Pages

Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

Du lịch sinh thái cồn Đen

Lữ khách phương xa khi đến Nam Định vẫn thường nghe câu ngỏ rằng:
“Cồn Lu Cồn Ngạn Cồn Mờ,
Trong ba Cồn ấy, anh mơ Cồn nào ?”.
... thì khi về đến Thái Bình bạn sẽ được nghe câu:
“Cồn Đen Cồn Thủ Cồn Vành,
Kìa thêm Cồn nữa, Cồn Mờ thứ tư”.

< Bình minh trên Cồn Đen.

Tại quê hương năm tấn, du khách sẽ được chiêm ngưỡng không chỉ ba mà đến bốn cồn cát đẹp tựa trong tranh gồm: Cồn Vành - Cồn Thủ ở Tiền Hải, Cồn Đen ở Thái Thụy và một cồn cát đang dần hình thành phía nam Cồn Đen với một tên gọi mới là Cồn Mờ.

Cồn Vành - Cồn Thủ thì Dulịch, GO! đã có dịp giới thiệu với bạn rồi nên bài viết này sẽ đề cập đến cồn Đen. Cồn Đen là một cồn cát hoang sơ nằm cách đất liền 3 km thuộc xã Thái Đô, Thái Thuỵ, Thái Bình. Cách Thị trấn Diêm Điền 15 km về phía Nam và cách trung tâm thành phố Thái Bình khoảng 40 km về phía Tây.

Đây là dải cồn cát có diện tích 1.150ha, dài khoảng 3km, chiều rộng chỗ lớn nhất khoảng 700m, chỗ hẹp nhất 450m.

Cồn Đen được hình thành do kiến tạo bồi đắp phù sa và bùn cát của sông Trà Lý dưới tác động của dòng chảy giữa sông và chế độ thủy động lực vùng ven biển tạo thành nên có địa hình tương đối bằng phẳng. Phía Nam của cồn cát hiện nay vẫn đang tiếp tục được bồi tụ và phát triển dài dưới dạng các mũi cát chạy song song với đường bờ.

Cồn Đen nằm trong khu vực dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 2004. Đến nay khung cảnh tự nhiên trên cồn vẫn còn hoang sơ, được nhiều người đánh giá là cồn biển đẹp nhất miền Bắc với vùng cảnh quan trải dài bao gồm các bãi cát mịn và khu vực nuôi ngao.

Dọc theo cồn cát là dải thông xanh, khu vực phía trong là thảm thực vật còn nguyên sơ, hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển độc đáo với các loài thực vật như dừa nước, hoa muống biển, cây vẹt, cây bần, cây sú.
Khu vực này hiện có khoảng 200 loài chim, trong đó có gần 60 loài chim di cư, hơn 50 loài chim nước; nhiều loài chim quý hiếm được ghi trong Sách đỏ thế giới như: cò thìa, mòng bể, rẽ mỏ thìa, cà trắng bắc…

Rừng ngập mặn ở đây không chỉ là 'bức tường xanh' bảo vệ đê biển, làng xóm khỏi bị tàn phá bởi gió bão mà còn là nơi cung cấp nguồn lợi thủy hải sản phong phú cùng với 500 loài động vật thủy sinh và cỏ biển có giá trị kinh tế cao. Tất cả đã tạo nên vẻ đẹp và sức hấp dẫn lạ kỳ đối với cồn cát này.

Khi đến cồn Đen, du khách vừa thỏa sức tìm hiểu thế giới thiên nhiên ven biển kỳ thú, ngắm những đợt sóng trắng xóa ào ạt xô bờ, tận hưởng những làm gió mát lành từ biển thổi vào. Từ khu du lịch sinh thái cồn Đen, có thể đi dọc các xã ven biển, khám phá quần thể rừng ngập mặn với diện tích gần 4.000 ha, thăm quan Khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và một số di tích đình, đền, chùa ở Thái Thụy và thưởng thức món đặc trưng của người dân quê biển như: nộm sứa, gỏi nhệch, nước mắm Diêm Điền…

Trên khu vực cồn Đen, đường đi lại chủ yếu bằng đường đất, ngoài một trung tâm điều hành sản xuất giống ngao và đồn Biên phòng thì hiện này chưa có dân cư sinh sống nên nguồn nước ngọt phải tự cấp bằng nước mưa, hệ thống điện sử dụng máy phát cục bộ, hệ thống thoát nước chủ  yếu là các mương xây lấy nước phục vụ nuôi trồng thủy sản.

Năm 2010, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch chung Khu du lịch sinh thái cồn Đen với diện tích 1.150ha gồm toàn bộ khu vực cồn Đen và một phần diện tích nuôi trồng thủy sản thuộc xã Thái Đô. Theo đó, cồn Đen sẽ được quy hoạch thành khu du lịch sinh thái có bãi tắm biển, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí (sân thể thao, khu trượt nước), khu du lịch văn hóa tổng hợp, trung tâm mua sắm, hệ thống cây xanh...

Đường đến đó không quá khó đi vì Cồn Đen chỉ cách trung tâm thành phố Thái Bình khoảng chừng 45 km. Nếu từ TP, khách nên đi theo hướng cầu Thái Bình, sau đó đến ngã tư Gia Lễ thuộc huyện Đông Hưng rồi rẽ phải - Chạy xe thẳng tiến đến chân cầu Vô Hối thuộc Thái Thụy thì rẽ phải tiếp chạy dọc bên bờ nam sông Diêm, đến ngã ba Vị Dương rồi rẽ phải lần nữa, đi đến ngã ba Chợ Phố Thái Phúc chúng ta rẽ về bên trái rồi chạy thẳng băng qua ngã tư, qua Thái Hưng (khu nhà thờ). Đến ngã tư trên rẽ phải đi qua Thái An và chạy thẳng tiếp băng qua ngã tư Chợ Lục - Thái Xuyên là đến vùng viên giới biển (frontier) thuộc xã Thái Đô.

Sau khi rẽ trái theo đường trục qua Ủy ban nhân dân, Trường THCS, Trường tiểu học (Thái Đô), khách rẽ phải tiếp lên con đê của dự án (đê mới đổ bê tông) chừng độ hơn 3km là sẽ nhìn thấy khu Du lịch sinh thái cồn Đen hiện ra.

Sau khi gửi xe, chúng ta đi bộ qua cây cầu gỗ dài chừng 500m, đi qua cầu phao bằng tre bắc qua con sông nhỏ là khách đã có mặt ở trung tâm của khu du lịch sinh thái Cồn Đen.

Du lịch, GO! - ảnh internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

 

Sample text

Sample Text

Sample Text

 
Blogger Templates