Pages

Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

Thích thì đọc, không thì thôi...

"Tôi không lên đường với cái đầu rỗng tuếch" - Đó là câu trả lời của Huyền Chip cho những nghi ngờ về những câu chuyện mà cô đã viết.

Nhắc đến Huyền Chip, giới trẻ, đặc biệt là những người thích đi khám phá thế giới và tìm cảm giác mạnh có lẽ không ai là không biết. Huyền Chip, cô gái 9x đã từng tự mình đi khám phá 25 nước trên thế giới với số tiền ban đầu chỉ có 700 USD.
Tháng 9, trở về sau chuyến đi “phượt” lần 2 tới Nam Mỹ, Nguyễn Thị Khánh Huyền (biệt danh Huyền Chíp) bận rộn chuẩn bị cho việc ra mắt cuốn sách “Xách ba-lô lên và đi” tập 2 mang tên “Đừng chết ở châu Phi” vào đúng dịp sinh nhật mình. Ở cuốn sách này, Huyền Chip tiếp tục chia sẻ về những trải nghiệm đáng nhớ của mình trong chuyến đi châu Phi.

Thế nhưng, cuốn “nhật ký” của Huyền Chip - “Xách ba lô lên và đi” lại tiếp tục nhận được không ít nghi ngờ từ phía độc giả. Báo mạng VnExpress đã đưa bài 'Cộng đồng nghi ngờ 'Xách balô lên và đi' của Huyền Chíp' ngày 17/9/2013:

Cộng đồng mạng đang đặt ra nhiều câu hỏi  về sự thật của những câu chuyện được kể trong cuốn sách “Xách balô lên và đi” của tác giả Huyền Chip, rằng đi qua 25 nước chỉ tốn 700 USD.

Cuốn sách là những dòng nhật ký của cô gái trẻ, người đã đặt chân đến 25 nước trên thế giới với số tiền ban đầu chỉ có 700 USD. Trên đường đi, Huyền Chip tự kiếm việc làm thêm để có tiền sinh hoạt và mua vé máy bay đi tiếp. Tập 1 “Châu Á là nhà. Đừng khóc!” đã được ra mắt độc giả và tác giả đang chuẩn bị ra mắt tập 2 “Đừng chết ở châu Phi”.

Thành viên có nickname Jay Gatsby trên một diễn đàn công nghệ phân tích: “Vấn đề đặt ra là Huyền Chip xin visa kiểu gì với 700 USD? Thường thì khi xin visa ở nhiều nước phải tốn phí, phải chứng minh được khả năng tài chính hoặc có người bảo lãnh, nếu tác giả thật sự được ai đó hỗ trợ thì cần nói rõ”.

Cuốn sách được xuất bản năm 2012, nhưng khi tập 2 sắp ra mắt  trong tháng 9 này thì cộng đồng mạng lại dấy lên  tranh luận về sự thật trong những dòng tự sự của Huyền Chip. Nghi vấn mà dư luận đặt ra xoay quanh việc cuốn sách còn có nhiều điểm mơ hồ như chứng minh khả năng tài chính, xin visa, xin việc làm thêm... Chính bởi vậy, rất nhiều độc giả mong muốn tác giả chứng tỏ được “hành trình đi hơn 20 nước bắt đầu bằng 700 USD trong túi là có thật”.

Huyền Chip năm nay 21 tuổi. Sau khi tốt nghiệp THPT chuyên Toán (ĐH Quốc gia Hà Nội),  cô quyết định đi làm ngay mà không học đại học. Khi mệt mỏi với công việc tại Malaysia, cô nảy ra ý muốn du lịch một số nước. Với vỏn vẹn 700 USD, Khánh Huyền đã du lịch 25 quốc gia ở châu Á, châu Phi. Trong 2 năm đi "phượt" (du lịch bụi), cô gái quê Nam Định đã học cách nấu nhiều món ăn, chèo thuyền, leo núi và tham gia đóng phim, viết báo...

Facebooker Shimple Shrimp nhận định: “Đọc cuốn sách này thấy phi lý ngay từ tập 1. Theo tôi biết thì đi nước ngoài, mà ở đây là đi du lịch, thì với nhiều nước bạn phải chứng minh tài chính của mình không dưới 100 triệu (người ta lo sợ bạn sang bên đấy ở lại lao động lâu dài)”.

Bên cạnh nghi vấn về việc xin visa của Huyền Chip, nhiều người còn cho rằng việc cô gái này kể lại quá trình xin việc làm thêm ở các nước là quá dễ dàng và “phi thực tế”. Trong cuốn sách, Huyền kể lại rằng cô luôn được thần may mắn ưu ái khi thời gian cư trú dưới 30 ngày mà luôn xin được việc để làm, thu nhập lại cao hơn cả dân bản xứ có bằng cấp hẳn hoi. Ví dụ như tại thành phố Dar es Salaam thuộc Tanzania (một nước châu Phi), nơi Huyền làm host tại Casino.

Thành viên có nickname venatianmacao trên trang diễn đàn dành cho dân “phượt”  nhận xét: “Nếu không phải là người bản xứ thì còn lâu casino mới cho làm dealer chia bài nhé, đừng nói là làm manager - vậy các bạn nghĩ một cô gái với visa du lịch được phép làm manager trong casino?”.

“Để xin việc trong sòng bài, người chia bài thường được học từ bé. Thí dụ như ởMacao, theo mình biết thì một số người dân được nuôi ăn học và được đào tạo chia bài để làm trong sòng bài. Như vậy có thể thấy sòng bài là nơi cần được đào tạo bài bản, host là người quản lý hoặc là người hướng dẫn chơi, cũng có thể là người dẫn chương trình tạp kỹ. Nhưng tất cả đều được đào tạo rõ ràng.” – độc giả có nickname chuottrang.ver2 chia sẻ.

Một thành viên khác bình luận: “Với kinh nghiệm tìm việc làm thêm thời du học sinh, tôi bảo đảm không có chuyện tìm được việc ngay lập tức, nếu không có người quen giới thiệu và càng khó nếu không nói được tiếng bản địa”.

Cuốn sách "Xách balô lên và đi" khá ăn khách, ngay khi ra  đời nhiều độc giả đã ca ngợi rằng đây là một cuốn cẩm nang du lịch, rất nhiều bạn trẻ ngưỡng mộ và muốn được đi du lịch như Huyền Chip.

Một độc giả nickname Jun bày tỏ: "Bái phục em sát đất đấy! Với 700 USD mà em đi qua được 25 nước thì em đúng là "sư phụ" của dân phượt rồi. Sau chuyến này, chắc chắn em sẽ là một người con gái vô cùng rắn rỏi. Mình nghĩ những nước Huyền đi qua, việc xin visa không quá khó khăn đâu. Bạn ấy đâu có nhắc đến Mỹ hay Hàn Quốc đâu! Việc xin visa các nước này là rất khó vì họ yêu cầu gắt gao về giấy mời và chứng minh tài chính".

Còn bây giờ, trước những nghi vấn đặt ra của cư dân mạng, tác giả Huyền Chip hiện vẫn chưa đưa ra bất cứ lời giải thích cụ thể  nào. Tuy nhiên, trong một status mới cập nhật ngày 16/9 trên Facebook được cho là của Huyền Chip, chủ nhân đã lên tiếng:

“Gửi mọi người,
Sẽ sớm có thông báo chính thức với đầy đủ chứng cớ phản bác các nghi vấn không có cơ sở, thậm chí xuyên tạc. Cũng đã uỷ quyền cho một cơ quan pháp lý xử lý những kẻ có hành vi vu khống, bôi nhọ danh dự cá nhân.
Trân trọng”.

Trong phỏng vấn của báo Tiền PhongVOV ngày 18/09/2013 với tựa đề 'Xin visa đi Nam Phi, tôi từng khóc rất nhiều', một phần thông tin phản bác lại các nghi vấn được cô gái mang nick Huyền Chip trả lời như sau:

"Xin visa cũng tuỳ từng nước và tuỳ vận may của bạn. Vẫn có lúc tôi bị từ chối visa và phải thay đổi lịch trình...", Huyền Chip - cô gái đi qua 25 nước - chia sẻ.

Sau khi tốt nghiệp THPT chuyên Toán (ĐH Quốc gia Hà Nội), Huyền Chip - tên thật là Nguyễn Thị Khánh Huyền - quyết định đi làm ngay mà không học đại học. Sau một thời gian làm việc tại Malaysia, cô nảy ra ý muốn du lịch một số nước. Với vỏn vẹn 700 USD, Khánh Huyền đã du lịch 25 quốc gia ở châu Á, châu Phi.
Vừa trở về từ Nam Mỹ, Huyền Chip phát hành tập 2 cuốn “Xách ba lô lên và đi” mang tên “Đừng chết ở châu Phi”. Đi qua nhiều quốc gia, Huyền Chip được nhiều người ngưỡng mộ lẫn tò mò về cách xin visa các nước của cô gái 23 tuổi.

- Bạn đã đi nhiều nơi như vậy, không biết trở ngại của bạn trên hành trình đến các vùng đất mới là gì?

Trên đường đi có rất nhiều trở ngại: trở ngại ngôn ngữ, trở ngại về tiền bạc, trở ngại về visa.

- Vậy điều gì là trở ngại lớn nhất?

Nếu phải chọn trở ngại nhất, có lẽ tôi sẽ chọn rào cản visa. Không tiền đó là lỗi của bản thân, và tôi có cơ hội để kiếm được nhiều tiền. Không nói được ngôn ngữ của họ cũng vậy vì mình là kẻ xa lạ trên mảnh đất của họ. Nhưng rào cản visa nghĩ lại thì nhiều lúc thật bất công. Trước nó, tôi bất lực. Những người có hộ chiếu châu Âu sao chỉ có thể bước vào bao nhiêu nước mà mình vất vả xin bao nhiêu lần cũng không được?

- Nhiều người thường tự hỏi không biết bạn xin visa bằng cách nào để đi được từng ấy nước bởi vì chuyện xin visa là điều thường bị e ngại đầu tiên khi nghĩ đến chuyện du lịch nước ngoài?

Nếu ai hiểu rõ chính sách visa các nước trên thế giới thì sẽ biết rằng xin visa nhiều nước khó, nhưng không phải xin visa tất cả các nước đều khó. Bạn có thể tìm trang web bộ ngoại giao các nước trên mạng để đọc thông tin về chính sách visa của họ. Chính sách visa mỗi nước một khác nhau và thường quốc gia càng phát triển chính sách visa của họ càng chặt chẽ vì họ sợ người nhập cư lao động trái phép, sợ khủng bố. Thắt chặt chính sách visa cũng là một cách thắt chặt an ninh.

Hầu hết các nước tôi đi là các quốc gia đang phát triển. Không có quá nhiều người ham muốn nhập cư sang nước họ mà họ lại cần nguồn thu về du lịch nên chính sách visa khá dễ. Hầu hết các nước trong khu vực Đông Nam Á có thể vào mà không cần visa. Nhiều nước trong số các nước còn lại có thể mua visa ngay tại cửa khẩu (đường bộ hoặc đường máy bay) như Myanmar, Nepal, Kenya, Tanzania, Mozambique, Bolivia. Và cũng có nhiều nước không thể xin được visa sang nước họ mà tôi đành chuyển hướng, ví dụ như Pakistan, Sudan, Nam Phi. Tôi chưa sang Mỹ, châu Âu cũng như các nước có chính sách visa ngặt nghèo.

- Cũng có nhiều ý kiến nghi ngờ về việc bạn chỉ “nói khoác” thôi bởi theo họ, xin visa cần chứng minh số tiền nhất định trong tài khoản và bạn không thể có nhiều tiền đến thế?

Các bạn này chắc mới chỉ nghe nói hoặc xin visa đi một vài nước phát triển rồi lấy cái quy luật này áp dụng sang tất cả các nước còn lại (Cười).

Tôi có thể kể rất nhiều nước mình có thể xin visa mà không cần chứng minh tài chính. Các nước có thể mua visa ở cửa khẩu mình kể ở phía trên là một ví dụ. Một số nước khác xin visa không cần chứng minh tài chính ví dụ như Ethiopia, Zimbabwe. Một số nước yêu cầu mình chứng minh tài chính có thể xê dịch yêu cầu này nếu bạn có thư giới thiệu từ một công ty nói rằng họ sẽ tài trợ cho chuyến đi của bạn với mục đích gì đó, ví dụ như nghiên cứu phát triển sản phẩm của họ. Xin visa cũng tuỳ từng nước và tuỳ vận may của bạn. Và tôi xin nói lại: Vẫn có lúc tôi bị từ chối visa và phải thay đổi lịch trình, cũng như tôi chưa bao giờ xin visa sang các nước nổi tiếng là visa khó như Mỹ, châu Âu.

- Bạn có thể chia sẻ câu chuyện mà bạn bức xúc nhất khi xin visa?

Quá trình xin visa khiến tôi ức chế nhất là xin visa Nam Phi. Mình xin visa Nam Phi từ Zambia bị từ chối, sang đến Zimbabwe xin visa cũng bị từ chối, Mozambique cũng bị từ chối nữa thì mình ức chế quá, bỏ cuộc không sang Nam Phi nữa mà về lại Việt Nam. Trong suốt quá trình xin visa Nam Phi, tôi đã khóc rất nhiều. Tôi có một thằng bạn người Anh đạp xe đi dọc châu Phi, hai đứa gặp nhau rất nhiều trên đường đi và hẹn gặp ở Nam Phi. Nó chỉ cần giơ hộ chiếu Anh ra là vào được và không thể tin rằng tôi vất vả như thế mà vẫn không vào được.

- Ở châu Phi, hẳn khó khăn hơn nhiều trong việc xin visa hơn so với châu Á và châu Mỹ?

Không đâu. Tôi dọc bờ phía Đông của châu Phi và xin visa hầu hết các nước này đều rất dễ. Phần lớn các quốc gia châu Phi đi qua tôi có thể mua visa ngay tại biên giới.

- Nơi nào khiến bạn thực sự chán nản và muốn bỏ cuộc khi xin visa? Những lúc đó, điều gì khiến Huyền kiên trì chờ đợi?

Không xin được visa ở nước này tôi sang nước kia xin tiếp. Ví dụ như khi xin visa Ethiopia ở Ai Cập họ không cho nhưng đại sứ quán Ethiopia ở Israel, người ta lại cấp cho. Cũng có lúc tôi phải bỏ cuộc chứ.

- Với những bạn trẻ không dám đi du lịch bụi chỉ vì suy nghĩ “xin visa khó lắm”, Huyền có lời khuyên nào hay không?

Xin visa khó nhưng không phải là không thể. Bạn phải hiểu chính sách của nước bạn muốn đi nó ở mức độ nào còn biết đường đối phó. Đừng thấy khó mà nản, quan trọng là bạn phải quyết tâm lên đường!

- Lời tựa cuốn “Xách ba lô lên và đi” tập 2 sắp ra mắt, bạn có viết: “Châu Phi với tôi là một châu lục của cảm xúc, những cảm xúc vô cùng mãnh liệt” hay “Con người châu Phi đơn giản và hoang dã, nhưng trái tim họ to và ấm”, tại sao bạn lại có thể có những cảm nhận này?

