3.000 đồng đã trở thành địa chỉ quen thuộc cho rất nhiều lao động nghèo trên địa bàn huyện Hoà Thành, kể cả các huyện, thị lân cận. Thông thường, vào các ngày ăn chay theo tín ngưỡng đạo Cao Đài thì quán bán đến hơn 400 suất cơm, còn những ngày ăn mặn, quán cũng bán được hơn 100 suất. Khách đến ủng hộ càng đông, quán ăn càng nhộn nhịp, chủ quán càng vui trong lòng.
Tuy nhiên, rõ ràng là quán càng đông thì chủ quán bù lỗ càng nhiều. Anh Nhân cho biết, ngày bán bình thường thì bù lỗ khoảng 300.000 đồng còn ngày đắt khách có khi phải bù lỗ đến 800.000 đồng. Tuy nhiên, do đã “phát tâm” từ trước nên anh chị không mấy lo nghĩ về vấn đề này.
Từ khi quán cơm ra đời, người vất vả nhất là chị Lan. Mỗi ngày, chị phải dậy từ 4 giờ sáng để ra chợ mua thực phẩm. Đồng hành cùng chị Lan còn có khoảng 5 người là các cô chú, anh chị em cùng “làm công quả” chung với vợ chồng chị. Số tiền bán cơm hằng ngày cũng được vợ chồng chị chia sẻ với những người cùng phụ giúp quán cơm. Chị Lan gọi đó là tiền xăng xe và cơm nước chứ không phải là tiền công vì việc phụ quán cơm rất nặng nhọc nên mức hỗ trợ này chẳng đáng là bao.
Với cái giá 3.000 đồng, quán cơm nhanh chóng được đông đảo người lao động có thu nhập thấp như bán vé số, làm thuê, làm mướn… tìm đến. Có người chỉ ghé ăn vào mỗi bữa chay nhưng cũng có người ghé ăn thường xuyên như cơm ở nhà. Lần đầu tiên vào quán ăn cơm, bà Bé, 63 tuổi, bán vé số ở khu vực chợ Long Hoa cảm thấy hết sức bất ngờ khi chủ quán chỉ tính tiền có 3.000 đồng, trong khi ăn ở các tiệm khác ít nhất cũng phải tốn từ 10.000 đồng - 12.000 đồng cho một phần cơm chay như vậy.
Còn gia đình chị Thạch Thị Phượng đã trở thành khách hàng thường xuyên của quán. Như mọi ngày, chị Phượng và con trai đến ăn cơm tại quán. Sau khi ăn xong, chị Phượng mua thêm một phần cơm hộp đem về cho chồng. Như vậy, bữa cơm trưa của cả nhà chỉ tốn vỏn vẹn có 9.000 đồng. Chị Phượng cho biết, ăn cơm tại quán Tình thương giúp gia đình chị tiết kiệm rất nhiều so với việc mua gạo, thức ăn về nấu. Bởi lẽ vợ chồng chị đều là dân làm hồ, thu nhập rất thấp, thời gian nghỉ trưa cũng ít, trong khi vợ chồng quê ở tận Trà Vinh lên Tây Ninh lập nghiệp nên phải ở nhà trọ, tốn rất nhiều chi phí lại còn phải lo cho hai con ăn học.
Một thực khách khác, ông Ngọc Anh, 65 tuổi, một người bán vé số lâu năm ở chợ Long Hoa, cho biết, số tiền tiết kiệm được từ bữa cơm trưa tại quán 3.000 đồng ông sẽ để dành mua thuốc uống. Trước khi biết đến quán cơm này, có khi cả ngày đi bán, ông Anh phải tốn đến 50.000 đồng tiền ăn uống từ sáng đến chiều. Do đó, số tiền lời kiếm được chẳng còn lại bao nhiêu.
Ngoài những hoàn cảnh trên, còn có rất nhiều em nhỏ bán vé số đến quán ăn với mục đích tiết kiệm tiền mang về phụ giúp gia đình. Không chỉ ăn tại quán, rất nhiều người lựa chọn mua hộp về ăn. Theo chị Lan, bán một phần cơm hộp gần như là cho không, bởi chi phí hộp, bịch đã chiếm hơn một nửa số tiền. Vào những ngày chay, các tiểu thương trong chợ Long Hoa gửi nhau đặt mua có khi đến vài chục hộp cơm để ăn trưa.
Với dân phượt, nếu trong hoàn cảnh lỡ đường cạn túi, bạn có thể ghé vào qua bữa. Còn không thì chỉ xem cho biết vì ta cần dành phần cho người nghèo.
Theo Thuỳ Dương (Tây Ninh Online)
Du lịch, GO!
Bữa cơm 2000 đồng ở Sài Gòn
Chùa bún riêu, chùa bánh xèo...
Thơm thảo "Phở miễn phí" ngày Chủ nhật.
Từ chùa Bún Riêu đến mạng xã hội...
Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét