(LĐ) - Hòn đảo chỉ có một túp lều...
Trong những lần dọc ngang trên vịnh Thái Lan, đi trên lãnh hải Việt Nam dọc các tỉnh miền Tây Nam Bộ, tôi từng nhiều lần giật mình vì cuộc sống hoang sơ và tột cùng khó tin của những hòn đảo nhỏ bé.
Khoảng chừng 200 đảo, có đảo chỉ một gia đình sinh sống, mấy chục năm qua, “chúa đảo” luôn là… nữ giới. Có đảo lay lắt một gia đình Rôbinsơn. Có đảo tràn ngập gái mại dâm như một 'thiên đường tình dục' cho đám thuỷ thủ giữa điệp trùng sóng gió... Và, bây giờ, sau hàng nghìn cây số, sau 2 chuyến bay liên tiếp, sau cả ngày ngồi tàu máy đinh tai nhức óc của ngư dân đảo Phú Quốc, tôi lại chứng kiến một “ám ảnh đảo hoang” buồn tê tái nữa. Đảo chỉ có một túp lều với những con người tàn tật, nghèo khổ, cùng nhau đi biển tìm cá xương xanh để mưu sinh.
Không hiểu tại sao họ vẫn làm Rôbinsơn...
Xã đảo Hòn Thơm, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang có gần 2.000 dân. Xã trải rộng trên 16 hòn đảo lớn - nhỏ nhưng chỉ có 4 hòn có cư dân sinh sống. Trong đó, lạ kỳ thay, 2 hòn tít hút đường chân trời là hòn Mây Rút và hòn Rông Ngang - mỗi đảo chỉ có 1 gia đình cư ngụ. Hòn Mây Rút có duy nhất gia đình bà Bảy Yên là “nữ chúa” đã 50 năm ròng, kinh tế khá giả, nhà xây, vườn rộng, thuyền lớn. Tuy nhiên, ở bài viết này, tôi muốn kể chuyện hòn Rông Ngang, hay còn gọi là hòn Dùng Dì.
Nhìn trên bản đồ, các hòn đảo của quần đảo An Thới hầu hết bé như một cái chấm lửng ảo mờ, nhìn trên máy bay ATR 72 trên chuyến bay Phú Quốc - TPHCM, lần nào tôi cũng cố nhẩm trong đầu để phân biệt đâu là hòn Rông Ngang mà không sao làm nổi. May quá, cán bộ huyện đảo "bật mí", hình như cạnh đảo Rông Ngang là hòn Kim Quy, ở trên giời vén mây nhòm xuống, hòn Kim Quy đích thị là một con rùa với cái đầu thò ra khỏi mai. Tôi xuyên qua mây mù, nhìn hòn Kim Quy “bơi lội” giữa đại dương mà áng chừng Rông Ngang là một trong những cái vệt mờ xám giữa vịnh Thái Lan lóng lánh trong nắng vàng kia...
Càng nhòm, cái mong muốn đặt chân đến Rông Ngang, tặng quà, thăm hỏi gia đình anh chàng Vương Chính Trung và cô vợ tàn tật, những đứa con như “khỉ hoang” của anh ta (tôi từng nghe ngư dân đồn đại) càng thôi thúc mãi trong tôi. Cả khu vực biển đảo mênh mông, xa cách đảo Phú Quốc bởi một vụng nước kỳ lạ - sâu kỷ lục ở mức 50-70m - đến giờ vẫn không có điện lưới.
Lại không có phương tiện gì có thể ra Rông Ngang ngoài việc thuê tàu đánh cá của ngư dân, chúng tôi bèn cưỡi sóng cập vào đảo Hòn Thơm, ngủ nhờ trạm biên phòng Hòn Thơm (của đồn An Thới) một đêm để “trinh sát”, lần đường. Đảo lớn nhất trong quần đảo An Thới - Hòn Thơm - cũng là một bụm đất nổi thưa thớt, 99% nhà cửa công trình lợp tạm bợ bằng lá dừa, cũng là một loại đảo chạy gió. Bà con tích cóp được cái gì, cứ mua vàng đeo ở cổ, gió về là chạy. Gió chướng thổi thì rời ấp Bãi Chướng, vọt sang phía bên kia sườn đảo, nấp sau lưng đảo, để mặc nhà cửa lều lán bên này cho gió thốc tơi bời.
Bao giờ bên kia đến mùa phải hứng gió lớn, lại chạy vòng về Bãi Chướng. “Đấy, Hòn Thơm mà còn thế, thì hòn Rông Ngang bé tẹo với một túp lều như nhà ông Vương Chính Trung, khổ gấp trăm lần giữa phong ba bão táp, anh ạ” - một chiến sĩ biên phòng nhiều năm gắn bó với quần đảo An Thới thở dài: “Nhiều lúc ra thăm, thấy người ta rách rưới, chạy lóc chóc... từ trên cây dừa xuống, trẻ con người toàn bùn đất. Nhìn cảnh đó, em rơi nước mắt!”.
Anh Sơn - Phó trưởng Công an xã Hòn Thơm - kể, thỉnh thoảng, tết nhất, cán bộ vẫn ra đó tặng ít muối, mì chính hay dầu ăn cho gia đình anh Trung, họ không có tài sản gì ngoài một con tàu trị giá vài trăm nghìn, cũ và bé đến mức, “các anh cứ thuê tàu mà ra thăm, tàu của ông Trung chỉ có thể đi men bờ đảo với mấy ghềnh đá ấy thôi. Đi xa là “toi”. Vì thế, cứ ra, kiểu gì cũng gặp “ổng”.
Linh và Dụng (hai sĩ quan biên phòng của trạm Hòn Thơm) ngồi ở mũi tàu cá làm hướng đạo, chúng tôi cắt biển, trực chỉ Rông Ngang. Mặt trời đứng bóng, tiếng nổ nhức óc vẫn không cho ai nói với ai được một câu. Biển xanh thắm. Sóng dâng cao, té ướt hết cả mấy anh em trên tàu. Chỉ còn lác đác vài cái thuyền của người lặn biển, họ cắm sào, lặn tìm xác tàu đắm, tìm những thức quà đắt đỏ và hiểm nguy của đại dương. Có cụm đá nổi lên giữa biển như một trạm nghiên cứu bí ẩn của người ngoài hành tinh.
Tôi sững sờ nhớ lời của PGS-TS Trịnh Dánh - nguyên Giám đốc Bảo tàng Địa chất Việt Nam - rằng ông và nhiều nhà khoa học đã khảo sát, muốn xây dựng một khu bảo tồn địa chất để tôn vinh các gờ đá, các đảo đá, mỏm đá ở chính khu vực An Thới này. Các rặng san hô bên dưới, tương tác với nắng vàng và biển xanh, tạo thành cả một vùng biển sặc sỡ đủ màu xanh, đen, vàng, hồng... Toàn bộ khu vực ven đảo do Vương Chính Trung làm “chúa” kia đã được các chuyên gia bảo tồn biển khoanh vùng, bảo vệ nghiêm ngặt.
“Chúa đảo bất đắc dĩ” cõng vợ đi biển
Tàu cập bãi cát. Phải nói thế này, nếu đúng Phú Quốc là thiên đường du lịch, thì Rông Ngang đích thị là một trong những nơi đẹp nhất! Đá, các kỳ quan phong hoá, san hô, biển đảo hiện ra như trong truyện cổ tích. Nhà của “chúa đảo” Trung liêu xiêu lợp tạm bằng lá lẩu. Một thằng bé hơn chục tuổi, ăn mặc tềnh toàng leo từ trên cây dừa xuống với tốc độ nhanh đến ngạc nhiên, thằng nữa từ ngoài triền cây đỉnh đảo ào về. Cả hai tủm tỉm cười rồi ngơ ngác nhìn khách. Trong bóng tối của túp lều, “nữ chúa đảo” Lê Ngọc Quê (SN 1976) xoã tóc, răng gãy nhiều cái làm cho nụ cười rất... lạ, dò xét nhìn chúng tôi, đôi chân không tự di chuyển được oặt ẹo nằm trong bóng tối, “chồng tui ngoài kia kìa”.
< Vợ chồng anh Trung “chúa đảo” và 2 đứa con, cả hòn đảo Rông Ngang chỉ có 4 người này sinh sống.
Từ dưới con tàu cũ gỉ đang dập dềnh chân sóng, người đàn ông đầy dầu mỡ, quần dài cắt cụt thành quần... soóc thập thõm đi vào. Anh Vương Chính Trung tiếp khách với nụ cười hiền lành, nhưng không mấy cảm xúc. Nhiều người bảo anh có vấn đề... nhè nhẹ về tâm thần, có lẽ vì thế.
Anh Trung xua hai thằng con thoăn thoắt leo lên các ngọn dừa hái quả về đãi khách. “Nước ngọt ở đây không có. Có lần các nhà địa chất ở Tây Nguyên, rồi ở cả Hà Nội vào khoan tìm, cũng không thấy. Thôi, các anh uống tạm nước... dừa. Tui tiếc vườn dừa đầy đảo Rông Ngang này, nên cứ bám đất này. Chứ mấy “ổng” cũng khuyên vào Hòn Thơm, vào An Thới (thị trấn) cho con cái học hành đi, ở ngoài này khổ quá...”. Người gốc ở thị xã Hà Tiên, một lần đi đánh cá lưu lạc ra quần đảo này, ghé Rông Ngang xin nước uống, anh Trung phải lòng cô Ngọc Quê. Bấy giờ cô Quê đã bị bại liệt, hỏng cả hai chân và đảo này còn có bố mẹ và anh em ruột cô Quê sinh sống.
< Hai con đại bàng Phú Quốc (loài quý hiếm) vừa bóc trứng đã bị bắt, nuôi tại nhà trước khi bán cho các đại gia chơi chim.
Cách đây 9 năm, ông Lê Văn Việt, bà Phạm Thị Thái (bố mẹ của Quê) đã bán một phần đất trên đảo (người mua chưa đến ở) rồi vào An Thới để yên phần tuổi già, đồng thời lo tính kế cho con cháu tiếp xúc với trường lớp. 15 năm trôi qua, chàng rể đảo Rông Ngang và cô Quê đã sinh được 2 thằng con trai - đứa lớn Vương Lê Ngọc Chánh (14 tuổi), đứa thứ hai Vương Lê Hồng Thuỷ cũng đã quá tuổi vào lớp 1 được... dăm năm mà chưa bao giờ biết trên đời có thứ gọi là học hành. Anh Trung cũng chưa bao giờ đi học, cô Quê lại càng không.
Đứa lớn Ngọc Chánh có thời gian được cán bộ bảo tồn biển khi làm dự án ở khu vực nhà “ông bà chúa đảo” đưa đi học và phải vào trong đảo Hòn Thơm, ở nhờ nhà người anh em kết nghĩa của bố Trung, để hằng ngày theo chúng bạn học chữ. “Được vài hôm, “ổng” (anh bạn) nhậu dữ quá, xỉn tối ngày, thế là nó không cho thằng Chánh đi học nữa. Thằng nhóc trốn theo thuyền đánh cá ra lại Rông Ngang, từ bấy, cả nhà mù chữ luôn” - anh Trung kể. Hai thằng bé gầy nhẳng, ăn mặc lếch thếch, theo bố mẹ đi biển từ tấm bé, giờ hơn 10 tuổi đầu mà đã (lắm khi) phải đi theo thuyền làm thuê cho người đánh cá xa nhà, mỗi ngày kiếm 80.000 đồng. “Độ này dầu đắt quá, đi đánh cá bằng thuyền “phế liệu” 12 mã lực của tui thì lỗ vốn.
< San hô ở biển Hòn Rông Ngang.
Thế là cho con đi làm thuê, mình đánh ven bờ. Sáng ra, bế vợ lên mũi thuyền ngồi, nổ máy ra khơi tìm cá xương xanh, thường là đi đến tối mới về, nếu trời yên bể lặng... Để vợ ở nhà một mình thì không có ai trông, chăm sóc, nhỡ ốm đau hay gặp ai bắt nạt, biết kêu ai? Mà lên thuyền ngồi, vợ tui biết nhìn luồng cá, biết nhòm mây trời “dự báo” mưa gió, đã nhiều lần cứu chồng đó” - anh Trung khoe. Không thẻ hộ nghèo, không trợ cấp người tàn tật hay khó khăn gì. “Từ tháng 5.2010, xã vừa cấp cho thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo. Uống thuốc không mất tiền, nhưng chích (tiêm) thì phải mất tiền”.
Ba - bốn tháng may ra có một vị khách giữa mênh mông đại dương ghé vào xin hớp nước. Mỗi sáng thức dậy, Trung lại cõng cô vợ liệt hai chân thả lên đầu thuyền lên đường kiếm cá, hai đứa trẻ ở tuổi thò lò mũi xanh không đi vào Hòn Thơm làm thuê, thì cũng lên thuyền vươn khơi cùng cha mẹ. Cái gia đình “chúa đảo” tàn tật, mù chữ, nghèo khó đó cứ lăn lóc như sỏi đá của biển, như rừng dừa bạt ngàn phủ kín Rông Ngang. Hỏi, sao anh không đưa vợ con vào trung tâm xã, vào đất liền, anh Trung trả lời: “Làm gì có đất nào ở trong đó để mà sống, đất của vợ chồng tui là hòn đảo này bố mẹ vợ “cắt đất” cho 15 năm trước. Tui cũng tiếc vườn dừa này lắm, cắt dừa đem đổi lấy gạo chạy đói thôi”.
Hoá ra, làm “chúa đảo” cũng thật nhọc nhằn.
Dulichgo: Hòn Rông Ngang còn có những tên gọi khác như hòn Gầm Ghì, hòn An Đông, hòn Dùng Dì. Đây là một trong những hòn của quần đảo An Thới, cách cực Nam Phú Quốc 12km (tính từ mũi Cao Tộc - Phú Quốc). Hòn có chiều ngang khoảng 900m, cách không xa là hòn Móng Tay (phía Nam) và hòn Xưởng (phía Bắc). Trên đảo có rừng và các bãi đá đẹp. biển gồm nhiều loại san hô phong phú.
Hết.
Xem thêm >
Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3 - Kỳ 4 - Kỳ 5 - Kỳ 6
Theo Đỗ Doãn Hoàng (báo Lao Động)
Du lịch, GO!
Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2013
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét