(TSTtourist) - Nhận được lời mời của Trung tâm du lịch sinh thái và giáo dục môi trường Vườn Quốc Gia Bidoup - Núi Bà, tôi lập tức lên đường xuyên qua khu rừng nguyên sinh được xem là cổ nhất Lâm Đồng: một trong bốn trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam.
< Một góc nhỏ của vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà.
Cung đường sinh thái
Theo tỉnh lộ ĐT 723 ra khỏi thành phố Đà Lạt độ 50 km, chúng tôi đến cổng vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà. Cung đường chạy qua những vạt rừng nguyên sinh và bản làng dân tộc ít người với nhiều nét văn hóa khác nhau nhưng rất thích hợp với loại hình du lịch trekking…
Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà có hai đỉnh núi cao nhất cao nguyên Langbiang là Bidoup (cao 2.287 m) và Núi Bà (cao 2.167 m). Để chinh phục 2 đỉnh này là một hành trình sinh thái đầy thú vị và mạo hiểm.
Con đường mòn đất đỏ để vào trạm kiểm lâm Bidoup chỉ dài khoảng 10km nhưng khá trắc trở. Đường dốc ngược và chật hẹp, lắm lúc tưởng như xe máy không thể “bò” lên dốc cao gần 45 độ. Dốc xuống thì lổn ngổn đá. Cầm tay lái không khéo, xe có thể trôi ngang, lao ra mép vực.
< Vượt suối Dasar bằng bè.
Sau gần 20 phút vượt đường mòn, con suối Đasar trong xanh hiện ra trước mắt như một phần thưởng khích lệ nho nhỏ. Đây là dòng suối bắt nguồn từ sông Đa Nhim, chảy theo hướng Nam sang thành phố Đà Lạt và huyện Đơn Dương. Suối mùa khô nên ít nước, trong leo lẻo.
Để qua suối, người ta làm một chiếc bè. Bè được neo vào dây cáp đã cố định vào những chiếc cọc vững chải ở hai bên bờ. Người lái bè men theo sợi dây cáp đó tự kéo qua bờ bên kia.
Đến trạm kiểm lâm Bidoup, ai cũng đói và mệt. Cả đoàn ăn vội mì tôm, kiểm tra đồ đạc, chuẩn bị nước uống, lương khô…rồi tiếp tục lên đường. Từ đây lên tới đỉnh Bidoup chỉ 12km nhưng đường rừng phải mất 1 ngày 1 đêm. Vì thế đoàn chúng tôi quyết định cắm trại ở vị trí cao 1.930 m.
Thế nhưng trước khi lên đến nơi cắm trại, chúng tôi lại đối diện với những cơn bão muộn ngoài biển Đông liên tục đổ vào đất liền. Cơn mưa đêm trước để lại một lớp đất nhão nhoét dưới mặt đường.
< Nhóm lửa tại nơi đoàn hạ trại.
Đôi giày đế gai dày cộp và một chiếc gậy đi rừng vẫn không giúp chúng tôi di chuyển an toàn hơn. Đường trơn nhẫy, có đoạn lại bê bết bùn. Đôi chân rã rời, tưởng chừng như không còn nhấc lên nổi, những trận gió đưa cái rét thấm vào tận xương…nhưng, tất cả những khắc nghiệt của thiên nhiên vẫn không ngăn được sự mạo hiểm của đoàn khám phá…
Dừng chân giữa rừng
Chúng tôi hạ trại giữa một khu rừng bán ôn đới, dưới tình hình áp thấp nhiệt đới cùng cơn mưa lê thê. Vì gỗ ướt nên chuẩn bị bữa cơm chiều với cá khô, rau rừng phải mất hơn 1 giờ. Để làm đậm đà thêm hương vị, chúng tôi chọn nhiều loại rau ăn được như: lá chân chim, lá mì chính để bổ sung vào bữa ăn.
