Pages

Thứ Tư, 18 tháng 9, 2013

Hồ Thới Lới trên đảo tỏi.

Từ bao nhiêu đời nay, cứ vào mùa hè thì hàng nghìn hộ dân sinh sống trên xã đảo Lý Sơn đều phải đối mặt với việc thiếu nước sinh hoạt hàng ngày và thiếu nước tưới cho các loại cây trồng.

< Núi Thới Lới nhìn từ biển.

Riêng tại đảo lớn có nguồn nước ngọt nhưng vào mùa hè hầu hết các giếng đều bị cạn kiệt, có năm duy nhất chỉ còn 'Giếng vua' là không giờ cạn. Nước phục vụ nhu cầu ăn, uống của cả đảo đều trông nhờ vào giếng này. Vậy nhưng tại đảo Bé kề cận lại hoàn toàn không có nước ngọt, nhân dân ở đây phải xây hồ, mua lu để chứa nước mưa dùng sinh hoạt hàng ngày. Còn vào mùa nắng hạn phải chạy thuyền qua đảo lớn mua nước ngọt, có năm giá lên đến 200.000 đồng/mét khối.

< Đỉnh Thới Lới khô cằn lúc đang thi công đập...

Không chỉ khổ về nước sinh hoạt mà sản xuất cũng đình trệ khi vào mùa hạn dù diện tích đất đai trên đảo rất màu mỡ. Vậy nhưng do không chủ động nguồn nước tưới nên việc sản xuất hành, tỏi của người dân gặp nhiều khó khăn. Để giúp bà con chủ động nước trong sản xuất, sinh hoạt, từng bước vươn lên xoá đói giảm nghèo: năm 2010, tỉnh đầu tư trên 32 tỷ đồng xây dựng công trình hồ chứa nước Thới Lới.

< ... nhưng bắt đầu có nước khi hoàn thành đập chặn.

Hồ chứa nước được xây dựng trên đỉnh ngọn núi Thới Lới (thôn Đông, xã An Hải) với diện tích lòng hồ gần 10 ha, được xây dựng trên cơ sở tận dụng lợi thế của miệng núi lửa hình thành từ hàng triệu năm để tích nước. Công trình do Công ty cổ phần Phát triển cơ sở hạ tầng Quảng Ngãi thi công, được thiết kế xây dựng theo hình thức kết cấu bê tông chống thấm để tích nước trong mùa mưa.

< Sau khi chặn dòng, mực nước trong lòng hồ đã dâng lên từ 5-7m.

Theo thiết kế, hồ có dung tích chứa nước mưa trên 270 nghìn mét khối với các hạng mục chính như: Đập dâng bằng bê tông cốt thép chịu lực dài 208 m, cao 11 mét, trong đó hệ thống van tràn xả lũ rộng 10 mét, cao trình 120 mét, mực nước dâng bình thường trên 119 mét so với mặt nước biển; hệ thống bể chứa nước, bể lọc có dung tích trên 1.600 m³ và hơn 1.000 mét đường ống dẫn nước các loại đến khu dân cư và đất trồng trọt.

< Sau khi lòng hồ có nước, cò trắng đã về đây kiếm ăn ngày một nhiều.

Để xây dựng hồ, công ty đã xây lắp trên 5.000m³ bêtông, đào đắp hơn 10.000m³ đất đá các loại và nhiều hạng mục phụ trợ khác. Hồi tháng 7/2010, khu vực lòng hồ khô nứt nẻ chẳng có sự sống chút nào. Ngày đó, để có nước phục vụ thi công, người ta phải khoan giếng giữa miệng núi lửa nhưng vẫn không đủ nước xây dưng. Tuy nhiên, khi chặn dòng vào đầu năm 2012: dù đang là mùa khô nhưng mực nước ở khu vực lòng hồ đã dâng lên được 5- 7m.

< Từ chỏm đá cao nhất trên đỉnh Thới Lới nhìn xuống hồ, phía dưới nữa là những cánh đồng tỏi, khu dân cư với biển phía xa xa.

Xây dựng 1 hồ thủy lợi có quy mô nhỏ với ít ỏi hạng mục như hồ Thới Lới kể trên, nếu thực hiện dưới đồng bằng thì đó là 'chuyện cỏn con'. Thế nhưng khi thực hiện ngoài đảo, lại trên đỉnh ngọn núi lửa có độ cao 149m so mặt nước biển thì quả là gian nan.

< Nhà điều hành nguồn nước.

Để xây dựng công trình hồ Thới Lới cần đến 3.000 khối cát; 2.000 tấn xi măng; 6.800m³ đá dăm, đá hộc và 100 tấn sắt... Toàn bộ số lượng vật tư kể trên đều được lấy từ thành phố Quảng Ngãi rồi vận chuyển dần sang đảo Lý Sơn.

Vật tư được chuyển dần từng chuyến xe từ thành phố ra cảng Dung Quất rồi từ bến cảng chuyển xuống xà lang, từ xà lang vận chuyển ra cảng dân sự của huyện đảo Lý Sơn. Vật tư được đưa xuống tập kết tại dọc bờ biển thuộc bến cảng cách địa điểm xây dựng hồ 5 km, sau đó được 'cõng' lên đỉnh núi Thới Lới.

< Công nhân đang lắp đặt hệ thống van điều tiết nước phục vụ tưới tiêu, sinh hoạt cho nhân dân huyện đảo Lý Sơn.

Lúc trời yên biển lặng thì xà lan còn chở được kha khá, nếu trời gió cấp 5 cấp 6 thì chỉ dám chở rất ít. Với chặng đường biển dài 20 hải lý, những chiếc xà lan nặng nề phải đi mất 2 ngày mới tới Lý Sơn, gian nan không kể xiết. Do đó, công trình nhỏ là vậy nhưng phải xây dựng 18 tháng ròng rã mới hoàn thành.

< Người mừng, tỏi cũng mừng.

Tháng 5/2012, hồ được bàn giao và đưa vào sử dụng. Công trình hoàn thành, cung cấp nước sạch cho hơn 1.000 nhân khẩu, phục vụ nước ngọt, dịch vụ hậu cần nghề cá  cho khoảng 300 tàu của ngư dân neo đậu tại vũng Mù U và cung cấp nước tưới cho hơn  60 ha đất canh tác. Đây là công trình nhân dân huyện Lý Sơn mong đợi hàng trăm năm, nay mới trở thành hiện thực. Đây cũng là công trình hồ chứa nước được xây dựng tại miệng núi lửa trên huyện đảo đầu tiên trong cả nước.

< Đường lên đỉnh Thới Lới.

Ngày nay, chạy xe máy vượt con dốc dựng đứng dài 600 m lên đình núi rồi đứng trước hồ chứa nước Thới Lới, ta không thể không choáng ngợp trước thiên nhiên vừa mạnh mẽ, vừa dịu dàng. Giữa lòng chảo của đỉnh núi lửa đầy nham thạch khổng lồ ấy, dòng nước trong xanh in bóng mây trời bảng lảng trôi khiến hồ vừa là nơi trữ nước, vừa trở thành 'thắng cảnh' trên xứ tỏi.

< Hồ đầy ắp nước trong mùa mưa.

Huyện Lý Sơn cũng đang phối hợp cùng các ngành chức năng của tỉnh xúc tiến nghiên cứu để tiếp tục đầu tư xây dựng các hồ chứa nước ở miệng núi lửa Giếng Tiền và Hòn Sỏi trong thời gian tới, nhằm chủ động và đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ cho nhân dân xã An Vĩnh.

Huyện Lý Sơn hiện có 3 xã, gồm: An Hải, An Vĩnh và An Bình, trong đó hai xã An Hải và An Vĩnh nằm ở đảo lớn mà ngày xưa thường gọi là Cù Lao Ré. Còn xã An Bình gọi là đảo Bé cách đảo lớn khoảng 5 hải lý về phía Bắc.

Riêng tại đảo lớn có 5 miệng chảo núi lửa trên năm đỉnh núi, trong đó có 3 miệng núi lửa lớn có thể xây dựng thành hồ chứa nước: một ở đỉnh núi Thới Lới (xã An Hải) và 2 miệng núi lửa khác là Giếng Tiền, Hòn Sỏi thuộc xã An Vĩnh. Những miệng núi lửa này cũng là những điểm du khách thường đến thưởng ngoạn khi ra đảo tham quan.

Du lịch, GO!
Ảnh từ internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 

Sample text

Sample Text

Sample Text

 
Blogger Templates