Trong những nơi mà tôi đi qua, châu Phi để lại cho tôi nhiều tình cảm nhất. Đó là nơi mang đến cho tôi hai thái cực cảm xúc: một cô đơn và tủi thân, một cảm động và yêu thương. Đi du lịch một mình, ở đâu cũng cô đơn, nhưng châu Phi lại đem đến cho tôi cảm giác không hề được giúp đỡ. Tôi thực sự mệt mỏi khi bị dân địa phương bám theo xin tiền và nỗi ám ảnh về căn bệnh thế kỷ luôn thường trực. Hầu như nhà ai cũng có người mắc bệnh. Hầu như ai tôi quen cũng biết ít nhất một người chết vì căn bệnh này. Ở Việt Nam, mình nghĩ HIV/AIDS là một cái gì đó rất xa xôi. Sang đó rồi mới thấy nó gần kề với mình như thế.

Nhưng châu Phi cũng chính là nơi khiến tôi cảm thấy mình như đang mang nợ. Con người châu Phi hoang dã, bộc trực như chính vùng đất của họ vậy. Thời gian sống ở châu Phi, ở cùng người dân địa phương, ăn món ăn như họ, hít chung bầu không khí của họ, tôi dần hiểu những khắc nghiệt ở nơi đây và cảm thấy mình không còn đơn độc. Điều tuyệt nhất trong hành trình đến mỗi quốc gia là bạn cảm thấy mình được chấp nhận là một trong số họ. Và người châu Phi đã khiến tôi cảm nhận được điều tuyệt vời ấy: trẻ em châu Phi không ngại ngần cúi xuống lau giày bẩn cho tôi; gia đình chị người Kenya dành dụm cho tôi thùng nước có 5 lít để tắm táp...

- Đi nhiều như vậy thì bạn kiếm sống như thế nào?

Đây có lẽ là câu hỏi tôi nhận được nhiều nhất và nhiều người cũng không tin rằng tôi có thể xin được việc và kiếm tiền để đi như thế. Nghĩ đúng là rất khó nhưng cứ làm đi sẽ thấy đó không phải là chuyện không tưởng. Như tôi chia sẻ trong cuốn sách, tôi làm bất kỳ công việc gì mình có thể như đọc loa thông báo trong sòng bạc, làm maketing cho hàng quán, dạy tiếng địa phương cho người nước ngoài...

- Không ít người tỏ ra nghi ngờ với câu chuyện bạn đã đi 25 nước chỉ với 700 USD trong tay, làm thế nào để đủ tiền mua vé máy bay nếu chỉ vừa đi vừa làm, làm thế nào để kiếm Visa, chẳng lẽ lần nào bạn cũng được chiếu cố…? Bạn nghĩ sao về những điều này?

Ban đầu khi đọc những thông tin như vậy tôi thấy rất bức xúc. Nhưng sau khi có quá nhiều ý kiến dạng: "xin visa phải chứng minh tài chính", "visa du lịch chỉ được 30 ngày", “Xin visa nước nào cũng cần chứng minh 5.000 USD”, “Làm sao nó kiếm được việc? Đến mình chuyên gia này nọ còn không kiếm được việc”… tôi thấy mình không cần phải bực bội.

Những phản hồi đó thể hiện rõ sự thiếu hiểu biết về chính sách visa của các nước, chỉ thích vơ đũa cả nắm. Rất nhiều người trong số họ nghĩ bản thân không làm được thì người khác cũng không ai làm được. Bây giờ, tôi chấp nhận nó là mặt trái của việc được nhiều người biết tới. Họ có thể ghét bạn, thậm chí “chửi” bạn và trên mạng là ảo, không ai biết ai nên điều này càng dễ dàng hơn.

Tôi sẽ trả lời khúc mắc của độc giả cũng như đưa ra minh chứng cho những điều mà tôi đã viết, đã nói vào cuộc họp báo ngày ra mắt “Xách ba lô lên và đi” tập 2 ngày 19/9 tới.

- Theo bạn, hành trang cần nhất khi đi “phượt” như bạn là gì?

Kiểu du lịch của tôi, cần nhất có lẽ là “liều”. Không liều có lẽ tôi chẳng đi đâu được. Và cả gan lì nữa. Tuy nhiên có liều và gan đến đâu, bạn cũng cần phải hiểu rõ nơi mình đến và những nguy hiểm mình có thể gặp trên đường. Tôi không lên đường với cái đầu rỗng tuếch, cũng không lên đường với ý nghĩ ngây thơ cứ đi là sẽ đến.

- Đâu là mục tiêu trong chuyến đi tới mỗi nước của bạn?

Tôi đi là để thỏa mãn ham muốn khám phá của mình, muốn xem ở ngoài kia có cái gì hay ho. Tôi không đặt mục tiêu theo kiểu đến nước A mình sẽ làm gì, nước B mình sẽ phải đi những đâu? Tôi đến một nơi và dời đi khi bản thân mình cảm thấy đã đủ hiểu nơi đó.

- Chắc hẳn, sau chuyến trở về này, bạn sẽ lại tiếp tục hành trình chinh phục năm châu của mình?

Tôi chưa có dự định gì sau chuyến đi châu Mỹ. Tôi có thể ở nhà, tìm công việc gì đó, lấy chồng, sinh con như một người con gái bình thường (Cười). Nhưng biết đâu đấy, có lẽ ngày mai tôi lại lên đường!

Cảm ơn những chia sẻ của Huyền Chip!

Du lịch, GO! hoàn toàn không có ý kiến gì về việc này. Một nhật ký hay hồi ký, nếu ta cảm nhận được, nếu ưng ý: ta có thể đọc trọn vẹn đến chữ cuối cùng - bằng không thì thôi, bạn cứ cho đó là một quyển tiểu thuyết. Thật hay không thì dù gì cô ấy đã viết lên được những quyển sách được rất nhiều người thích... và chắc chắn khi đạt đến giới hạn cũng sẽ có người không thích. Cũng cần nhớ điều này: Du lịch (thụ hưởng) và phượt bụi... khác nhau nhiều lắm.
Xin gởi lời nhắn nhủ cho Huyền Chip: Đời gian truân, bạn hãy cứ tự tin mà trên trên gót chân của chính mình. Còn với bạn: Có lẽ, ta không cần quan trọng hóa vấn đề làm chi...

Huyền Chip tên thật là Nguyễn Thị Khánh Huyền, sinh ngày 19/9/1990, quê ở Nam Định.
Cô quyết định đi làm ngay khi tốt nghiệp lớp chuyên Toán, khối THPT chuyên ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội. Huyền Chip còn là người khởi xướng chiến dịch Free Hugs Ôm trọn trái tim và yêu thương ở Việt Nam vào năm 2007.

Cô từng làm Online Marketing cho Youth Asia, công ty tổ chức hội nghị YES 2009 quy tụ 500 bạn trẻ đến từ 10 nước Đông Nam Á cùng trao đổi về việc làm thế nào để có một thế giới tốt đẹp hơn.
Ngày 13/5/2010, Huyền Chip đã nghỉ việc và thực hiện chuyến độc hành xuyên lục địa, bắt đầu từ Bruney. Hai mươi tuổi, Huyền Chip đã du lịch qua 25 nước thuộc nhiều châu lục khác nhau trên thế giới với 700 USD trong túi.

Hai năm sau chuyến đi, trở về, Huyền cho ra mắt cuốn nhật ký “Xách ba-lô lên và đi” tập 1 mang tên: “Châu Á là nhà. Đừng khóc”. Những trang viết đầy cảm xúc của Huyền Chip - cô gái dám đi, dám trải nghiệm đã nhận được sự yêu mến đặc biệt của độc giả, đặc biệt là giới trẻ. Vừa phát hành vài ngày nhưng đã lên "top" của nhiều trang bán sách online và các nhà sách lớn trên toàn quốc.

Tháng 9/2013, Huyền Chip trở về từ Nam Mỹ và tiếp tục chuẩn bị ra mắt cuốn sách "Xách ba-lô lên và đi” tập 2 kể về những trải nghiệm ở châu Phi. Dự kiến, cuốn sách sẽ được ra mắt vào ngày 19/9 tại Hà Nội.

Du lịch, GO! xin trích lại để các bạn tường.
Ảnh từ internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 

Sample text

Sample Text

Sample Text

 
Blogger Templates