< Từ quốc lộ nhìn ra vịnh xanh Xuân Đài.
Từ đèo Nại cắt QLIA có một dãy núi chạy xuống hướng Đông bao bọc lấy vịnh Xuân Đài. Bờ vịnh do cấu tạo địa chất nên chỗ thì nhô ra xa ngoài biển, nơi trũng lõm vào, tạo thành nhiều vũng. Tên của các vũng này, theo dân gian đều mang mỗi một ý nghĩa riêng biệt...
< Vũng Mắm.
- Vũng Mắm: là do người dân sống tại nơi này hầu hết đều làm nghề muối mắm, nên vùng đất được đặt thành tên.
- Vũng Dông: vũng này có một gò cát chạy dọc sát mép nước, là nơi cư trú của loài dông, một loại bò sát họ thằn lằn, rắn mối. Chúng đào hang rất sâu dưới tầng cát để ẩn nấp. Cư dân nơi đây thường đặt bẫy hoặc bắt để làm thức ăn hàng ngày cho cả gia đình hay mang bán tại các chợ.
< Vũng Me.
- Vũng Chào: dân vùng này làm nghề lưới cản, thường bắt được các loại cá to như cá bò, cá ngừ… Mỗi khi bắt được nhiều cá, ghe buồm từ các nơi khác đến mua đem bán nơi xa, ngư dân thường phải tiếp đón một cách niềm nở, luôn tươi cười mời chào để mua bán đắt hàng, lâu thành ra tên cho đất này.
- Vũng La: vũng La là vũng nằm ở đoạn cuối cùng của dãy núi hình vòng cung này. Vũng nằm giáp với biển Đông, có hai mỏm đá nhô ra ngoài biển như hai cánh tay khuỳnh ra, là nơi lý tưởng để tôm cá vào trú ẩn, nhất là mùa biển động. Mỗi lần có những mẻ cá lớn dạt vào, dân trong vùng hô hoán la to để báo hiệu cùng nhau mang thuyền lưới ra vây bắt, lệ ấy thành quen.
< Vũng Chào.
Trước đây, Vũng La như một ốc dảo, những ngày mưa to gió lớn (vì không có đường bộ) nên không thể dùng thuyền ghe nhỏ vượt qua, do sóng cả đập rất mạnh vào bờ đá. Do phần đất liền rất hẹp về chiều ngang nên nhà cửa của ngư dân tại đây chạy dọc theo bờ vịnh, trồng nhiều dừa để cản bớt sức gió bão hàng năm. Bóng dừa toả mát ra tận bờ vịnh.
Với một vị trí rất lý tưởng này, có thể tạo ra điểm du lịch sinh thái cho du khách thập phương. Bỡi từ đầu thôn Phú Mỹ là Đá Tượng. Đây là nơi có những cụm đá to chồng chất chạy dọc theo bờ vịnh Xuân Đài.
< Vũng La.
Chính những hòn đá có hình dạng, kích thước to nhỏ khác nhau sắp xếp lộn xộn trên bờ vịnh tạo thành cảnh thiên nhiên đặc sắc, có nhiều hòn đá trông như những bức tượng hình người, thú. Cũng dọc theo làng Đá Tượng này, có nhiều lăng thờ ông Nam Hải, tức thờ cá Voi, một tín ngưỡng của ngư dân miền biển.
Nối với Đá Tượng là Vũng Mắm, Vũng Dông ở cùng thôn. Sang đến đầu thôn Dân Phú1 là Vũng Chào, tiếp đến là vũng Sứ rồi mới đến Vũng La nằm ở thôn Dân Phú 2.
Muốn đến Vũng La thì từ dốc Găng thuộc thôn Cao Phong đi về hướng Đông độ 2 cây số thì tới. Ở phía Bắc Vũng La có một bãi cát nằm sâu vào khoảng giữa hai hòn núi nhô ra để ôm vũng nước biển xanh ngăn ngắt và trong suốt. Từ mỏm núi này đến mỏm núi kia cách chừng 600 mét. Bãi cát này có tên Bãi Ôm, rất vắng vẻ, không có nhà cửa của cư dân, quanh năm chỉ có tiếng sóng vỗ ì ầm, lúc khoan lúc nhặt như một bản hợp tấu không bao giờ ngừng nghỉ của biển khơi.
Tương truyền ngày xưa, có nhiều đôi trai gái đưa nhau đến bãi này vui sống một cách tự nhiên, nếu đôi nào còn giữ gìn phẩm hạnh theo lễ giáo thì sẽ bị trời đánh , nghĩa là được phép luyến ái trước hôn nhân.
Vũng La, vũng Sứ, vũng Chào/ Vũng Dông, vũng Lắm, vũng nào cũng thương...
Theo Phú Yên online
Du lịch, GO!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét