Từ thị trấn Nà Hang, men theo con đường tránh ngập đi các xã Yên Hoa, Sinh Long chừng 20km rẽ phải, nhằm thẳng phía đỉnh núi Phia Khau nơi những đám mây mờ đang bao phủ tạo một không gian núi rừng thật hùng vĩ.
< Trên đường vào bản Phia Chang.
Suốt chặng đường đi, biết bao nhiêu là đoạn dốc thẳng, đoạn cua vòng khiến những chiếc xe Win cũng phải ì ạch bò từng chập.
Càng lên cao, càng thấy cái lạnh ngấm vào da thịt. Ánh nắng mặt trời xuyên qua lớp áo xanh của núi rừng quyện vào tán cây tạo ra những tia nắng lấp lánh mà chỉ có những vùng núi rừng này mới có được khiến lòng người cảm thấy lâng lâng thanh bình đến lạ.
Cuộc sống lưng chừng núi
Phải tới chiều xế chúng tôi mới có mặt tại Nhà văn hóa thôn Phia Chang, nghỉ chân dưới tấm biển xanh ghi: “Mọi người trong thôn phải có trách nhiệm bảo vệ rừng. Ai vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật của Nhà nước”.
Một thanh niên ở bản cười tươi nói: “Đấy là quy định bảo vệ rừng của bản tôi, ai cũng thuộc lòng hết cả, ai cũng phải làm theo...”. Có lẽ chính nhờ công tác tuyên truyền như thế này mà ở Phia Chang đã không còn cảnh phá rừng để làm nương rẫy. “Đồng bào dân tộc nơi đây đã thực hiện theo đúng chủ trương của Nhà nước một phần cũng là do sự gắn kết cái tình của người dân trong bản đấy”- anh Lục Minh Tân tự hào.
Không khí ở Phia Chang thật tuyệt vời. Cheo leo trên những sườn núi là những nếp nhà đang tỏa khói lam chiều giống như những nốt nhạc điểm thêm phần thơ mộng...
Con đường đất vàng bám quanh chân đồi, vẳng tiếng mõ lốc cốc phát ra từ phía đàn trâu gặm cỏ dẫn chúng tôi tới nhà trưởng bản Phia Chang Triệu Văn Chang. Ông giới thiệu, Bản Phia Chang này có 80 hộ, 100% là đồng bào Dao. Đời sống của bà con dựa vào phát triển nông, lâm nghiệp. Làm ruộng và chăm sóc cây chè là chính. Ngoài ra việc chăn nuôi gia súc, gia cầm đã đưa cuộc sống của người dân bớt khổ hơn. Tuy nhiên đây vẫn là bản khó khăn của xã Sơn Phú.
Toàn bộ thôn Phia Chang nằm trọn trong vùng đệm của rừng đặc dụng Tát kẻ - Bản Bung. Thời gian trước, huyện Nà Hang đã có hướng di chuyển thôn sang một nơi định cư mới, song vì các điều kiện khác không phù hợp nên bản Phia Chang vẫn ở tại nơi định cư cũ.
Nếp sống Văn hóa ở Phia Chang
Nghệ nhân Bàn Kim Sơn, vận quần áo thầy mo sặc sỡ đứng đón khách ở đầu nhà. Ở gian giữa nhà, một ông thầy cúng đang ngồi vừa đọc sách vừa khấn, chốc chốc lại ghé vào chiếc tù và để thổi, cạnh đó một con lợn làm lễ được mổ phanh ra đặt trên những tàu lá chuối tươi. Một lúc sau, thầy cúng cúng xong, con lợn được đem đi luộc. Hôm nay đám cưới nên anh em nhà ông Bàn Kim Sơn đều có mặt đông đủ, có những người làm dâu ở tận bên Bắc Kạn cũng đi bộ mấy chục cây số đường rừng để về dự đám cưới cô cháu gái.
Thanh niên trong bản hôm nay cũng đến rất đông để giúp dựng phông bạt và san nền làm lại lối đi cho chắc chắn. Các chị phụ nữ thì rửa bát, dọn dẹp, cánh con trai thì xẻ thịt lợn. Mỗi người một việc nên thoáng cái đã thấy mâm cơm cưới được bày ra đãi khách. Vừa ăn, chúng tôi vừa được xem đội văn nghệ do ông Bàn Kim Sơn làm đội trưởng biểu diễn với nhiều tiết mục đặc sắc như: Hát then, thổi kèn, múa dao và cả thổi tù và nữa.
Đặc biệt, trong cuộc rượu ở Phia Chang không có tình trạng ép uống rượu như một số nơi khác mà mọi người cùng chạm chén rồi ai uống được nhiều uống nhiều, ai uống ít thì nhấp môi rồi đặt xuống. Điều quan trọng là mọi người nói chuyện cởi mở, chân tình tạo nên sự gần gũi.
Thấy có người ở thành phố lên, mọi người xúm lại hỏi chuyện thị xã Tuyên Quang được công nhận là thành phố dạo này có gì đổi mới... Cuối buổi, mọi người nhảy múa cùng đội văn nghệ của ông Bàn Kim Sơn. Chúng tôi cũng nắm tay mọi người tạo thành một vòng tròn đoàn kết. Cô gái bản thấy mặt tôi đỏ thì hỏi: “Nhà báo say rồi à?”. Tôi mỉm cười: “Đúng tôi đang say, nhưng không phải rượu làm tôi say, mà say bởi tình người ấp áp nơi đây...”.
Để cùng nhau thoát nghèo
Chúng tôi đến thăm gia đình anh Triệu Văn An, một trong những hộ tiêu biểu của thôn về phát triển kinh tế. Những cái bắt tay thật chặt, những câu chào hỏi bằng tiếng dân tộc pha lẫn tiếng kinh lơ lớ anh kể: “Trước kia cuộc sống của người Dao ở bản rất khó khăn với lối sống du canh du cư, phát nương làm rẫy nên mỗi năm chỉ được một vụ. Bữa đói triền miên, bữa no thì hiếm có. Được tỉnh và huyện vận động và tạo điều kiện đồng bào đã tập hợp lại thành bản Dao Phia Chang để có cuộc sống ổn định hơn”.
Nhiều hộ vượt khó vươn lên, như hộ anh An mỗi năm thu nhập từ 40 đến 50 triệu đồng. Cũng như gia đình anh An, cuộc sống của người dân bản người Dao Phia Chang giờ đây đã ổn định bởi nếp nghĩ, cách làm của họ đã đổi thay căn bản. Người phụ nữ chăm chỉ với ruộng nương, gắn bó con trâu, cái cuốc, cái liềm cùng nhau lao động. Đàn ông hết thời vụ chăm cây lâm nghiệp thì lại đi làm thuê lấy tiền tích cóp, xây dựng nhà cửa, mua sắm vật dụng gia đình. Trẻ em đều được cắp sách đến trường. Bản làng ngày một thêm vui vì những thành quả lao động của mỗi người dân.
Với khu rừng nguyên sinh Tát Kẻ - Bản Bung tập trung nhiều loại gỗ quý, hệ động vật phong phú và đa dạng, lối sống gắn bó, đoàn kết giúp đỡ nhau và gìn giữ những nét đẹp văn hóa trong đời sống như cưới hỏi, hội hè Phia Chang đang hứa hẹn trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn.
Chúng tôi ngồi nói chuyện với mọi người đến tận đêm khuya, trong không gian tĩnh mịch, cùng tận hưởng hơi lạnh se sắt của núi rừng. Bên bếp lửa hồng, những phụ nữ bản Dao vẫn to nhỏ chuyện trò. Họ cùng nhau sẻ chia chuyện gia đình, chuyện về những dự định ở tương lai và có cả những mong muốn, hi vọng ngày mai đây sẽ có điện lưới, nước sạch về bản.
Xem thêm >
Phóng sự của Đức Hạnh (báo Đại Đoàn Kết) + ảnh Nguyenhuyhoang.vnweblogs
Du lịch, GO!
Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét