Vượt chặng đường dài hơn 40km từ thị xã Lai Châu, chúng tôi về thăm xã Ma Ly Pho thuộc huyện Phong Thổ. Ma Ly Pho là mảnh đất xa ngái của tỉnh địa đầu Lai Châu, nơi biên thùy của Tổ quốc thiêng liêng. Nắng gió Ma Ly Pho được cộng hưởng tuyệt vời của dòng Nậm Na - chi lưu lớn của dòng Đà giang khi nhập vào Việt Nam đã uốn lượn tưới dòng nước đầu tiên cho vùng đất này.
Ma Ly Pho là xã giáp biên có tổng diện tích tự nhiên 5.587,81 ha, nhưng có tới 13 km đường biên giới. Xã có 9 bản, 571 hộ, 2.422 nhân khẩu với 5 dân tộc Dao, Thái, Kinh, Hoa và Khơ Mú, trong đó dân tộc Dao chiếm tám mươi hai phần trăm dân số.
< Tắm bên mó nước dòng Nậm Na.
Một xã miền biên viễn dân số không đông, cuộc sống của người dân nhiều năm trước đây chỉ trông vào việc phát rừng làm nương rẫy bởi ruộng nước chỉ có 143 ha, trong đó ruộng cấy được hai vụ chỉ vỏn vẹn 10 ha. Do vậy nên Ma Ly Pho nhiều năm trước kia thuộc xã nghèo, mới đây mới được đưa ra khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn nhờ bà con đã phát huy nội lực, đưa giống ngô lai mới vào thâm canh, tăng vụ theo hướng hàng hóa.
Ma Ly Pho thuần hậu và đẹp tinh khiết. Có nhà thơ đã ví: “Lối vào Ma Ly Pho như sợi chỉ xuyên qua xống váy Mèo”, hình tượng nghệ thuật ấy giờ đây vẫn nguyên vẹn khi Ma Ly Pho có những cô gái dân tộc Mông xinh đẹp ngày ngày tắm dòng Nậm Na, phơi váy mèo trên những dải cỏ xanh mướt mát bốn mùa.
Ma Ly Pho đọc chệch đi là Mã Lỳ Pho nghĩa là “dốc sức ngựa”. Ma Ly Pho hiểm trở, thăm thẳm gập ghềnh những dãy núi chênh vênh xám nghoét đá. Đấy là thử thách với bất kỳ ai muốn khám phá mảnh đất huyền bí thơ mộng và hoang dã này. Những dốc lên thẳng đứng, dốc xuống hoắm sâu luôn là “bài tập” trắc nghiệm cho sự can đảm, mạo hiểm của người ưa khám phá.
Nhưng nếu có đủ bản lĩnh vượt qua “dốc sức ngựa” bạn sẽ thấy một Ma Ly Pho hiền lành như cô gái. Ở đấy không có những ngôi nhà khang trang, toàn nhà sàn hoặc nhà trình tường, những cô gái Mông bên bậu cửa chăm chỉ thêu dệt và nhoẻn những nụ cười tươi như hoa cúc quỳ bên sườn núi.
Những món ăn cầu kỳ của vùng Tây Bắc cũng được Ma Ly Pho hội tụ như một tinh hoa đất trời. Này món “khâu nhục” với thịt lợn đã được hầm cách thủy trông bóng nhẫy. Đây “thắng cố” ngựa còn thơm mùi cỏ non, mùa đông tê rét có được bát “tháng cố” ngun ngút khói cũng cảm thấy ấm lòng, ấm dạ.
Từ hoàng hôn, người lạ đến Ma Ly Pho sẽ phải trải qua cảm giác đượm buồn của mảnh đất biên thùy. Khói lam chiều từ những ngôi nhà sàn bên sườn núi bay theo gió, quẩn vào những tán cây rừng rồi hoà vào màn sương sẽ cho bạn một cảm giác đậm đặc buồn. Nhưng cảm giác ấy cũng rất cần thiết cho những người ưa khám phá, đặc biệt với Ma Ly Pho.
Đêm đến, lẻ tẻ trên sườn đồi, trên lưng chừng núi hay dưới những thung lũng xa xa có ánh đèn lập lòe như những chú đom đóm bay đêm. Nhưng bạn cũng dễ dàng chọn được “đất lành” ở Ma Ly Pho để cắm trại qua đêm, hay chọn những hang đá đốt lửa sưởi ấm và nướng cá bắt ở dòng Nậm Na.
Và cuối cùng là tình người Ma Ly Pho lúc nào cũng hừng hực bởi tính hiếu khách, thật thà hiếm có của người Mông bản địa. Không khí chan hòa ấy đem lại cho mỗi người như cảm giác là người một nhà - mái nhà chung là Ma Ly Pho. Khi bạn rời xa, họ sẽ tiễn chân kèm theo câu với gọi: “U mạn gi” tức là, hẹn gặp lại!
Theo An Ninh Thủ Đô
Du lịch, GO!
Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét