Pages

Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

Nhặt rác trên đỉnh Omega

Omega là tên dân phượt gọi đèo Hòn Giao thuộc huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa). Omega có quá nhiều kỷ niệm. Và ai cũng mong muốn nơi này sạch đẹp. Vậy là lần thứ hai, tôi và bạn bè lại lên đường dọn rác Omega...

Trong hành trình phượt của Biendaikho, đỉnh Omega luôn để lại những khoảnh khắc đẹp nhất. Đó là những buổi tối gạt sương, băng đèo cắm trại để sáng hôm sau đón bình minh. Đó là những tấm ảnh về một biển mây Omega quyến rũ; đảo Yến, thành phố Nha Trang trong sắc vàng rực của buổi bình minh. Mắc nợ Omega nhiều, Biendaikho và những người bạn quyết định lên Omega nhặt rác.

Đèo nằm trên tuyến đường nối giữa Khánh Hòa và Lâm Đồng, cao 1.700m, dài 33 km. Các chuyến xe qua đây đều dừng lại trên đỉnh đèo để ngắm mây trời, ngắm thành phố Nha Trang và để lại đây rất nhiều rác.

Đây thực sự là một hành trình dài, ít nhất là đối với anh Langtulangdu. Từ ngày hôm trước, anh đón xe từ Bạc Liêu lên Sài Gòn, ngay sau đó tiếp tục lên xe từ Sài Gòn ra Nha Trang, để sáng hôm sau tiếp tục đi thêm 65 km để đến Omega.
Thức dậy lúc 05 giờ sáng, từ Diên Khánh, tôi lên xe đi ngược xuống Nha Trang đón Langtulangdu và Jinny, sau đó quay lại Diên Khánh đón Lientrinhbio.

< Có địa phương hỗ trợ thì thật tuyệt vời.

06 giờ sáng xe tăng tốc lên 80km/g theo đường Đà Lạt đến thị trấn Khánh Vĩnh. Ở đây, ông Lê Văn Hoa - Phó Chủ tịch UBND huyện, ông Huỳnh Xuân Lộc - Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường cùng các bạn công chức trẻ của huyện Khánh Vĩnh đã chờ sẵn. Một xe rác chuyên dụng của BQL Công trình công cộng & Môi trường cũng chờ sẵn để đi theo với đoàn. Sau một cái bắt tay chào hỏi, chúng tôi lên đường.

Đến dưới chân đèo, anh Võ Xuân Cảnh - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Thái mời cả đoàn dừng chân ăn sáng, uống cafe tại quán Bến Lội . Ăn sáng xong, chúng tôi nhanh chóng lên xe, trực chỉ đỉnh Omega. Đến km 44+500, chúng tôi dừng chân thắp hương cho các nạn nhân xấu số của vụ tai nạn thảm khốc xảy ra hai ngày trước. Đây là một khúc cua nguy hiểm, trước đó, đã có một xe tải rơi xuống vực ngay tại địa điểm này làm hai người thiệt mạng. Nửa tiếng sau, chúng tôi đến khu vực đỉnh đèo. Và mọi người bắt tay vào công việc.

Trong cơn mưa lất phất, nhóm bạn cần mẫn nhặt rác. Những bạn trẻ du lịch trong nhóm Vespa đi ngang qua cũng dừng lại tham gia dọn vệ sinh đỉnh đèo với đoàn. Nhích từng mét, nhóm của Biendaikho gom rác vào túi to, túi nhỏ, khu vực đỉnh đèo trở nên sạch hơn. Anh Huy, kiểm lâm viên công tác tại trạm Hòn Giao cho biết, định kỳ 3 tháng một lần, tất cả nhân viên các trạm liền kề đều về đây để nhặt rác. Nhưng hôm nay nhặt, ngày mai kia rác lại chất đầy. Thậm chí các biển cấm xả rác cũng bị đạp đổ.

< Dọn dẹp các hố ga, chúng tôi còn nhặt được tiền!

Ngay trên đỉnh đèo, trạm kiểm lâm Hòn Giao làm 3 câu khẩu hiệu nhưng ít người quan tâm:
- Không để lại gì ngoài những dấu chân.
- Không lấy đi gì ngoài những tấm ảnh.
- Không giết thứ gì ngoài thời gian.

Yêu mến Omega, nhóm bạn luôn mong muốn nơi này lúc nào cũng sạch đẹp. Thế nên hễ được nghỉ làm thì nhóm bạn này lại lên đường dọn rác ở Omega: lần 1, lần 2 và sẽ có nhiều lần nữa.

< Một ít trong số 'chiến lợi phẩm' thu nhặt từ đỉnh đèo Hòn Giao.

Vậy nhưng, cách giản đơn nhất để nơi hoang sơ nào cũng sạch là do ý thức của chính ta: một điều rất dễ dàng mà ai cũng có thể làm được, ví dụ như ngay sau khi cắm trại, ăn uống xong thì gom rác thải vào bọc nilon rồi treo sau xe - đem về nơi sẽ đến và bỏ vào thùng rác.
Ta giữ sạch, ai ai cũng giữ sạch... thì chốn thiên nhiên nào cũng đẹp kỳ thú một cách bền vững.
Mà không chỉ có đèo Hòn Giao, còn hàng ngàn, hàng chục ngàn thắng cảnh tuyệt đẹp khác nữa trên toàn cõi VN: thói quen 'bỏ rác vào túi' có lẽ không khó thông thuộc, bạn nghĩ đúng không nào?

Du lịch, GO! - ảnh từ forum Phuot.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 

Sample text

Sample Text

Sample Text

 
Blogger Templates