Pages

Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

Núi Vua Bà trên dãy Biền Sơn

Từ Hà Nội qua cầu Như Nguyệt, ta thấy cả một dải núi xanh trải dài bên phải đường Quốc lộ 1A mới, phía sau khu công nghiệp Quang Châu. Núi ấy có tên là núi Bài, một trong hai dãy núi của dãy núi Nham Biền - thuộc tỉnh Bắc Giang. Núi Nham Biền là dãy núi lớn nằm trong địa phận Yên Dũng xưa (nay là phần đất của hai huyện Việt Yên và Yên Dũng). Núi có hai dãy chạy song hành nên mới có tên là Nham Biền, tựa như hai câu trong lối văn biền ngẫu xưa.

Núi Bài chạy từ Vân Trung (Việt Yên) tới ngòi Nham Sơn thì dừng. Trong núi, dãy ở địa phận Vân Trung - Nội Hoàng có núi Vua Ngự (cũng gọi là núi Ông Già) đỉnh núi chót vót, khí thế mạnh.

Nơi ấy có đèo cổ đi qua. Chân núi có chùa Bài ở phía Nam và chùa Dâu ở phía Bắc, cảnh sắc rất đẹp. Đây là nơi nằm giữa ba khu công nghiệp (Quang Châu - Đồng Vàng - Nội Hoàng) nên tiềm năng du lịch văn hóa rất khả quan.

Núi Neo bắt đầu từ địa phận xã Tiền Phong – Nham Sơn (Yên Dũng) chạy xuôi về tới núi Buồm (xã Tiến Dũng) thì dừng. Thế núi hùng dũng, một mặt kề bên sông Thương, một mặt nhìn ra cánh đồng Yên Dũng, thoải tới tận bờ sông Thương nước chảy lơ thơ. Do có mạch núi Nham Biền nên tạo cho vùng đất Yên Dũng trở thành vùng đất ngã ba sông lớn của tỉnh Bắc Giang. Hai con sông, sông Cầu và sông Thương hợp nhau ở Đồng Việt chính là yếu tố tạo nên yếu tố địa văn hóa của vùng đất Yên Dũng “địa linh nhân kiệt” giàu truyền thống hiếu học và khoa cử của Việt Nam.


< Xóm làng dưới núi Nham Biền.

Trong dãy núi Neo, đỉnh cao nhất của nó là đỉnh Vua Bà, nơi này linh khí rất mạnh, chỉ những ngày nắng đẹp mới thấy đỉnh ngọn, còn những khi mù trời đỉnh ấy bị che mờ hết. Người dân ở xa thường nhìn về núi Vua Bà, nếu thấy đỉnh ấy có mây che phủ đều, sẽ có cảm nhận sự thay đổi thời tiết trong khu vực.

Đỉnh núi Vua Bà cao gần 200m so với mặt nước biển. Núi này đất đá lẫn lộn - đá ở trong khu vực núi là đá cát kết lớn, đá gan trâu, gan gà ghềnh đỏ…. Từ trên sườn núi có những khe nước nhỏ chảy xuống chùa Nguyệt Nham, rồi róc rách chảy vào sông Thương.

Ngày trước, khắp cả khu núi này có các rừng thông mọc lẫn trong các loài cây tự nhiên hoang dã, nên cảnh sắc đẹp lạ lùng. Thời Pháp thuộc ở thế kỷ XX, người Pháp đã cho mở đường để xe zíp lên tới tận đỉnh Vua Bà để ngắm cảnh toàn vùng Lạng Giang - Yên Dũng… Dấu vết đường ấy nay vẫn còn nhận ra.

Lên tới đỉnh núi Vua Bà, khí trời trong lành làm cho tâm hồn thật sảng khoái. Ai đã từng lên đây mới thấy cảnh quan của toàn vùng này thật đẹp, thật hữu tình. Phía Đông Nam là cảnh Lục Đầu giang, Phả Lại, chùa Vĩnh Nghiêm. Phía Đông Bắc - Bắc là vùng Lạng Giang xưa, phía Tây Nam - Tây là vùng đất Yên Dũng, Việt Yên và cả Bắc Ninh nữa. Con sông Cầu, sông Thương như dải lụa mềm trải hai bên sườn núi Nham Biền, thực hữu tình.

< Nhóm khách lên núi Nham Biền.

Ở đỉnh núi Vua Bà, nay vẫn còn một ô trũng nhỏ. Tục truyền đó là ao trời, nước tụ quanh năm. Theo như các cụ giỏi phong thủy nói rằng “cao sơn tầm oa trũng, bình dương tầm đột khởi” thì ở đỉnh Vua Bà này đúng là nơi mà các nhà phong thủy cần lưu tâm. Chỗ ấy thực là nơi làm cho núi này thêm linh quý.

Cái tên núi Vua Bà có từ bao giờ, chẳng ai rõ được, chỉ biết rằng người Việt xưa và cả ngày nay có tục thờ mẫu - mẫu lớn nhất là mẫu mẹ Âu Cơ, bà mẹ sinh ra trăm người con. Người con cả được tôn xưng là Hùng Vương dựng lên nước Văn Lang.


< Chuông cổ của chùa Nguyệt Nham.

Ấy là tổ nước ta vậy, việc vua Hùng tìm đất dựng kinh đô đều gắn với truyền tích 100 con phượng hoàng, hoặc 100 cây thông, 100 con voi. Nơi nào được thì 100 con chim phượng có chỗ đậu…
Núi Nham Biền chỉ có 99 ngọn, thế là 1 con không có chỗ đậu, nên 100 con bay đi. Tuy không phải là vùng đất đóng đô được nhưng đó cũng là nơi đất quí. Có thể cái tên Vua Bà bắt nguồn từ tục thờ mẫu ấy.

Ở chân núi Vua Bà phía bờ sông Thương, xưa có chùa Hang Chàm (tức chùa Nguyệt Nham). Chùa này có nguồn gốc từ thời Trần. Ở chùa Nguyệt Nham đã phát hiện các mảng gốm tháp đất nung thời Trần, đặc biệt mới đây đã phát hiện tấm bia thời Trần, chứng tỏ núi Vua Bà có linh tính xưa để lại rồi.

Chân núi Vua Bà phía sông Cầu tạo nên cảnh quan địa thế chùa Kem, xã Nham Sơn - Yên Dũng. Chùa Kem là chùa cổ, qui mô lớn mà trù mật khách thập phương xa gần vẫn về chùa hành lễ. Xưa kia, chùa thuộc thôn Hương Tảo. Thôn này, vào thời Trần là đất thang mộc của Thái sư Trần Thủ Độ.

< Đền Thanh Nhàn.

Tục truyền trong núi có mãng xà thường làm hại dân. Trần Thủ Độ về đây giúp dân khai khẩn đất hoang, mở mang đồng ruộng, phát triển đời sống. Thái sư Trần Thủ Độ lập kế giết mãng xà, trừ hại cho dân. Về sau dân lập đền thờ vợ chồng Trần Thủ Độ. Đền ấy gọi là đền Thanh Nhàn. Ngày hội, dân vẫn duy trì tục đánh rắn xưa để tri ân người xưa giúp dân xã trừ diệt xà tinh.

Trong tấm bia thời Trần ở chùa Nham Nguyệt cho biết có một bà hoàng cùng mọi người về núi này tu tạo chùa pháp, công đức lớn lao nên lưu tích ở bia. Bà hoàng ấy lai lịch thế nào chưa rõ, vì bia cổ đó chữ mòn  không xem hết được, thế nhưng đấy cũng là một vị vua bà về công đức với vùng đất này, do đó cũng góp phần làm cho núi Vua Bà thêm một nội dung nguồn cội.

Núi Vua Bà chỉ là một trong các ngọn núi cao của dãy Nham Biền. Núi tuy không cao như nhiều núi khác, nhưng là núi có linh tích nên là núi thiêng quý.

Trong xu thế phát triển chung, một dải núi thiêng như Nham Biền, trong đó có ngọn Vua Bà thế nào cũng được xem xét đến để cho mọi người có chỗ du sơn, du thủy, picnic 2 ngày nghỉ trong tuần, có chỗ cho người Bắc Giang, tỉnh ngoài tới hành hương vãng cảnh.
Xem thêm >

Theo Trần Văn Lạng (STTVHDL Bắc Giang), ảnh internet
Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 

Sample text

Sample Text

Sample Text

 
Blogger Templates