Đêm Bidoup dài hơn ngày. Mặt trời mới xuống ngọn cây thì màn đêm đã phủ lấy đại ngàn. Cả khu rừng bị bao phủ trong làn sương khói. Những hạt mưa dai dẳng len qua kẽ lá, rớt lộp bộp trên nóc lều. Tiếng mưa, tiếng suối, tiếng heo rừng ủi quanh khu lán trại, tiếng sột soạt của những con nhím, con chồn kiếm ăn ban đêm... làm người yếu bóng vía khó mà chợp mắt! Nhưng dù sao chúng tôi vẫn phải ngủ để ngày mai còn sức trèo lên đỉnh Bidoup.
Bình minh đón chào chúng tôi là tiếng vượn hót, chim kêu. Dễ nhận ra nhất là sẻ thông họng vàng với giọng hót líu lo, bộ lông màu nâu thẫm, ngực và sườn vàng nhưng có các vệt nâu ở giữa. Sẻ thông họng vàng là một loài chim đặc hữu của Bidoup, chỉ có ở Việt Nam. Đây là một loài quý hiếm, không chỉ có giá trị khoa học mà còn có giá trị thẩm mỹ. Mới sáng, hàng trăm loài chim đã làm bừng dậy nguồn năng lượng mới, tràn trề sức sống. Một ngày vất vả hôm qua đã được đền bù xứng đáng.
Tiếp tục chinh phục độ dốc cao hơn, đường đi bắt đầu hẹp dần và chúng tôi khám phá ra nhiều điều. Một ngọn cây xanh ngát, mướt mượt nhưng đừng vội ngắt bởi nó có thể giết chết một người khoẻ mạnh trong chốc lát, ấy là lá ngón. Còn kia là loại cây thân sù sì, trông như đang héo, nhưng củ lại là nguyên liệu mà người dân tộc Cil ở đây dùng để nhuộm vải, rất khó phai màu...Thiên nhiên quá kỳ diệu, muôn đời con người vẫn phụ thuộc vào thiên nhiên. Con người đã gán cho thiên nhiên rộng lớn và bí ẩn những quyền lực, sức mạnh và thần thánh hoá nó. Tôi bỗng nhớ đến phong tục của người Lạch, người Chil, người Mạ... bản địa, khi phải chặt một thân cây, người ta cẩn trọng làm lễ xin phép rừng và tạ lỗi với cây.
Di sản của rừng
Chật vật trọn một ngày, đỉnh Bidoup hiện ra dưới những tầng mây trắng yên bình. Chúng tôi lưu lại hơn 30 phút rồi lục tục xuống núi. Vượt qua khoảng 9km đường rừng nguyên sinh toàn gai góc, muỗi vắt, rắn rết, bò cạp… , chúng tôi đã đến được nơi có cây Pơmu cổ thụ với chu vi bằng chín người ôm. Nếu như rừng Cúc Phương (Ninh Bình) tự hào với cây chò ngàn năm tuổi thì Bidoup cũng chẳng thua kém gì với cây Pơmu 1.305 năm tuổi đã được các nhà khoa học đại học Columbia Hoa Kỳ công nhận là "di sản". Ngắm thân cây có chu vi 13,5m và chiều cao 40m, chúng tôi vẫn không tránh được ngỡ ngàng trước “di sản” đang hiện diện ngay giữa núi rừng quê hương.
Chinh phục Bidoup- Núi Bà là thưởng thức những thước phim khám phá đầy sống động. Tính ra mỗi ngày chúng tôi đã đi bộ khoảng 20 km đường rừng, vượt qua nhiều hệ sinh cảnh khác nhau: núi, thác, sông, suối…
Ba ngày trong rừng đã kết thúc. Hành trình này có đủ mọi cung bậc của một chuyến chinh phục thật sự: gian khổ, nguy hiểm, và khắc nghiệt của thời tiết... Có lẽ đó mới chính là yếu tố làm nên sự hấp dẫn cho một chuyến chinh phục thiên nhiên kỳ thú.
Xem thêm >
Theo Trần Đức Thịnh (TST tourist.com) + ảnh web Lamdong.gov
Du lịch, GO!
Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét